Thứ tư, 08/05/2024, 17:24 [GMT+7]
Tăng tốc hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông nghiệp

Đòn bẩy phát triển bền vững

Thứ hai, 12/02/2024 - 10:25'
Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là điều kiện quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh Lai Châu có trên 640.000ha đất nông nghiệp phân bố ở tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh. Tận dụng lợi thế sẵn có, với quan điểm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch văn hoá, sinh thái, tỉnh tập trung, ưu tiên dành nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông nghiệp, phục vụ đắc lực cho quá trình sản xuất và tạo đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn hẹp, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kết cấu hạ tầng giao thông nhiều vùng còn khó khăn; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghị quyết, đề án về nông nghiệp, nông thôn thời gian qua.
Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 24-KH/TU để lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV. 100% đảng bộ trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hạ tầng vùng sản xuất tại xã Bum Nưa (huyện Mường Tè).

Tỉnh đã ưu tiên bố trí trên 350 tỷ đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện hệ thống hạ tầng và hàng năm phân bổ vốn để thực hiện theo kế hoạch đề ra tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đầu tư. Bước đầu thu hút được trên 18 doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Khuyến khích sự tham gia đóng góp của nhân dân. Quá trình thực hiện đảm bảo khách quan, minh bạch, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và tham gia, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình trong đề án, đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu nhằm hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Các quan điểm, mục tiêu của Đề án số 04-ĐA/TU từng bước được cụ thể hóa, hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung đạt được những kết quả tích cực: hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, mở mới 249,58km đường trục chính, đường nhánh các vùng sản xuất, sản phẩm chủ lực của tỉnh như vùng quế, chè, cây ăn quả, mắc-ca, trong đó Nhà nước đầu tư 177,58km, doanh nghiệp đầu tư 72km. Về thủy lợi, tỉnh đã phê duyệt đầu tư và đang triển khai kiên cố hoá 22 đập đầu mối, đầu tư mới 0,7km kênh mương, nâng cấp 44km kênh mương, góp phần đáp ứng 100% nhu cầu nước tưới chủ động cho trên 3.800ha lúa hàng hóa tập trung.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình sau đầu tư, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ các công trình. UBND các huyện, thành phố rà soát kiện toàn các ban quản lý, tổ quản lý vận hành các công trình thủy lợi, giao thông và tổ chức tập huấn cho người dân vận hành, bảo vệ công trình. Qua đó, trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết và kỹ năng hoạt động giúp các thành viên ban quản lý, tổ quản lý thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình trên địa bàn, tăng hiệu quả sử dụng và tuổi thọ công trình.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành, mở rộng các vùng sản xuất tập trung: 7.327ha mắc-ca, 9.786ha chè; 3.879ha lúa hàng hóa; trên 6.000ha cây ăn quả tập trung... Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hơn 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; 11.053ha dược liệu, trong đó có trên 60ha sâm Lai Châu. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất tại các huyện, thành phố: cây dứa, chanh leo, cây ăn quả, cây dược liệu. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt trên 52,3%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả với 39 xã đạt chuẩn, bình quân 13,6 tiêu chí/xã… Tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt 5,1%.

Để nâng cao hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi sau đầu tư, người dân các xã trên địa bàn tỉnh chú trọng bảo vệ, nạo vét, khơi thông mương dẫn nước về đồng ruộng. Ảnh: Gió Pư

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của tỉnh thời gian qua. Nhờ đó, đã thúc đẩy quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế nông nghiệp, đóng góp tích cực đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ quá trình phát triển bền vững của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Để tạo đòn bẩy trong phát triển nông nghiệp dựa trên việc tăng tốc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng tình, chủ động, tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và người dân trong triển khai thực hiện các đề án, chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó ưu tiên cải thiện quy trình thủ tục về đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, nâng cao các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất; tiếp tục tăng cường thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, cây mắc-ca, cây quế, sâm Lai Châu... Quản lý và sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng dân cư. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện đề án bằng hình thức phù hợp, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.
Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, chính sách thu hút để tập trung nguồn lực đầu tư. Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...