Thứ sáu, 29/03/2024, 06:34 [GMT+7]

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới

Thứ bảy, 26/02/2022 - 21:25'
(BLC) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: Phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Xác định vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, thời gian qua các cơ quan truyền thông của tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, góp phần đưa hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hoá, tiềm năng và thế mạnh ngành Du lịch Lai Châu đến nhiều hơn với du khách.

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ cải của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự. Bên cạnh đó, di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát huy thế mạnh từ sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống các dân tộc, 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch (đã được UBND tỉnh công nhận) thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian và từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.

Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, tỉnh biên giới Lai Châu còn có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Điển hình như đèo Ô Quy Hồ - vắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn (cung đèo dài nhất Việt Nam); khu du lịch Cầu kính rồng mây - cầu kính cao nhất Đông Nam Á; khu rừng sinh thái Hoàng Liên, khu sinh thái Tà Tổng, khu du lịch sinh thái thác Tác Tình; đỉnh Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử với rừng đỗ quyên tuyệt đẹp… Hầu hết đều có độ cao trên dưới 3.000m so với mực nước biển. Đây cũng là địa điểm lý thú mà các phượt thủ hay du khách ưa mạo hiểm mong muốn chinh phục, khám phá và trải nghiệm. Ngoài ra, Lai Châu còn có hệ thống hang động với vẻ đẹp nguyên sơ như: động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pusamcap ở thành phố Lai Châu và 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh được đã xếp hạng…

Ghé thăm Khu du lịch Cầu kính rồng mây du khách sẽ được hòa vào biển mây và tận hưởng cảm giác chinh phục độ cao 2.200m so với mực nước biển.

Ghé thăm Khu du lịch Cầu kính rồng mây (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) du khách sẽ được hòa vào biển mây và tận hưởng cảm giác chinh phục độ cao 2.200m so với mực nước biển.

Một trong những lợi thế níu chân du khách ở lại đó là Lai Châu nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có quốc lộ 4D, quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội - Lào Cai - Điện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo… Với những thế mạnh đó, du lịch Lai Châu đã có những bước bứt phá nổi bật, đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Tây Bắc. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày một tăng. Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt gần 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 14%/năm.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều điểm du lịch bị ngừng trệ, thậm chí đóng băng. Để phục hồi và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, cùng với thực hiện các chủ trương ưu tiên phát triển các dự án đầu tư du lịch có thế mạnh đặc thù của tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh Lai Châu đã nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch Covid-19.

Theo đó, các đơn vị chú trọng tuyên truyền quảng bá hình ảnh, các điểm mới, ấn tượng tại các điểm du lịch trong tỉnh. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền riêng dành cho du lịch để độc giả nắm bắt được toàn cảnh các khu, điểm du lịch của tỉnh Lai Châu. Các bài viết về du lịch không chỉ tuyên truyền để thu hút du khách mà còn giúp bà con trong tỉnh thấy được tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương, chung tay cùng tỉnh xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Lai Châu.

Công tác tuyên truyền với chiến lược thúc đẩy du lịch nội địa phát triển theo phương châm “Người Lai Châu đi du lịch Lai Châu”, “Hành trình về với vùng xanh”; “Lai Châu điểm đến an toàn – thân thiện – hấp dẫn”, tổ chức đoàn Famtrip, Caravan, Hội chợ du lịch và du lịch quốc tế thường niên; phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có. Thông tin các loại hình du lịch mới phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin, chính sách và các giải pháp phục hồi du lịch của các địa phương trong nước, để tạo động lực và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp du lịch Lai Châu trong việc phục hồi thị trường nội tỉnh, nội địa và quốc tế. Thông tin kịp thời những nội dung liên quan đến kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhằm định hướng và thu hút du khách. Đẩy mạnh truyền thông điểm đến du lịch an toàn; chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...

r

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Song song với tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Lai Châu, các cơ quan báo chí còn trở thành cầu nối để doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và đề xuất những kiến nghị đến với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã dành sự quan tâm đặc biệt để du lịch Lai Châu cất cánh. Thông qua hàng loạt các chính sách cụ thể từ bảo tồn, duy trì, phát huy và đầu tư trong phát triển du lịch, cùng với nhiều giải pháp kích cầu du lịch, trong đó việc truyền thông, quảng bá đã được các cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả, tạo sự phong phú đa dạng… đã thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm. Đến tháng 10/2021 sau khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, áp dụng giải pháp phục hồi theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, du lịch Lai Châu đã có những khởi sắc đáng kể.

Tiếp tục đồng hành cùng ngành Du lịch trên hành trình phục hồi, phát triển du lịch của tỉnh nhà, thời gian tới, các cơ quan truyền thông trong tỉnh sẽ tăng cường kết nối báo chí cùng cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch với nhiều hình thức quảng bá phong phú, hiện đại. Tăng cường liên kết hơn để việc quảng bá, tuyên truyền hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao. Trong đó chú trọng việc chia sẻ hình ảnh, video, clip giữa các cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông du lịch tốt nhất… Từ đó quảng bá các hình ảnh du lịch đặc sắc của từng địa phương trong tỉnh, chung sức cùng tỉnh kích cầu du lịch phát triển trở lại.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...