Thứ sáu, 11/10/2024, 12:39 [GMT+7]

Vượt khó chuẩn bị năm học mới

Thứ sáu, 09/08/2024 - 09:54'
Thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa lũ, sạt lở đất những ngày qua gây ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất của các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mường Tè. Quyết tâm vượt khó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đang nỗ lực chuẩn bị năm học mới 2024-2025.

Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới có diện tích tự nhiên rộng nhất tỉnh; hệ thống giao thông chủ yếu đi qua khu vực có địa hình chia cắt mạnh. Những cơn mưa kéo dài trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống giao thông trên địa bàn. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, các trên tuyến quốc lộ 4H, đường tỉnh 127, Nậm Khao - Tà Tổng, Bum Nưa - Pa Vệ Sủ, Mường Tè - Pa Ủ, Nậm Lằn - Tá Bạ, Ka Lăng - Thu Lũm có nhiều điểm sạt lở lớn với khối lượng hàng vạn mét khối đất, đá, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là tại các xã biên giới: Tá Pạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Mù Cả, Thu Lũm...

Mưa lũ không chỉ gây thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của huyện còn là trở ngại rất lớn cho việc quay lại trường, trả phép và huy động học sinh ra lớp của các thầy, cô giáo. Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tá Bạ chia sẻ: Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, nhà trường có tổng số 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 415 học sinh. Thực hiện công văn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, tính đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên đã trả phép và có mặt tại trường. Trường đã tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân lao động, vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, phòng ở của giáo viên, học sinh, sẵn sàng cho ngày tựu trường (19/8).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để quay lại trường an toàn, đúng lịch, các thầy, cô giáo của nhiều trường học trên địa bàn huyện đã phải vượt qua chặng đường gian nan, nguy hiểm đến tính mạng. Tính riêng tuyến đường trên 10km từ ngã ba Nậm Lằn lên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tá Bạ đã có hàng chục điểm sạt lở, có điểm sạt lở ta-luy âm đứt đường, ta-luy dương đất đá, cây cối vùi lấp toàn bộ mặt đường. Nhiều thầy, cô giáo đã phải quay lại ngủ nhờ nhà dân, đợi khi an toàn rồi phối hợp với người dân phát dọn cây cối, thông đường mới đi tiếp. Hiện, thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, tuyến đường đến các bản có nguy cơ sạt lở cao, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động nắm bắt nhiều kênh thông tin chia sẻ đến cán bộ, giáo viên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, nhất là đi qua những đoạn đường dễ sạt lở đến các bản: Nhóm Pố, Là Si, Là Pê, Ló Mé - Lè Giằng.

Năm học 2024-2025, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè quản lý 36 trường với 578 lớp, trên 14.270 học sinh. Khó khăn do điều kiện thời tiết mang lại cho công tác giáo dục ở huyện chỉ là yếu tố đặc thù của huyện vùng cao, biên giới. Đáng bàn vẫn là thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện, có khoảng 206 phòng học bán kiên cố, 11 phòng học tạm; cơ sở hạ tầng dành cho công tác nuôi dạy bán trú thiếu, phòng ở cho học sinh nhiều trường tạm bợ, ở phòng lắp ghép, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống vệ sinh chưa đảm bảo. Toàn huyện còn thiếu 84 giáo viên thuộc các môn: tiếng Anh, tin học, toán, ngữ văn, mỹ thuật, âm nhạc.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Trương Quốc Hoàn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã, liên bản của huyện sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông cục bộ, khó khăn rất lớn cho công tác chuẩn bị năm học mới của các đơn vị trường. Phòng đã chủ động nắm bắt thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để thông báo đến các nhà trường triển khai kịp thời đến cán bộ, giáo viên đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là quá trình đến các điểm bản huy động học sinh ra lớp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ GD&ĐT, phòng tổ chức rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu cho các đơn vị trường trong toàn ngành, nhất là thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới (lớp 5, lớp 9), đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.

Người dân xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) giúp thầy, cô giáo đẩy xe qua các điểm sạt lở để đến trường.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã triển khai phân lịch, tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị và chuyên môn cho cán bộ, giáo viên từ cấp mầm non đến THCS từ ngày 3/8 - 15/8. Chỉ đạo các đơn vị trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức rà soát cơ sở vật chất; tham mưu UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trường, lớp học, khắc phục sạt lở đường đến trường và các điểm trường; thực hiện công tác chuẩn bị chăm nuôi học sinh bán trú và tổ chức thành công ngày hội khai trường 5/9.

Bước vào năm học mới 2024-2025, diễn biến phức tạp của thời tiết cùng với những khó khăn mang tính đặc thù đang là trở ngại không nhỏ cho công tác GD&ĐT của huyện Mường Tè. Nhưng với sự chủ động và nỗ lực, quyết tâm vượt khó bằng những giải pháp cụ thể cùng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tin rằng ngành GD&ĐT huyện sẽ đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để bước vào năm học mới với quyết tâm cao.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...