Thứ sáu, 19/04/2024, 14:44 [GMT+7]

Xã hội số - nền tảng quan trọng chuyển đổi số toàn diện

Chủ nhật, 28/02/2021 - 15:21'
(BLC) - Trong hành trình chuyển đổi số hiện nay, cùng với kinh tế số thì xã hội số là yếu tố nền móng được các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện hướng tới hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.

Theo Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông, để hình thành xã hội số phải xây dựng được công dân số và động lực chính của xã hội số là công nghệ số. Điện thoại di động thông minh (smatphone) là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Hiểu rõ được điều này, những năm gần đây, Lai Châu dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Hạ tầng cho chuyển đổi số trong chính quyền được đầu tư, đảm bảo 100% đối với cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện; 70% đối với cấp xã.

Dịch vụ viễn thông phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên; mạng lưới viễn thông, internet phủ sóng rộng khắp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh 100% xã có cáp quang, hơn 99% xã có internet băng rộng; 100% xã phủ sóng điện thoại di động (trong đó, 76% số bản được phủ sóng 4G); gần 400 nghìn thuê bao điện thoại, đạt 75 thuê bao/100 dân; gần 30 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng, đạt 9.8 thuê bao/100 dân...

Một trong những đơn vị đang tăng cường thực hiện chuyển đổi số đó là Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh. Từ cuối năm 2020 đến nay, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cài đặt ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động của BHXH Việt Nam (VssID). VssID giúp người dùng có thể theo dõi quá trình tham gia BHXH, lịch sử khám chữa bệnh (KCB); tra cứu mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở KCB BHYT; giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động của người sử dụng lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp... Hiện nay, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký cài đặt. Đồng chí Đinh Gia Tăng - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Ứng dụng dịch vụ thông tin BHXH trên nền tảng di động là bước tiến mạnh mẽ góp phần vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Từ đó, thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy; thực hiện các dịch vụ công tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất.

Từ năm 2020 đến nay, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi hoạt động trên môi trường số phải được chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Theo đó, để thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các hoạt động trực tuyến được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đa phần các cuộc họp giao ban, trao đổi công việc được thực hiện online. Trên cơ sở các dữ liệu đã được số hóa, hoạt động của tỉnh nói chung, các cơ quan, đơn vị nói riêng vẫn được duy trì, không bị gián đoạn.

Hiện nay, Lai Châu cũng đã được hỗ trợ nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) đảm bảo liên thông, kết nối Cổng dịch vụ công tích hợp “một cửa điện tử” của tỉnh với cơ sở dữ liệu bộ, ngành, đảm bảo thực hiện các giao dịch phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Đường truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 95% sở, ban, ngành tỉnh. Việc gửi nhận văn bản điện tử và chữ ký số được tăng cường.

Đặc biệt, ngày 25/2 vừa qua, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân được khai trương đánh dấu bước ngoặt trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ "hồ sơ giấy" sang "hồ sơ điện tử". Theo đó, khi các cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện thông suốt việc kết nối, liên thông thì chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.

Công an thành phố Lai Châu thu thập thông tin dân cư

Cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Lai Châu thu thập thông tin dân cư phục vụ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Góp phần vào kết quả trên, những năm qua, Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, thời gian thực hiện gắn với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để đảm bảo tiến độ theo quy định. Cán bộ, chiến sỹ Công an các huyện, thành phố đã nỗ lực vượt khó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thiện thu thập phiếu thông tin dân cư. Để đảm bảo dữ liệu thu thập được chính xác trước khi chính thức nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an tỉnh còn thận trọng tiến hành phúc tra lại thông tin đã thu thập, yêu cầu bổ sung thông tin còn thiếu hoặc chưa đúng. Nhờ đó, đã hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cho công dân trước ngày 1/12/2020.

Hay như ngành Giáo dục, việc đưa kết quả học tập của học sinh lên môi trường số, tạo học bạ điện tử cũng đang được các trường tích cực ứng dụng. Anh Đinh Tiến Nam (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) phấn khởi: Học kỳ 1 vừa qua, chỉ cần truy cập vào vnedu.vn, nhập họ tên của con, số điện thoại hoặc mã học sinh là tôi có thể xem được tất cả điểm các môn học của con và tích hợp thông tin học tập các năm trước. Qua đó giúp gia đình nắm bắt kịp thời tình hình học tập thực tế, có giải pháp phối hợp cùng nhà trường giáo dục con, giảm tình trạng con bị điểm yếu thì giấu, điểm giỏi thì khoe.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong thời đại 4.0, là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong thời điểm hiện nay. Không theo kịp sự phát triển sẽ ngày càng tụt hậu. Xác định được vai trò quan trọng đó, ngày 12/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, quy định rõ về thang điểm đánh giá các chỉ số chuyển đổi số. Cụ thể, thang điểm đánh giá của chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh là 1.000 điểm, chia cho 3 trụ cột theo tỷ lệ: 400 điểm cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mỗi trụ cột 300 điểm.

Để thực hiện các chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh đạt kết quả cao, Lai Châu cần quan tâm hơn đến chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, đầu tư đúng mức cho phát triển hạ tầng và nền tảng số, chú trọng đào tạo nhân lực, đảm bảo an toàn an ninh mạng... Trong đó, nhân tố con người có tính chất quyết định và cần sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...