Thứ bảy, 27/04/2024, 08:26 [GMT+7]

Xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp

Thứ sáu, 03/07/2020 - 16:20'
Đổi mới tư duy, chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường và áp dụng hiệu quả kiến thức được học qua các lớp đào tạo nghề, anh Tòng Văn Dung (bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp chuyên sản xuất nấm tươi, bịch nấm, nuôi ếch, ba ba.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Dung chia sẻ: “Nếu không kiên trì có lẽ tôi không thể theo đuổi nghề trồng nấm đến bây giờ. Qua tìm hiểu thị trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thử nghiệm trồng nấm rơm. Do chưa có kinh nghiệm, không có kiến thức nền, toàn bộ 500 bịch nấm bị hỏng. Năm 2011, tôi quyết định đăng ký tham gia lớp dạy nghề trồng nấm tại cơ sở dạy nghề ở Hà Nội và đã thành công ngay từ vụ nấm đầu tiên sau khi hoàn thành khóa học. Nấm rơm có thể trồng quanh năm, nếu chăm sóc tốt và có chú ý nhất định về thời tiết sẽ cho thu hoạch thường xuyên. Nguyên liệu đa dạng, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nhưng chủ yếu vẫn là rơm rạ (sẵn có tại địa phương). Địa điểm chỉ cần mặt bằng phẳng, khô ráo, thoáng, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nấm. Trong quy trình, khó nhất vẫn là khâu ủ rơm, đóng bịch phôi nấm, bởi đòi hỏi phải nhanh, gọn, do đó, tôi thường thuê thêm nhân công địa phương”.

Anh Dung trồng nấm rơm.

Anh Dung trồng nấm rơm.

Đa dạng sản phẩm, năm 2019, anh Dung tiếp tục đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng nấm (thời gian 3 tháng) do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Tại lớp học, anh được tiếp thu kiến thức về trồng, nhân giống, sơ chế và bảo quản nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ. Với vốn kiến thức về trồng nấm tích lũy sau 10 năm thực hiện cùng sự năng động trong phát triển kinh tế, anh Dung được Trung tâm mời làm giáo viên trợ giảng.
Mỗi bịch nấm cho thu hoạch trong 3 tháng, cao điểm gia đình anh Dung làm 2.000 bịch, thu về 60 triệu đồng/vụ. Đầu ra cho sản phẩm rất thuận lợi, tạo động lực đầu năm 2020, anh mở rộng quy mô mặt bằng và tăng số lượng bịch. Hiện, gia đình anh kinh doanh cá, ba ba và nấm rơm thông qua các hình thức: bán trực tiếp tại chợ, ký kết với nhà hàng và qua mạng xã hội.
Không chỉ duy trì mô hình trồng nấm rơm (bình quân 800 bịch/vụ), anh Dung còn tích cực tham gia các lớp dạy nghề do cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với xã tổ chức và triển khai nuôi thêm ba ba, ếch thương phẩm. Đây đều là loại cây, con mới, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc, điều kiện ao, bể, diện tích vườn rộng, trong quá trình thực hiện, anh chủ động liên hệ với cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để được tư vấn thêm và hỗ trợ khi cây trồng, vật nuôi có biểu hiện của dịch, bệnh.
Với cương vị Trưởng bản Bút Dưới, anh Dung vận động bà con trong bản tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn do cơ quan chuyên môn trong huyện, tỉnh tổ chức nhằm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, đầu tư các loại giống cây, con mới để nâng cao thu nhập. Trong năm 2019, trong bản có 35 học viên tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, tuy nhiên bà con chưa mặn mà áp dụng, điều này khiến anh Dung khá trăn trở. Anh Dung chia sẻ: Nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu ra thuận lợi, tôi rất mong bà con mạnh dạn đầu tư trồng nấm và sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn thêm kỹ thuật nếu cần.
Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, áp dụng hiệu quả kiến thức sau đào tạo nghề giúp gia đình anh Dung có nguồn thu nhập cao, ổn định từ trồng lúa, thảo quả, nấm rơm và chăn nuôi. Và, mô hình kinh tế của gia đình anh thường xuyên được xã lựa chọn là điểm đến tham quan của các đoàn thể, đoàn công tác khi về làm việc.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...