Thứ năm, 28/03/2024, 19:19 [GMT+7]

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp nông thôn

Thứ hai, 23/12/2019 - 22:34'
(BLC) - Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ của tỉnh đã chú trọng triển khai, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.  

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân số ở khu vực nông thôn chiếm 82,05% dân số toàn tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng đến sự phát triển chung của tỉnh. Đến cuối năm 2019, diện tích cây lương thực có hạt đạt 54.475ha, sản lượng ước đạt 220.000 tấn, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích 2.358ha, sản lượng đạt 11.670 tấn.  Cây công nghiệp, gồm có cây chè, đến nay đạt 7.615ha, sản lượng là 28.000 tấn; cao su: 13.015ha, trong đó có 3.446ha đã cho khai thác mủ, sản lượng ước đạt 2.757 tấn mủ khô. 

Trong những năm qua, số lượng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp luôn duy trì ở tỷ lệ 70%/năm. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai nhằm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh cây trồng trong sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Cụ thể, công tác ứng dụng khoa học phát triển giống cây trồng đặc sản địa phương được triển khai quyết liệt từ năm 2011 với việc nghiên cứu phục tráng và phát nguồn gen quý. Đến nay, các giống lúa ở các địa phương đã được phục tráng và xây dựng nhãn hiệu tập thể thành công như: gạo Tẻ râu ở huyện Phong Thổ; Khẩu ký và Nếp tan Co giàng - huyện Tân Uyên; Séng cù - huyện Than Uyên...

Thực tiễn sản xuất cho thấy, một số giống lúa địa phương cho chất lượng gạo và giá trị thương phẩm cao hơn các giống lúa nhập từ bên ngoài, trong khi mức đầu tư thấp, phù hợp với trình độ thâm canh của người dân và người dân có thể chủ động chọn lựa để giống trồng cho những năm tiếp theo, giúp người dân giảm chi phí tiền mua giống.

Mô hình canh tác giống khoai sọ Nậm Khao (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè) được triển khai, từng bước giúp bà con đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Đối với các cây trồng công nghiệp, để gia tăng giá trị sản phẩm chè tại huyện Tam Đường và Tân Uyên, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương triển khai dự án xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè Tam Đường và chè Tân Uyên. Triển khai các dự án đổi mới công nghệ chế biến sản phẩm chè, chuyển giao kỹ thuật thâm canh chè theo hướng VietGap và xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè hữu cơ tại Công ty Chè Tam Đường. Thông qua các hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ làm chất lượng, giá thành sản phẩm chè của địa phương đã được nâng cao, thu nhập người dân sản xuất ổn định hơn các loại cây trồng khác.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tại Quyết định 1976/QĐ-TTg, Sìn Hồ - Lai Châu được quy hoạch là một trong 8 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để khai thác tiềm năng một số loại dược liệu, khoa học đã nghiên cứu và đạt được một số thành công nhất định, như bảo tồn và phát triển tam thất hoang ở huyện Mường Tè (triển khai 3 nhiệm vụ theo chuỗi bảo tồn, nghiên cứu hoạt chất xây dựng mô hình phát triển). Ngoài ra, một số loại dược liệu quý ở huyện Sìn Hồ đang được khoa học nghiên cứu phát triển như cây đỗ trọng, bảy lá một hoa và lan kim tuyến.

Xác định, tỉnh Lai Châu có diện tích đất một vụ rất lớn, khoa học đã chuyển giao các tiến bộ về giống, quy trình kỹ thuật thâm canh để tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Một số công thức thâm canh ứng dụng kỹ thuật thâm canh và các giống lạc L26, ngô lai LVN66, lúa PC 6. Qua đó, một số công thức thâm canh thành công có khả năng nhân rộng, phát triển trên đất một vụ, như: công thức ngô xuân hè - lúa mùa; lạc xuân hè - lúa mùa; ngô thu đông - lúa đông xuân....

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ đã bám sát các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và nông nghiệp nông thôn nói riêng. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh và xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, song những kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn đã tác động, thay đổi tích cực đến nhận thức sản xuất nông nghiệp của người dân. Làm tăng đáng kể đến năng suất cây trồng, vật nuôi góp phần vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp tỉnh.

