Thứ ba, 19/03/2024, 16:06 [GMT+7]

“Giữ lửa” nghề rèn truyền thống

Thứ tư, 08/09/2021 - 11:04'
Nhạy bén trong kinh doanh và mong muốn giữ gìn, phát huy nghề rèn truyền thống đã thúc đẩy anh Vừ A Thu, dân tộc Mông ở bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) đầu tư vốn phát triển kinh tế từ nghề rèn.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thu khi những tia nắng cuối ngày vẫn còn vương trên từng nhành cây, tán lá. Vừa đến đầu ngõ đã nghe âm thanh chan chát của búa với đe. Bước vào căn nhà nhỏ, trước mắt tôi là người đàn ông ngồi bên bếp lửa đỏ rực với từng thao tác thuần thục đưa thanh sắt vào lò nung, thỉnh thoảng lại nâng búa đập liên tục xuống miếng sắt đã nung đỏ đặt trên đe. Ánh lửa bập bùng trên bếp lò còn soi rõ những giọt mồ hôi đang chảy trên má của người thợ rèn. Thấy có khách, anh Thu dừng tay nói: “Bạn ngồi đợi tôi một lát, thời gian này có nhiều đơn đặt hàng nên phải tranh thủ kịp giao cho khách. Còn một con dao cuối cùng nên tôi cố rèn nốt cho xong”. Vừa nói, anh Thu nhanh nhẹn quại từng nhát búa chắc nịch, sau một thời gian hì hục cũng hoàn thành được sản phẩm, anh mới có thời gian tiếp chuyện với tôi.

Khách hàng chọn mua dao của anh Thu.

Theo lời kể, anh Thu sinh ra và lớn lên ở xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), từ nhỏ đã được bố dạy cách rèn dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày… song cũng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi cụ nội anh sinh ra nghề rèn đã có và truyền lại cho ông rồi bố anh và giờ đến anh. Thời ông nội và bố anh Thu, nghề rèn còn là kế sinh nhai của cả gia đình. Vì vậy, tiếng chan chát của búa với đe đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc với cả tuổi thơ của anh, nhất là khi mùa vụ đến. Tuy nhiên, khi đất nước phát triển, hàng loạt các loại dao, cuốc… làm từ máy móc công nghiệp ra đời dần thay những nhát búa, thanh đe thì nghề rèn truyền thống cũng đi vào quên lãng, nhiều gia đình bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với thị trường. Bản thân anh Thu cũng cố gắng học tập với mong muốn có được công việc tốt hơn.

Sau gần chục năm xa quê tìm kế sinh nhai, đến năm 2016, anh Thu trở về địa phương tham gia làm công an viên của xã. Lúc đó, anh mới có thời gian tìm hiểu những sản phẩm từ nghề rèn và phát hiện các sản phẩm được làm công nghiệp ngoài thị trường kiểu dáng, kích thước tuy có đa dạng phong phú, giá thành rẻ nhưng lại không được lâu bền. Còn sản phẩm của người Mông rèn ra có độ bền, sắc, tuy giá cao hơn nhưng dùng được nhiều năm, mài đi mài lại nhiều lần đến khi con dao mỏng dẹt, gẫy rồi mới phải bỏ đi. Gắn bó với nghề rèn từ thời niên thiếu và chứng kiến người thân trong gia đình làm nghề, tình yêu với nghề rèn trong anh dường như trỗi dậy. Do đó, anh Thu tâm niệm phải cố gắng giữ gìn và phát huy nghề rèn truyền thống của dân tộc.

Nghĩ là làm, anh đầu tư thiết bị và nhờ bố dạy lại cách rèn, bản thân anh cũng dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu thị trường. Khi hoàn thành sản phẩm tự mình rèn, anh cũng đăng lên trang facebook cá nhân để giới thiệu cho bạn bè gần xa. Song vì giá thành cao nên không bán được. Nghe người anh họ giới thiệu thị trường Lai Châu nhu cầu người dân sử dụng sản phẩm từ nghề rèn thủ công lớn, năm 2019, anh Thu chuyển sang tỉnh Lai Châu sinh sống và thuê lại cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật tại bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) mở xưởng rèn.

Những ngày đầu lập nghiệp trên quê hương mới, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm kiên trì vực dậy nghề rèn truyền thống, các sản phẩm làm ra của anh được nhiều người biết đến, lời đồn vang xa, khách hàng tìm đến hỏi mua ngày càng nhiều. Do làm thủ công, không sản xuất hàng loạt nên nhiều khi không đáp ứng kịp nhu cầu của khách. Vì vậy, anh Thu phải đưa bố mẹ từ Điện Biên sang phụ giúp công việc rèn của mình.

Anh Thu chia sẻ: “Để rèn ra một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung lửa, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc và làm chuôi cầm. Nói thì vậy nhưng để làm ra một sản phẩm đạt chất lượng cao không đơn giản, đó là kinh nghiệm và cả những bí quyết mà không phải ai cũng có được. Nên mỗi sản phẩm gia đình tôi bán ra đều được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là còn bảo hành trong 6 tháng nếu sản phẩm lỗi có thể đổi - trả miễn phí”.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu để rèn ra sản phẩm của gia đình anh Thu chủ yếu là nhíp ô tô cũ được anh ký hợp đồng với các gara sửa chữa xe ô - tô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Các sản phẩm rèn của gia đình anh Thu chủ yếu là các loại dao: thái, chặt xương, chặt gà và dao phát đi rừng, giá một sản phẩm từ 150 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo yêu cầu khách đặt. Không chỉ bán lẻ tại nhà, đổ cho khách sỉ ở tỉnh Điện Biên và các huyện trong tỉnh, anh Thu còn bày bán giới thiệu sản phẩm tại gian hàng tiêu thụ nông sản của Hội Nông dân tỉnh để thu hút người mua.

Là người thường xuyên mua dao của anh Thu, chị Trần Thị Hạnh ở Tổ dân phố số 19 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “So với các loại dao bày bán trên thị trường thì dao của anh Thu có độ bền và sắc hơn nhiều, nên khi có nhu cầu tôi thường đặt mua ở đây, thậm chí còn mua gửi về quê cho người thân họ hàng, ai cũng khen dao dùng tốt”.

Được biết, từ nghề rèn mỗi tháng gia đình anh thu về khoảng 30 triệu đồng, trừ các loại chi phí, lãi từ 15 - 18 triệu đồng. Đó chính là động lực để anh Thu tiếp tục gắn bó với nghề.

Chia sẻ với chúng tôi những dự định sắp tới, anh Thu bộc bạch, nếu nhu cầu khách đông, thị trường đón nhận sẽ mở rộng quy mô xưởng, mời thêm những người biết làm nghề rèn tham gia, vừa giúp họ có thêm thu nhập mà còn là cách gìn giữ và phát huy nghề rèn truyền thống của dân tộc.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...