Thứ tư, 11/09/2024, 00:59 [GMT+7]

Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ tư, 15/05/2019 - 10:28'
III- TRUYỀN THỐNG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC LAI CHÂU

Từ xa xưa, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Vào thế kỷ XIII, công trình phòng thủ được các Chúa Lự xây dựng ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Theo sách Hưng Hóa kỷ lược, tương truyền trong thành có 3 vạn cối giã gạo bằng guồng nước và chứa được 3 vạn dân đinh nên được gọi là thành Tam Vạn. Thành rất lớn, rộng khoảng 100 mẫu ruộng, cao một trượng, ngoài có hào lũy bao bọc, có đồn canh chính đặt trên một quả đồi cao cạnh hồ U va, từ đó có thể nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh.

 

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Thế kỷ XV, trước sự xâm lăng của giặc Minh (Trung Quốc), vua Lê Lợi đã đem quân lên Lai Châu đánh dẹp quân xâm lược. Quân đội triều đình đi đến đâu cũng được Nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Khi một giải đất biên cương của tổ quốc được bình yên, vua Lê Lợi đã nhắc nhở người đời sau về nơi “phên dậu” của Tổ quốc, vào mùa đông năm Tân Hợi 1431, Lê Lợi đã khắc bài thơ ở vách đá Pú Huổi Chò mà sử sách gọi là Bia cổ Hoài Lai (Đại Nam nhất thống chí) gần thị xã Lai Châu trên đường vào huyện Mường Tè (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn) nhằm khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Trung ương bạc nhược không còn đủ sức kiểm soát miền Tây Bắc nước ta. Nhân cơ hội đó, giặc Phẻ do Phạ Chậu Tin Tòng cầm đầu từ miền Thượng Lào tràn sang đánh chiếm Mường Thanh. Bọn chúng đánh đuổi các chúa Lự chạy bạt lên vùng Mường Lự (Bình Lư) và Sình Hồ, chiếm cánh đồng Mường Thanh và thành Tam Vạn. Đi đến đâu chúng cướp phá thậm tệ, giết hại Nhân dân tới đó. Trước những hoạt động dã man của giặc Phẻ, nhiều thủ lĩnh người Thái và các dân tộc khác đã tổ chức Nhân dân để chống giặc ngoại xâm, nhưng vì lực lượng yếu nên đều bị thất bại.

Năm 1754, hay tin Hoàng Công Chất, lãnh tụ phong trào nông dân vùng Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định) đang từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh đã liên kết, phối hợp với nghĩa quân tổ chức tiến công thành Tam Vạn. Giặc Phẻ chống trả quyết liệt, nghĩa quân Hoàng Công Chất và hai thủ lĩnh Ngải, Khanh được Nhân dân ủng hộ đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi quan trọng. Tướng giặc Phạ Chậu Tin Tòng bị giết chết, số còn lại bỏ chạy sang Lào.

Sau 18 năm (1751-1769), hoạt động ở Tây Bắc, chủ yếu ở vùng Mường Thanh, Hoàng Công Chất và nghĩa quân đã quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi biên giới, thu hồi toàn bộ những vùng đất đai bị chiếm giữ, giải phóng Nhân dân khỏi ách thống trị tàn bạo, dã man của ngoại bang, mang lại cho Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng một cuộc sống ổn định. Hoàng Công Chất và nghĩa quân của ông được Nhân dân các dân tộc Lai Châu yêu mến, đùm bọc, tình nghĩa xuôi ngược ngày càng gắn bó.

Thế kỷ XIX, trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn cai trị, cả nước hầu như không lúc nào yên ổn. Miền Tây Bắc, nhất là Mường Thanh cũng nằm trong tình trạng chung như vậy. Hết giặc Lự, giặc Muông lại đến giặc Xiêm (Thái Lan), giặc Cờ Vàng sang cướp phá, làm cho bản làng tan hoang, bệnh dịch, nạn đói liên tiếp xảy ra. Nhân dân đã nhiều lần nổi dậy chống quan quân triều đình và bọn phong kiến tay sai địa phương, đồng thời tự động tổ chức, tập hợp dưới cờ của tù trưởng Mường Muổi Bạc Cầm Ten chống giặc Xiêm ở Mường Thanh, của tù trưởng người Khơ Mú tên là Chương Han chống lại giặc Cờ Vàng.

Từ khi thực dân Pháp đem quân xâm lược Việt Nam (năm 1858). Triều đình nhà Nguyễn bất lực, đầu hàng quân xâm lược. Căm thù hành động cướp nước của thực dân Pháp, bất bình trước sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy đánh Pháp.

Trong suốt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh cùng Nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của kẻ thù, nổi bật là các cuộc đấu tranh của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích và các thủ lĩnh người địa phương và khu vực Tây Bắc là Đèo Văn Trì, Nguyễn Văn Quang, Lường Sám, Giàng Tả Chan... đã tập hợp lực lượng, xây dựng phòng tuyến tổ chức chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa lực lượng kháng chiến với kẻ thù, làm cho thực dân Pháp thiệt hại rất nhiều về người và của. Chúng vô cùng hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì vậy với thủ đoạn thâm độc chúng vừa mua chuộc, dụ dỗ những người trong lực lượng kháng chiến, vừa tập trung lực lượng quân đội tổ chức đàn áp để tiêu diệt các cuộc đấu tranh ở Lai Châu và khu vực Tây Bắc. Các cuộc đấu tranh của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất anh dũng, kiên cường nhưng cuối cùng đều thất bại. Phải chờ đến khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã một lòng một dạ tin theo Đảng, cùng quân dân cả nước chiến đấu bảo vệ quê hương. Cho đến năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta, quê hương Lai Châu sạch bóng quân thù, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn khởi được sống trọn vẹn trong độc lập, tự do, hạnh phúc.

Còn nữa

BT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.