Thứ sáu, 26/04/2024, 07:37 [GMT+7]

Phăng Sô Lin chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi

Thứ năm, 30/07/2020 - 18:38'
(BLC) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phù hợp với đặc thù từng địa phương, thời gian qua, kinh tế xã hội ở xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, thay đổi thói quen canh tác, chuyển đổi cơ cấu giống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Là xã vùng cao, khó khăn của huyện Sìn Hồ, những năm qua Đảng ủy, chính quyền và người dân xã Phăng Sô Lin luôn được huyện quan tâm đầu tư phát triển, lồng ghép nhiều nguồn lực cũng như các giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức thói quen làm kinh tế; hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cây trồng giúp người dân chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.

Với điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi đá, diện tích đất canh tác hẹp, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, đã hình thành cho người dân nơi đây thói quen canh tác độc canh cây lúa 1 vụ/năm. Gia súc chăn thả tự do, cơ bản dùng làm sức kéo. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp điều kiện tự nhiên, để người dân có thể chủ động phát huy thế mạnh địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống là việc làm cấp thiết.

Khu vực trồng cây được liệu của gia đình anh Tẩn A Sơn.

Ông Chẻo A Ngải - Bí thư Đảng ủy xã Phăng Sô Lin cho biết, để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, chúng tôi tập trung chuyển đổi các loại giống cây trồng phù hợp và khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc theo đàn lớn có kiểm soát. Để thực hiện được điều đó, phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, nhận thức của người dân, đồng thời tranh thủ tận dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình, dự án như 135/CP, 30a và cả nguồn hỗ trợ từ nguồn vốn WB.

Để phát triển chăn nuôi theo quy mô đàn lớn, người dân đã tận dụng các khu vực đất không thuận lợi cho việc trồng trọt, chuyển thành bãi chăn thả tập trung, tích cực trồng cỏ voi, tích trữ rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc, chủ động phòng, chống bệnh dịch... Tới thời điểm hiện tại, xã có trên 8.553 con gia súc, gia cầm. Trong đó, 500 con trâu, 250 con bò, 100 con ngựa, 1.200 con lợn và hơn 7.000 con gia cầm các loại. Việc phát triển đàn gia súc theo quy mô lớn đã tạo thuận lợi cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, kiểm soát dịch bệnh thuận lợi. Ngoài các vật nuôi truyền thống, người dân địa phương còn chăn nuôi thêm nhím, lợn rừng... bước đầu thích nghi tốt và đem lại giá trị kinh tế cao.

Anh Chẻo A Phàn - người dân bản Nậm Lúc 1 cho biết: năm 2016, gia đình tôi được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản, nhận thấy việc chăn nuôi nhỏ lẻ mất nhiều công mà hiệu quả không cao, gia đình tôi đã vay vốn mua thêm trâu, dê. Cùng với đó, tôi bàn với một số hộ chăn nuôi tập trung nuôi theo đàn  để tiện cắt cử người chăm sóc, chăn thả. Hiện tại, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình tôi sau khi trừ chi phí cho thu về hơn 70 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc tập trung phát triển đàn gia súc, thời gian qua xã Phăng Sô Lin đã chủ động hướng dẫn bà con tái đàn từ giống lợn địa phương, có sức chống chịu dịch bệnh, tuy thời gian sinh trưởng chậm nhưng giá trị kinh tế cũng như đầu ra cho lợn thương phẩm cao và thuận lợi. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Trồng trọt tuy không phải thế mạnh của địa phương, do địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá, thời tiết khắc nhiệt; cùng với đó là nguồn nước chưa đảm bảo, nên các loại cây trồng chủ yếu vẫn là lúa nước và ngô. Nhận thức rõ những vấn đề trên, chính quyền xã cùng người dân đã chủ động tìm những loại cây trồng thay thế như: đào, lê, mận, khoai tây, lạc, đỗ và các loại cây dược liệu như đương quy, đỗ trọng… được trồng trên diện tích đất bỏ hoang vì thiếu nước, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Tẩn A Sơn - người dân xã Phăng Sô Lin cho biết: năm vừa qua gia đình tôi trồng đương quy trên diện tích đất ruộng, cuối vụ vừa rồi gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí), tính ra thu nhập vẫn cao hơn trồng lúa.

Theo đánh giá của chính quyền xã, từ năm 2016 đến nay, xã khai hoang được hơn 215ha đất sản xuất. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, giống ngô lai, lúa lai cho năng suất cao được đưa vào sản xuất, trồng trọt. Phát huy hiệu quả thế mạnh của vùng, xã Phăng Sô Lin đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Tổng diện tích gieo trồng hiện nay đạt hơn 854ha, tăng hơn 215ha năm 2016, tổng sản lượng lương thực bình quân đầu người ước đạt 760kg/năm, thu nhập bình quân trong xã đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Nhờ được hỗ trợ kịp thời từ cấp ủy, chính quyền địa phương cùng tinh thần vượt khó của người dân, diện mạo xã Phăng Sô Lin đã có nhiều đổi thay tích cực.

Mạnh dạn thay đổi thói quen chăn nuôi, trồng trọt, tập trung dịch chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương, đáp ứng xu thế thị trường đã mang lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp địa phương. Người dân xã Phăng Sô Lin đã có thêm nhiều cơ hội phát triển thế mạnh vùng theo hướng bền vững.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...