Thứ tư, 22/05/2024, 07:36 [GMT+7]

Đổi mới phương pháp dạy và học theo mô hình mới

Thứ hai, 14/03/2016 - 20:41'
(BLC) - Sau 2 năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN), Trường Tiểu học thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) đã đạt được hiệu quả tích cực trong việc nâng cao khả năng giảng dạy, kết quả học tập cho giáo viên và học sinh. Qua đó góp phần đổi mới trong cách dạy và học, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại.

Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình trường học mới, giáo Đào Thị Hằng -Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Trường không thuộc Dự án triển khai thực hiện mô hình học VNEN nhưng thuộc diện nhân rộng và thực hiện Dự án từ năm học 2014 – 2015 với 6 lớp thuộc 2 khối lớp 2, 3. Năm học này, có 10 lớp học theo mô hình mới với tổng số 273 học sinh. Để thay đổi được cách học, cách dạy truyền thống, những ngày đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn do đội ngũ giáo viên còn bỡ ngỡ chưa có kinh nghiệm, kiến thức không đồng đều. 2/3 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông còn hạn chế, khả năng tiếp thu còn chậm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới. Với lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua thực hiện mô hình VNEN”.

Học sinh lớp 4A phát biểu ý kiến trong giờ học.

Chúng tôi được chứng kiến một tiết học Tiếng việt của lớp 4A - 1 trong 10 lớp thực hiện mô hình VNEN. Khác với phương pháp học cũ, lớp học được chia thành 7 nhóm, mỗi nhóm 4 người. Không khí diễn ra trong lớp sôi nổi khi nhóm này đặt ra câu hỏi cho các nhóm khác để đoán về tên nhân vật và câu chuyện liên quan đến bài học. Các em trong nhóm được cùng nhau thảo luận, bàn bạc và thống nhất; được phát biểu ý kiến trước toàn thể lớp học và cô giáo về bài học. Tiết học diễn ra trong không khí vui vẻ và đạt hiệu quả khi ai cũng đoán trúng đáp án. Do đã quen với cách học mới nên học sinh hoàn toàn làm chủ được giờ học; giáo viên chỉ là người hướng dẫn, giúp các em tiếp nhận kiến thức đúng hướng, khoa học. Nhờ đó, ai nấy đều cảm thấy hứng thú, say mê với môn học.

“Trước đây, với mô hình học tập cũ, học sinh thường thụ động với môn học. Nay học theo mô hình học tập mới, học sinh được rèn luyện kỹ năng học và làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, điều hành quản lý nhóm và đặc biệt là khả năng tự tìm tòi, sáng tạo trong giờ học. Đó là những yếu tố quan trọng hình thành kỹ năng tự học cho học sinh. Ngoài ra, các em còn được tiếp thu nhiều ý kiến khác nhau của các thành viên trong nhóm; được tranh luận, giải đáp, bày tỏ những suy nghĩ của bản thân. Cùng với đó, các lớp còn thành lập hội đồng tự quản để cùng chia sẻ, hỗ trợ những bạn học yếu vươn lên trong học tập và xây dựng lớp học thân thiện” - cô giáo Nguyễn Thị Hòa - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A tâm sự.

Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình VNEN với phương pháp học tập cũ là nếu trước kia, để đánh giá được mức độ hiểu bài của học sinh sau mỗi tiết học, giáo viên phải tổ chức kiểm tra bài đối với học sinh trong lớp, nhưng với mô hình này, tất cả các em đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra và giúp đỡ nếu còn yếu kém. Vì vậy, chất lượng giáo dục học sinh thực hiện theo chương trình VNEN được nâng lên rõ rệt. Một điểm mới của chương trình VNEN nữa là việc tổ chức lớp học theo nhóm không chỉ làm cho không gian của phòng học trở nên thân thiện, khoa học hơn mà còn hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu học tập và hoạt động của mỗi học sinh.

Em Đinh Thùy Dung – học sinh lớp 4A bộc bạch: “Nhờ mô hình học VNEN, em và các bạn tự tin, mạnh dạn nói ra ý kiến của mình và cùng nhau trao đổi để tìm ra câu trả lời đúng nhất cho bài học. Sách giáo khoa của mô hình học mới này cũng có nhiều hình ảnh minh họa sinh động phục vụ cho việc học của em. Em thấy mô hình học mới này rất thú vị và hữu ích”.

Những kết quả đạt được bước đầu khẳng định sự thành công của mô hình, tạo “bước đệm” quan trọng trong công cuộc cải cách giáo dục trong giai đoạn phát triển như hiện nay.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...