Thứ sáu, 17/05/2024, 16:04 [GMT+7]

Công bố khảo sát về Game Online: Xóa bớt những nghi kỵ?

Thứ tư, 20/10/2010 - 09:55'
Hôm qua (19-10), Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã công bố một số kết quả về đợt khảo sát dịch vụ trò chơi trực tuyến (Game Online - GO) ở Việt Nam, được thực hiện theo "đặt hàng" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Đây là đợt nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về GO được tiến hành từ trước tới nay.

 

Game Online cần được quản lý chặt để tránh những ảnh hưởng xấu.
 
Người thu nhập thấp chơi game nhiều nhất
 
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai và Hải Dương trong thời gian hơn 1 tháng và theo một quy trình điều tra xã hội học nghiêm ngặt. Đối tượng lấy ý kiến là khoảng 1.400 người, đại diện cho nhiều lứa tuổi, trình độ nên có thể coi kết quả này phù hợp trên diện rộng.
 
TS Trịnh Hòa Bình, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Có game thủ thừa nhận họ đã chơi đến 168 giờ/tuần. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 71% người chơi đang đi học, trong đó nhóm 10-15 tuổi chiếm đến 26,3%. Tỷ lệ người không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng thường xuyên chơi GO chiếm gần 32%. Một trong những nhóm chơi GO hằng ngày cao nhất chính là cán bộ, công chức nhà nước (chiếm 48,5%), xếp trước đó là nhân viên văn phòng và người thất nghiệp.
 
Cũng theo kết quả nghiên cứu nêu trên, địa điểm chơi GO được lựa chọn nhiều nhất chính là các quán internet công cộng, chiếm 64,7%. Trung bình thời gian dành cho chơi game là 12,9 giờ/tuần, tương đương khoảng 1,8 giờ/ngày. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, có tới 66% người chơi GO cho rằng ảnh hưởng của loại hình này là tốn tiền bạc. Về tác động đến sức khỏe cũng như về tinh thần, tâm lý, nhóm tác giả cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía người được hỏi. Cụ thể: tỷ lệ người trả lời cho rằng GO làm cho game thủ sống mơ hồ, ảo tưởng trong thế giới nhân vật chỉ chiếm 30,5%. Trong khi đó, có tới 59% cho rằng cảm giác người chơi nhận được sau khi chơi là sảng khoái, thoải mái, giảm stress...
 
Oan cho GO?
 
Tại buổi họp báo tổ chức ngay sau khi công bố kết quả khảo sát, không ít nhà báo cho rằng những số liệu đưa ra có vẻ "nhẹ" hơn so với những gì họ đề cập. Ví dụ, thông tin chỉ có 0,3% người trả lời nói thường chơi game qua đêm (từ 0h-6h). Ngoài ra, số người cho rằng GO có ảnh hưởng tới bạo lực gia đình, xã hội hay kích thích dâm ô, đồi trụy chiếm tỷ lệ không cao so với các yếu tố khác. Ví dụ, 41,4% người được hỏi cho rằng phim ảnh và 29,8% cho rằng thông tin trên internet có tác động rất lớn đến hiện tượng trên; trong khi đó GO chỉ có 4,2% người được hỏi lựa chọn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 5,2% số người chơi có biểu hiện "nghiện" GO và nhóm nghiên cứu cho rằng, thực trạng "nghiện" GO không thực sự trầm trọng như thông tin trên báo chí.
 
TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: "Các nhà khoa học không chịu bất cứ sức ép nào khi nghiên cứu. Bấy lâu nay, chúng ta thường nghe nói nhiều về những ảnh hưởng tiêu cực của GO. Đó là một phần đúng của thực tế hiện nay, nhưng chưa toàn diện và trong nhiều trường hợp là do cảm tính. Đây là lần đầu tiên có một khảo sát khoa học và những kết quả về con số cũng như ý kiến được chúng tôi đưa ra trên quan điểm hoàn toàn tôn trọng thực tế khách quan".
 
TS Trịnh Hòa Bình cho biết thêm, môi trường giải trí hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là giới trẻ. Ngay ở các thành phố lớn, mặc dù có nhiều loại hình giải trí, nghệ thuật nhưng nhiều ý kiến cho rằng sân chơi cho thanh, thiếu niên vẫn còn rất hạn chế, thiếu thốn. Điều này dẫn đến việc một bộ phận thanh, thiếu niên dễ dàng đến với GO và trở thành "con nghiện". Thiếu những giải pháp đồng bộ rõ ràng là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện những biện pháp hành chính trong quản lý GO hiện nay.
 
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, vấn đề GO trở nên "bức xúc" trong xã hội có nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước chưa tốt, nhất là đối với các đại lý internet công cộng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc hạn chế mặt tiêu cực đối với giới trẻ. Kết quả của cuộc khảo sát củng cố thêm những vấn đề đặt ra đối với việc quản lý GO. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị Viện Xã hội học sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về GO trong thời gian tới.
 
Được biết, nghị định về quản lý hoạt động GO đang được đặt trên bàn của Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian tới nhằm giúp cho việc quản lý GO tốt hơn và toàn diện hơn, cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của trò chơi trực tuyến.

 

 

Theo HàNộimới

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...