Giai đoạn 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các chương trình, đề án đã được xác định trong nhiệm kỳ XIII, như: tiếp tục cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp và tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP). Triển khai hiệu quả các Đề án: Phát triển nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới; Xây dựng bản nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn, Phát triển rừng, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; Phát triển Cây dược liệu; Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...

Duy trì phát triển ổn định 32.710ha diện tích trồng lúa, trong đó diện tích lúa hàng hóa 3.380ha, đảm bảo an ninh lương thực; khai thác hiệu quả diện tích cao su trên 13.000ha. Tập trung thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường với một số cây trồng chủ lực như: chè, lúa gạo đặc sản, rau quả ôn đới, quế, mắc ca, sơn tra, cây dược liệu... Phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung, nhất là chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản lòng hồ và nuôi cá nước lạnh với các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nông thôn, thời gian tới, khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá phân vùng sản xuất đảm bảo an ninh lương thực; vùng sản xuất lúa hàng hóa; ứng dụng chuyển giao các giống lúa mới hình thành bộ giống chất lượng, ổn định trong cơ cấu phát triển lúa ở các vùng. Xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ về giống cây lương thực, thực phẩm và kỹ thuật thâm canh tăng vụ trên diện tích đất một vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất trồng lúa một vụ; nghiên cứu thử nghiệm cây trồng thay thế cây lúa ở những nơi phù hợp. Đối với phát triển cây công nghiệp, tiếp tục quan tâm đến vấn đề giống, quy trình canh tác bền vững và khâu khai thác bảo quản…

Phát triển chăn nuôi gia súc và thủy sản được tỉnh xác định có tiềm năng rất lớn, do đó để khai thác, giải phóng tiềm năng trong phát triển chăn nuôi gia súc và thủy sản, nhiệm vụ đặt ra cho khoa học hỗ trợ các doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ về giống, quy trình kỹ thuật và ứng dụng công nghệ sản xuất công nghiệp theo hướng an toàn sinh học.

Để duy trì diện tích rừng và chất lượng rừng thì người dân phải có nguồn thu nhập ổn định từ rừng, do đó ngành khoa học tiếp tục nghiên cứu tạo ra các mô hình sinh kế mới, mô hình nông lâm kết hợp như trồng dược liệu dưới tán rừng, chăn nuôi dưới tán rừng… Qua đó, giúp người dân có thêm thu nhập, bên cạnh các nguồn thu từ phí chi trả dịch vụ rừng. Riêng phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh xác định phát triển 51 sản phẩm tại các địa phương, ngành khoa học và công nghệ sẽ cùng với địa phương xây dựng nhãn hiệu, công nghệ trùy xuất nguồn gốc sản phẩm; chuyển giao cho người dân quy trình kỹ thuật sản xuất, quản lý sản phẩm theo hướng an toàn.

Khoa học và công nghệ là nhân tố quan trọng, quyết định đến năng suất và hiệu quả sản xuất của nền kinh tế. Thực tế, sự phát triển kinh tế - xã hội ở một khu vực, địa phương đã cho thấy trong sản xuất nông nghiệp lĩnh vực nào đầu tư mạnh cho hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ ngành, lĩnh vực đó chiến thắng trong nền kinh tế mở cửa và hội nhập. Nông nghiệp Lai Châu có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, với quan điểm “khoa học phục vụ phát triển kinh tế” đã đồng hành, góp phần hoàn thành một số mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, sự tham gia phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai là yếu tố quan trọng để các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn thành công.

Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp có 88 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), số lao động làm việc trong khu vực HTX NN là 755 lao động, tổng doanh thu bình quân HTX NN năm 2018 là 800 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động HTX NN đạt 48 triệu đồng/năm. Đối với  tổ hợp tác (THT), toàn tỉnh hiện có 129 THT hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, thu hút  903 tổ viên. Tổng doanh thu bình quân của một THT đạt gần 217 triệu đồng/năm. Đến nay, bình quân tiêu chí đạt 13,5 tiêu chí/xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 29 xã và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống về vật chất và tinh thần được nâng lên, hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ thuận lợi cho giao thông, sinh hoạt của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể 11,8 triệu đồng/người/năm năm 2017.

Vũ Văn Cương -  Sở Khoa học và Công nghệ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...