Thứ hai, 07/10/2024, 20:28 [GMT+7]
Phong Thổ quyết tâm vượt khó đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống:

Bài 1: Những khó khăn, thách thức

Thứ sáu, 19/05/2023 - 10:22'
(BLC) - Huyện Phong Thổ triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 8/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu, nhiệm kỳ 2020-2025 trong muôn vàn khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Song, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã chung sức, đồng lòng cùng vượt qua, tạo nên những diện mạo mới cho ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Muôn vàn khó khăn

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phong Thổ về phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu được ban hành vào ngày 8/1/2021. Nghị quyết chỉ rõ, nông nghiệp trên địa bàn tuy có mức tăng trưởng khá, nhưng chưa được bền vững; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm; sản xuất hàng hoá quy mô còn nhỏ; trình độ sản xuất của nông dân vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nền sản xuất hàng hoá.

Liên kết sản xuất đến thị trường tiêu thụ ít, chưa chặt chẽ và thiếu bền vững; kim ngạch xuất khẩu thấp do thiếu nắm bắt về nhu cầu thị trường xuất khẩu… Nghị quyết ra đời nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá với quy mô lớn. Đồng thời tạo ra một số sản phẩm có lợi thế so sánh để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới.

1

Cán bộ xã Hoang Thèn cùng Hợp tác xã Nông sản Lai Châu tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục trồng mía, tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, nghị quyết ban hành đúng vào thời điểm huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn ra, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của Nhân dân; đặc biệt là kinh tế trì trệ. Phong Thổ vốn được coi là vựa chuối nguyên liệu lớn nhất của tỉnh với quy mô hơn 3.890ha. Chuối là mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân trên địa bàn, giúp xoá đói, giảm nghèo trong những năm 2017-2020. Thế nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, không chỉ riêng cửa khẩu Ma Lù Thàng mà nhiều cửa khẩu trên cả nước đều tạm dừng hoạt động. Vì vậy, chuối và nhiều mặt hàng nông sản của huyện đều không xuất khẩu được.

Cùng với đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp; nhất là dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò… khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh “mất trắng”.

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, địa bàn rộng, địa hình chia cắt nhiều đồi núi. Không chỉ giao thông đi lại vất vả, mà thời tiết vẫn luôn khắc nghiệt với nơi đây, các xã thường xuyên chịu ảnh hưởng từ mưa đá, lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản và hoa màu.

Đất canh tác sản xuất nông nghiệp ít,  trình độ dân trí của bà con còn thấp, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mạnh dạn đầu tư, sợ rủi ro dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp là rào cản khó thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa bàn. Cùng với đó, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: giống, phân bón đều tăng cao, trong khi người dân không có nguồn thu nhập...

Sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân

Mục tiêu cụ thể của nghị quyết đề ra, đó là: phát triển các sản phẩm hàng hoá chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá đặc sản có lợi thế. Trong đó, đến năm 2025, toàn huyện trồng mới trên 1.000ha cây mắc-ca, hơn 700ha chè, 200-300ha mía để phục vụ xuất khẩu; mở rộng và phát triển lúa đặc sản của địa phương (Tẻ Râu, Nếp Tan, Tả Cù) với quy mô 300-500ha; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc; chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.

Về phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hoá sản phẩm, huyện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng 3 cơ sở chế biến: mắc-ca, chè, bảo quản quả tươi; tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm: Chè cổ thụ, Cao ngựa bạch, gạo Tả Cù, gạo Nếp Tan.

2

Vùng lúa sản xuất hàng hoá tập trung được xã Bản Lang quy hoạch thực hiện quy mô trên 150ha với 2 loại giống lúa: Tẻ Râu và Nếp Tan.

Để đạt được các mục tiêu này, trước những khó khăn, trở ngại, huyện Phong Thổ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn trong việc ban hành các văn bản; tuyên truyền, vận động và định hướng Nhân dân thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, huyện tổ chức quy hoạch vùng sản xuất dựa trên tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi.

Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện uỷ - HĐND - UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn của huyện, cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường xuống các thôn, bản chuyển giao khoa học kỹ thuật; trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ dân từ quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; chăm sóc, phòng bệnh, chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận động Nhân dân cùng tham gia các chuỗi liên kết, sản xuất hàng hoá tập trung. Khuyến khích các hộ dân, HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để tạo những mặt hàng chủ lực, đặc sản của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện chủ động xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông trong các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, cũng như vận chuyển nguyên liệu; phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho cây lúa, cây ăn quả… Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản của huyện, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ giới thiệu những nông sản tiêu biểu trên địa bàn tới du khách trong nước và quốc tế.

Đồng hành cùng với cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Thổ, nhiều HTX, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó; tìm mọi giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên, nhất là người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với kinh tế cửa khẩu, huyện Phong Thổ đã hỗ trợ giống lúa, chè, cây ăn quả; phân bón; 1.600m2 chuồng trại, 350m2 hầm bioga, 600 thùng ong, hơn 1.000 máy nông nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn. Hỗ trợ cho 10 đơn vị, HTX xây dựng sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương. Qua đó, tạo động lực, niềm tin để Nhân dân, doanh nghiệp, HTX cùng vươn lên, hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

(Còn nữa)

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...