Thứ tư, 08/05/2024, 18:39 [GMT+7]

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Thứ sáu, 09/02/2024 - 21:34'
(BLC) - Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND được ban hành nhằm cụ thể hoá một số mức chi hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và bổ sung thêm nội dung hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn địa phương, đơn vị thực hiện nghị quyết. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức thực hiện, tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo tình hình triển khai và thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cán bộ Trung tâm dịch nông nghiệp huyện Phong Thổ cùng đại diện đơn vị bao tiêu sản phẩm chanh leo hướng dẫn người dân xã Bản Lang kỹ thuật chăm sóc chanh leo. 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ cùng đại diện đơn vị bao tiêu sản phẩm chanh leo hướng dẫn người dân xã Bản Lang kỹ thuật chăm sóc chanh leo. 

UBND tỉnh cũng xây dựng và tổ chức thực hiện hội nghị xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác, đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Với các cách làm phù hợp, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt, triển khai thực hiện tổng số 106 chuỗi giá trị, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 6 HTX tham gia hoạt động liên kết về: trang thiết bị máy móc, vật tư, giống phân bón, bao bì, tập huấn kỹ thuật với tổng kinh phí 3.430 triệu đồng.

Điển hình phải kể đến dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù. Thời gian thực hiện, từ năm 2022-2024, do Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc (thành phố Lai Châu) liên kết với 14 tổ hợp tác gồm 483 hộ dân ở thị trấn Tam Đường và các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Bình Lư (huyện Tam Đường). Quy mô thực hiện 118ha. Được biết, séng cù là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương, gạo có chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tự sản xuất không qua liên kết tiêu thụ sản phẩm nên thị trường không ổn định, không khẳng định được chất lượng, thương hiệu gạo của địa phương.

Từ khi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng, ổn định thị trường tiêu thụ, góp phần nâng tầm giá trị cho gạo séng cù. Công ty đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ hợp tác cùng xây dựng phương án liên kết, thực hiện các điều khoản của hợp đồng liên kết. Hiệu quả kinh tế của dự án mang lại rõ rệt, năng suất lúa đạt 55 tạ/ha, giá trị đạt 66 triệu đồng/ha (cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với trồng lúa đại trà của người dân).

Hay như dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ quả trên địa bàn xã Mường Kim (huyện Than Uyên) thực hiện từ năm 2022-2024 với các sản phẩm tiêu thụ chính là khoai tây, bí xanh thực hiện quy mô 23ha/năm. HTX Nông nghiệp Anh Đạt (trụ sở tại xã Mường Kim) liên kết với tổ hợp tác sản xuất rau củ quả xã Mường Kim thực hiện liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị sản xuất mang lại cao. Anh Nguyễn Trọng Hưởng - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Than Uyên cho hay: "Khoai tây năng suất trung bình 18 tấn/ha, giá bán 8.000 đồng/kg, giá trị sau trừ chi phí 60 triệu đồng/ha. Bí xanh năng suất 60 tấn/ha, giá bán 5.000 đồng/kg, giá trị trừ chi phí 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với gieo trồng lúa đại trà của người dân".

Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt thu mua sản phẩm liên kết của nhân dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên). 

Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt thu mua sản phẩm liên kết của nhân dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên). 

Thông qua việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, tạo tính ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, với các sản phẩm, ngành hàng quan trọng có giá trị kinh tế cao theo định hướng phát triển của tỉnh.

Mặt khác thông qua các dự án, kế hoạch liên kết, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục những bất lợi về quy mô, diện tích, trình độ sản xuất; giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Người dân được tiếp cận các quy trình kỹ thuật, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc trồng, chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng cao tính hiệu quả của liên kết, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp so với tập quán canh tác trước đây.

Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho hay: "Liên kết là hướng phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn. Với huyện Phong Thổ, việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân được thực hiện với một số mặt hàng nông sản như: chanh leo, xoài, lúa, chè… Thực tế việc liên kết tại huyện đã giúp doanh nghiệp, người dân có thêm thu nhập, đầu ra sản phẩm ổn định, người dân yên tâm gắn bó lâu dài".

Không những vậy, nông sản được sản xuất theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm còn được kiểm soát một cách chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, chế biến nên các sản phẩm tạo ra theo các chuỗi liên kết đảm bảo đáp ứng được các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Thông qua liên kết còn giúp giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị và đời sống cho người dân tại các vùng tham gia liên kết.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...