Thứ sáu, 10/05/2024, 11:05 [GMT+7]

Nâng cao sức cạnh tranh của trái cây Việt

Chủ nhật, 05/02/2012 - 10:07'
(BLC) - Dạo quanh các điểm chợ trên địa bàn thị xã Lai Châu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước số lượng lớn trái cây ngoại (chủ yếu nhập từ Trung Quốc) như táo, lê, cam, quýt…

“Nội” xấu, “ngoại” đẹp

Để được nghe, được thấy đúng sự thật về các loại trái cây ngoại tràn ngập ở các điểm kinh doanh hoa quả ở khu vực chợ xép phường Đoàn Kết (thị xã Lai Châu), chúng tôi đến các cửa hàng để tìm hiểu. Ấn tượng đầu tiên là rất nhiều loại trái cây ngoại nhập được bày bán trên những kệ hàng khá đẹp trong khi đó trái cây nội lại bị “chìm” ở góc nhỏ. Đặc biệt, số lượng trái cây nhập về ở hai mùa đông và xuân không chỉ có xu hướng tăng gấp gần 2 lần so với các mùa trong năm mà còn có sức tiêu thụ rất mạnh. Loại trái cây bán chạy nhất ở chợ xép Đoàn Kết hiện nay phải kể đến các loại táo Trung Quốc, kế đến là quýt Thái, dưa Mỹ…Đối với các chủ cửa hàng kinh doanh trái cây thì chỉ cần nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng là có thể buôn bán kinh doanh khá thuận lợi. Chủ cửa hàng Huýnh Hường (chợ xép Đoàn Kết) cho biết: “Từ trước tới nay, trái cây nhập nhiều nhất vẫn là ở Trung Quốc, gần đây nhiều loại trái cây của các nước: Thái Lan, Mỹ cũng được người tiêu dùng ưa dùng. Chỉ vào dịp lễ, tết, trái cây Việt Nam mới bán chạy, còn bình thường bán được ít thôi”.

Các loại trái cây ngoại được bày bán khá bắt mắt trong các cửa hàng tại các điểm chợ trên địa bàn thị xã Lai Châu.

Quả thực, nếu đem so sánh các loại trái cây của nước ta và hàng nhập ngoại chỉ về mặt hình thức cũng đã không cân xứng. Sau khi tìm hiểu tại một số cửa hàng chúng tôi nhận thấy mặc dù trái cây Việt Nam có giá thành thấp hơn nhưng vẫn không thu hút khách hàng bằng trái cây ngoại nhập. Hầu hết các tiểu thương cũng thừa nhận: trái cây ngoại có giá khá cao, như quýt Thái giá 35.000 đồng/kg, nho Mỹ hơn 100.000 đồng/kg, táo đỏ, táo đá của Trung Quốc cũng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg... Tuy vậy, vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Hồng Biên ở phường Tân Phong chia sẻ: "Tôi thích mua quýt cũng như xoài Thái Lan, vì chất lượng ngon, quả đồng đều, đẹp".

Một số người tiêu dùng khác cũng cho rằng: “Dù giá trái cây ngoại giá có cao nhưng “tiền nào của nấy”. Hơn nữa cam, quýt hay măng cụt… của Việt Nam vừa nhỏ, mẫu mã không đẹp và không ngọt bằng hàng ngoại nhập”. Mặc dù chúng ta vẫn có những thương hiệu như bưởi Đoan Hùng, Năm Roi, vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên… nhưng dường như những loại quả này cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một thực tế nữa đó là những loại trái cây Việt được mang từ các tỉnh như: cam (tỉnh Yên Bái), dưa hấu, xoài (miền Nam)… khi đưa lên đến thị xã lại không được bảo quản cẩn thận. Có khi được chất đầy trên các thùng xe, có lúc lại lăn lóc trên những mảnh bạt, không ít quả dập nát hoặc hư hỏng nhẹ. Ngược lại thì trái cây ngoại nhập không những bảo quản tốt mà còn được ghi đầy đủ xuất xứ, nguồn gốc, ngày đi và thời gian sử dụng… Chính sự trái ngược đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến trái cây Việt chưa thực sự cạnh tranh được so với trái cây ngoại.

Cần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây Việt?

Là một tỉnh miền núi phía Bắc có đường biên giới giáp với Trung Quốc, nên việc nhập về số lượng lớn trái cây từ nước bạn là điều dễ hiểu. Nhưng để trái cây Việt chiếm được ưu thế trên thị trường cần có những phương án để nâng cao tiềm lực vốn có của từng vùng, địa phương. Do vậy, bên cạnh tăng năng suất, nâng cao chất lượng trái cây, vấn đề phân vùng, chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng cần được quan tâm. Tránh để tình trạng năm nay thừa sang năm thiếu, bởi đó là điều kiện để hàng ngoại lại đổ vào ồ ạt và cạnh tranh gay gắt.Thiết nghĩ để cạnh tranh được với hàng ngoại, cùng với quan tâm đến vấn đề hình thức như: phân loại, đóng gói, có tên tuổi, thương hiệu của từng loại trái cây thì việc làm thế nào để nâng cao chất lượng trái cây là một điều cần hết sức chú trọng. Thị trường trái cây tại Lai Châu mới chỉ là con số nhỏ trong thị trường lớn của đất nước, hy vọng rằng trong thời gian tới các trái cây Việt ở mọi miền sẽ chiếm được cảm tình, lòng tin của người tiêu dùng nơi đây.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...