Thứ tư, 08/05/2024, 18:46 [GMT+7]
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Cơ hội thúc đẩy sản phẩm địa phương phát triển

Thứ năm, 19/09/2019 - 22:11'
(BLC) - Ngày 31/7/2019, UBND tỉnh Lai Châu có Quyết định số 836/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu (gọi tắt là OCOP) giai đoạn 2019 - 2020. Phóng viên Báo Laichau Online xin phỏng vấn đồng chí Vương Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình.

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí khái quát về nội dung cũng như mục tiêu của Chương trình OCOP ở tỉnh ta?

Đồng chí (Đ/C) Vương Đức Lợi: Về quan điểm, OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; gắn phát triển nông thôn với đô thị; đó là giải pháp, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ…

Các nội dung được triển khai trên địa bàn tỉnh gồm: Tuyên truyền để hiểu biết, nhận thức về OCOP cho cán bộ, Nhân dân trong tỉnh. Triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên, gồm 6 bước (theo phụ lục 1, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ) với nguyên tắc thực hiện “Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn - Các cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế”. Tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP với 51 sản phẩm thuộc 4 nhóm: thực phẩm - đồ uống - thảo dược và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP.

 Tổ chức đánh giá, xếp hạng và công bố kết quả xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí Quốc gia. Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cơ sở; lãnh đạo quản lý, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chưong trình OCOP đảm bảo hiệu quả và thực tiễn. Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Xác định nguồn lực để thực hiện OCOP.

Mục tiêu của Chương trình là thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; thông qua việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ) đến sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

 Cụ thể: Hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến xã. Đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp chuẩn hoá 51 sản phẩm của các địa phương, triển khai ít nhất 4 bản du lịch; tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó: cấp tỉnh có ít nhất 2 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP (4-5 sao); cấp huyện, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 sản phẩm được hoàn thiện theo tiêu chí sản phẩm OCOP.

Củng cố, kiện toàn các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp (HTX, DN); phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 tổ chức kinh tế (DN, HTX) tham gia. Tập huấn nâng cao năng lực 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tham gia trực tiếp triển khai OCOP; 100% lãnh đạo DN, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia.

P.V: Thực tế nhiều năm qua, đối với nông hộ, vấn đề “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra. Theo đồng chí, việc triển khai thực hiện OCOP có khắc phục được tình trạng trên?

Đ/C Vương Đức Lợi: Chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp có cơ cấu sản xuất manh mún, tổ chức sản xuất thiếu kế hoạch, thiếu liên kết, không gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cơ bản ít có tình trạng này do nền sản xuất nông nghiệp chưa phát triển mạnh, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, ít bị ảnh hưởng do biến động của thị trường trong và ngoài nước.

Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Hiện nay, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang đối mặt với 3 thách thức lớn: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm của tỉnh.

Trước những thách thức này, tỉnh đang tích cực chỉ đạo ngành Nông nghiệp tập trung phối hợp các sở, ngành, địa phương để giải quyết. Trong đó, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với định hướng phát triển các nhóm sản phẩm ở 3 cấp độ, đặc biệt là sản phẩm cấp huyện, cấp xã (mà Chương trình OCOP hướng vào).

Thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng, sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, DN hoặc HTX); nhà nước hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ kịp thời việc thiết kế, sáng tạo sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP nhằm mang lại uy tín, chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm.

Tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX, DN, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường.

Như vậy, có thể nói việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP góp phần hạn chế tối đa vấn đề “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra trong nhiều năm qua.

Huyện Tam Đường hiện đã quy hoạch, xây dựng được vùng chuyên canh cam tại xã Bản Giang, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho Nhân dân. Trong ảnh: Nông dân bản Nà Bỏ thu hoạch cam.

P.V: Đa số sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh. Cần có giải pháp gì để các sản phẩm vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài, thưa đồng chí?

Đ/C Vương Đức Lợi: Thực hiện Chương trình OCOP, số HTX, đặc biệt là HTX sản xuất và chế biến ở nông thôn tăng nhanh, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương còn phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể.

Căn cứ thế mạnh đặc thù, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể khuyến khích người dân và các tổ chức sản xuất tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương phải tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới, từ đó tiến hành chuẩn hóa đảm bảo theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Quốc gia và của tỉnh. Đồng thời, tuân thủ các bước trong Chu trình OCOP thường niên. Đích cuối cùng là các sản phẩm phải được đánh giá, xếp hạng và gắn sao theo 5 cấp độ (từ 1 sao đến 5 sao), từng cấp độ thể hiện chất lượng, giá trị, uy tín và sức mạnh của từng sản phẩm.

Tạo tiền đề thực hiện OCOP của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hà Sơn (thành phố Lai Châu) xây dựng bộ hồ sơ và lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Kết quả, 2 sản phẩm đạt gồm: chè Ô long, rau thủy canh các loại và riêng sản phẩm chè Ô long tham gia chấm điểm thử theo các nội dung trong Bộ tiêu chí OCOP đánh giá tạm thời sản phẩm tại tỉnh Bến Tre, sản phẩm đã đạt 3 sao theo Bộ tiêu đánh giá sản phẩm của Trung ương ban hành.

P.V: Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan thường trực, điều phối các hoạt động triển khai Chương trình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh như thế nào? Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn cần thêm vốn từ công tác xã hội hóa. Vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp nào để thu hút các nguồn lực?

Đ/C Vương Đức Lợi: Với vai trò là cơ quan thường trực, điều phối các hoạt động triển khai Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu đề xuất UBND tỉnh kiện toàn, củng cố, bổ sung thêm nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh. Rà soát lại cơ chế chính sách hiện hành, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách riêng cho Chương trình nhằm thúc đẩy sự đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho phát triển các sản phẩm cấp tỉnh và Quốc gia.

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP hàng năm; xây dựng và triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP; xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai nhóm sản phẩm thực phẩm và nhóm sản phẩm Lưu niệm - nội thất - trang trí theo lĩnh vực của ngành; lựa chọn 1-2 sản phẩm đặc trưng để chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình OCOP.

Sở phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện và thu hút, huy động các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực chủ yếu huy động từ cộng đồng như: vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ... được triển khai phù hợp với các quy định của pháp luật; huy động trong quá trình hình thành các tổ chức kinh tế dưới dạng góp vốn để triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP; từ vốn tín dụng và ngân sách nhà nước hỗ trợ, bao gồm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các DN, HTX và Nhân dân thực hiện công tác xã hội hóa trong thực hiện Chương trình OCOP như góp tiền, tài sản, công lao động và sự tham gia ý kiến là đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, việc tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước có tính quyết định cho sự thành công Chương trình OCOP của mỗi địa phương trong tỉnh. Tạo điều kiện để người dân, tổ chức kinh tế tham gia vào các hoạt động theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Các địa phương củng cố và phát triển các tổ chức phát triển cộng đồng, tăng cường đào tạo về kỹ năng vận động quần chúng, kỹ năng phát triển cộng đồng cho cán bộ cấp cơ sở. Giao cho cộng đồng dân cư tự thực hiện các nội dung có kỹ thuật đơn giản theo thiết kế mẫu để giảm chi phí đầu tư và huy động được sự tham gia của cộng đồng. Tỉnh, huyện xây dựng cơ chế biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho thực hiện Chương trình OCOP. Có nhận thức đúng đắn về sự tham gia, vai trò chủ thể của mình trong thực hiện Chương trình OCOP, xóa dần tâm lý bàng quan, thụ động, ỷ lại vào Nhà nước.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Thắm – Thu Hương (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...