Thứ ba, 14/05/2024, 18:53 [GMT+7]

Hoạt động hợp tác xã - thêm tín hiệu vui

Thứ ba, 22/12/2020 - 14:54'
Có những thời điểm, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Sìn Hồ từng gặp không ít khó khăn về vốn, thiếu ý tưởng hoạt động. Do đó, các HTX không phát huy được vai trò, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và bỏ ngỏ nhiều tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh đã giúp các HTX thêm sức sống mới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh thăm cơ sở sản xuất của HTX Gia Minh (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ).

Hiện, trên địa bàn huyện có gần 50 HTX đăng ký hoạt động, với ngành nghề đăng ký khá đa dạng, phong phú từ nông – lâm nghiệp – thủy sản tới tiểu thủ công nghiệp và kinh tế tổng hợp. Nhưng rồi cứ lác đác, mỗi năm một vài HTX đóng cửa, tới nay, số HTX đã giảm đi quá nửa. Các thành viên cũng chẳng mấy mặn mà với HTX bỏ sang hoạt động trong các lĩnh vực khác. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của các HTX vẫn do thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên nhiều HTX sau khi thành lập cứ loay hoay tình phương án hoạt động mà không huy động được lao động tại địa phương cũng thêm rào cản các HTX tới thành công.

Trước tình hình trên, huyện Sìn Hồ và Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, chính sách ưu đãi để “tiếp sức” cho các HTX. Những chủ trương, chính sách mới được triển khai thực hiện đã mang lại “sức sống mới” cho các HTX trên địa bàn tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tập thể, cùng các thành phần kinh tế khác đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của huyện. Theo ông Đồng Văn Liệt - Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, trong thời gian qua, huyện tạo điều kiện cho các HTX tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện để các HTX thuê đất mở nhà xưởng, khu trồng trọt với chính sách ưu đãi.

Qua trao đổi với anh Nguyễn Trần Văn - Giám đốc Hợp tác xã Sâm - Tam thất Sìn Hồ, chúng tôi được biết, sau khi nhận thấy tiềm năng dược liệu của cao nguyên Sìn Hồ, anh Văn quyết định hướng hoạt động vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu. Ngay từ những ngày đầu hoạt động đã thu hút, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhưng để mở rộng sản xuất, HTX gặp khó khăn về mặt bằng xây dựng nhà xưởng chế biến và vùng trồng nguyên liệu. Sẻ chia với khó khăn của đơn vị, huyện đã có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện và hỗ trợ, giúp HTX cơ bản đảm bảo nhu cầu về đất trồng dược liệu và xây dựng khu chế biến. Đảm bảo tư liệu sản xuất, Hợp tác xã Sâm – Tam thất Sìn Hồ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm doanh thu, thu nhập cho người lao động đạt từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, huyện cũng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với các doanh nghiệp. Nhờ đó, HTX cộng đồng phụ nữ dân tộc Sìn Hồ đã có điểm tựa đẩy mạnh sản xuất, thuê đất trồng dược liệu, liên kết thu mua và bao tiêu dược liệu. Qua hoạt động của HTX chủ yếu là phụ nữ không chỉ góp phần khơi dậy tiềm năng trồng dược liệu của cao nguyên Sìn Hồ còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Là miền quê của dược liệu nên không khó hiểu khi phần lớn các HTX trên vùng cao của huyện chọn sản xuất, kinh doanh, chế biến dược liệu làm hướng đi của mình. Tuy vậy, những ngày đầu hoạt động, không ít doanh nghiệp còn gặp nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong quản lý, điều hành và vốn đầu tư sản xuất. Trao đổi với ông Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chúng tôi được biết: Đồng hành cùng HTX vượt khó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ kế toán, kỹ năng quản lý, đầu tư và phổ biến Luật HTX. Ngoài ra còn hỗ trợ các HTX với lãi suất ưu đãi, thủ tục tiếp cận nguồn vốn đơn giản, đảm bảo tính pháp lý.

Chị Tẩn Mý Dao mở HTX Mý Dao tại thị trấn Sìn Hồ chia sẻ: Nhờ được vay 300 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX tỉnh đã có thêm vốn để đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Vừa qua, HTX Mý Dao có 2 sản phẩm: táo mèo khô và dấm táo mèo lọt vào tốp 5 sản phẩm OCOP của huyện. Không chỉ đầu tư cho chất lượng, thời gian tới, HTX tiếp tục quảng bá, tạo những hiệu ứng tích cực để sản phẩm được nhiều người biết tới, tăng sức mua các sản phẩm.

Cùng với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kiến thức, kỹ năng và vốn để mở rộng, đẩy mạnh sản xuất, được tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện giúp các HTX có thêm việc làm, khẳng định trình độ năng lực của mình. Thực tiễn cho thấy, một số HTX: Gia Minh (thị trấn Sìn Hồ), Sâm – Tam Thất (xã Sà Dề Phìn), Thủy Cương (xã Lùng Thàng) đã nhanh chóng khẳng định được uy tín, tạo được việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định bình quân mỗi tháng từ 6 - 8 triệu đồng.

Vượt qua không ít khó khăn, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, các HTX trên địa bàn huyện Sìn Hồ đang nỗ lực khẳng định vị thế. Đây là những tín hiệu vui, nguồn động lực lớn để các HTX tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tập thể.

 Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...