Thứ ba, 30/04/2024, 02:17 [GMT+7]

Khẳng định thương hiệu chè Tân Uyên

Thứ hai, 08/04/2024 - 11:20'
Tháng 3/2024, trên địa bàn thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên), Nhà máy sản xuất, chế biến chè thuộc Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên được đưa vào vận hành. Đây là đơn vị sản xuất, chế biến chè lớn thứ 2 trên địa bàn huyện (sau Công ty Cổ phần Trà Than Uyên). Từ liên kết với cơ sở khác để chế biến thành phẩm chất lượng cao đã mở ra cơ hội mới cho sản phẩm chè Tân Uyên được nâng tầm giá trị.

Tân Uyên được coi là thủ phủ chè của tỉnh với diện tích đến nay đạt gần 3.400ha, sản lượng 29.000 tấn. 2 giống chè chủ đạo được trồng trên đất này là kim tuyên và shan tuyết, có đặc tính chát, ngọt hậu, được thị trường ưa chuộng. Đây là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, cây “cứu cánh” cho nông dân giảm nghèo bền vững. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, huyện không ngừng mở rộng diện tích; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường đôn đốc, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao. Sản phẩm chè khô của Tân Uyên đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Đông, Trung Quốc. Theo số liệu báo cáo, hằng năm giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,5 triệu USD. Điều này khẳng định giá trị cây chè của huyện đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù vậy, trong 15 cơ sở sản xuất, chế biến chè hiện hữu trên địa bàn huyện gồm 2 công ty, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh thì sản phẩm chè khô hầu hết đang chế biến thô, chưa tạo ra thành phẩm có giá trị cao. Đây là lý do ông Đỗ Viết Trung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên để liên kết với nhà máy sản xuất, chế biến chè có giá trị cao tại xã Bản Giang (huyện Tam Đường) nhằm chế biến nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ chè, nâng cao giá trị kinh tế.

Công nhân Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên chuẩn bị chè nguyên liệu đưa vào chế biến.

“Từ việc kêu gọi xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh nói chung, huyện Tân Uyên nói riêng, công ty đầu tư Nhà máy sản xuất, chế biến chè tại huyện Tân Uyên. Đây là điều kiện rất lớn để chúng tôi sản xuất, tập trung chế biến sâu, nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu chè Tân Uyên đối với khách hàng trong nước và quốc tế” - ông Trung nói.
Nhà máy sản xuất, chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên có dây chuyền đáp ứng khoảng 70 tấn chè búp tươi/ngày đêm trên cơ sở khai thác tối đa vùng nguyên liệu khoảng 100ha. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 tỷ đồng. Tại nhà máy chỉ sản xuất sản phẩm thô gồm chè xanh, lăn, sau đó được vận chuyển về nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chè tại xã Bản Giang. Nhiều đối tác tin cậy ở thị trường nước ngoài đã đặt hàng trước, do đó căn cứ kế hoạch sản xuất và nhu cầu bạn hàng, dự kiến năm 2024, công ty đạt tổng 150 công hàng, tương đương hơn 3.000 tấn (ở các vùng sản xuất trong tỉnh) xuất ra nước ngoài.
Hiện, Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên thu mua chè búp tươi cắt đại trà với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, về lâu dài, công ty có định hướng liên kết với người dân từ khâu chăm sóc đến thu hái đảm bảo chè sạch và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó nâng giá thu mua khoảng 8.000 - 13.000 đồng/kg chè búp tươi. Tất cả sự liên kết đều dựa trên quan điểm “hai bên cùng có lợi”.
Điều ông Trung trăn trở nhất hiện nay là tình trạng tranh mua, tranh bán, không chấp hành việc phân vùng nguyên liệu nên phần nào ảnh hưởng chung đến chất lượng sản phẩm chè. Chẳng hạn như việc bà con sử dụng máy cắt chè búp tươi dài để lấy sản lượng nhưng giá thu mua của các cơ sở vẫn ngang bằng so với sản phẩm chè thu hái đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật. Điều này không chỉ ảnh hưởng quá trình chế biến, chất lượng chè thành phẩm còn tác động tiêu cực đến việc tái tạo, sinh trưởng của chè ở lứa sau. Do đó, ông Trung đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch lại vùng nguyên liệu để các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè có định hướng phát triển, kỹ thuật sản xuất, mang đến những sản phẩm chè tốt, chất lượng, giá trị cao hơn.
Với nhu cầu mở rộng thêm khoảng 300ha vùng chè nguyên liệu và bổ sung nguồn nhân lực với khoảng 10 lao động, thời gian tới, Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên tiếp tục liên kết phát triển vùng nguyên liệu và tuyển công nhân. Như vậy, việc hiện hữu của Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên tiếp tục xây dựng, khẳng định thương hiệu chè Tân Uyên thêm vững vàng hơn, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...