Thứ năm, 14/11/2024, 18:02 [GMT+7]

Phong Thổ bảo tồn và phát triển chè cổ thụ

Thứ tư, 28/02/2024 - 14:52'
(BLC) - Phong Thổ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng hệ sinh thái rừng đa dạng, trong đó có nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đến nay, Phong Thổ là huyện có số lượng chè cổ thụ lớn nhất tỉnh với khoảng 8.000 gốc. Thời gian qua, huyện nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển và tạo dựng thương hiệu đặc sản chè cổ thụ.

Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Phát huy lợi thế của địa phương khi có những cánh rừng già với nhiều cây chè cổ thụ hằng trăm, nghìn năm tuổi, đây là “lộc trời ban” mà không nơi nào có được, huyện triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ giai đoạn 2020-2025. Với mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng chè cổ thụ hiện có gắn với hợp tác, liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Chè cổ thụ Phong Thổ”. Đến nay, huyện đã quy hoạch và bảo tồn vùng chè cổ thụ tại các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Dào San, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ và Hoang Thèn với số lượng khoảng 8.000 gốc.

1

Vùng chè cổ thụ tại huyện Phong Thổ là "kho báu" giữa đại ngàn.

Được biết, để bảo tồn và phát triển chè cổ thụ, huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích chè cổ thụ xây dựng và bổ sung vào quy ước, hương ước về quản lý và bảo vệ chè cổ thụ; tổ chức giao khoán bảo vệ và hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, bảo vệ, thu hái chè cổ thụ. Tổ chức trồng mới 25ha chè cổ thụ trên địa bàn xã Hoang Thèn, Mồ Sì San. Đặc biệt, chú trọng sản xuất chè cổ thụ theo hướng an toàn vừa thu hái vừa bảo tồn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác triệt để ảnh hưởng tới diện tích chè cổ thụ hiện có.

Đầu tư 9km đường giao thông nội đồng tại khu vực vùng cổ thụ, trong đó: xã Mồ Sì San 2,5km; Sì Lở Lầu 2,0km; Hoang Thèn 4,5km. Thành lập 3 hợp tác xã (HTX) liên kết bảo tồn, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè, các HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở chế biến chè. Mỗi năm bình quân sản lượng chè khô bán ra thị trường đạt trên 3 tấn. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm ngoài thời vụ, thêm thu nhập cho nhân dân trên địa bàn có vùng chè cổ thụ.

Chị Phàn Sử Mẩy ở bản Tân Seo Phìn (xã Mồ Sì San) chia sẻ: trên địa bàn có vùng chè cổ thụ nên hằng năm cứ đến vụ thu hái chè tôi cùng bà con trong bản đi hái về bán cho HTX Biên Cương - đây là HTX tại xã đứng ra thu mua và chế biến chè cổ thụ. Từ thu hái chè mỗi năm các hộ có trên 25 triệu đồng. Số tiền đó giúp chúng tôi có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

a

Người dân bản Tân Seo Phìn (xã Mồ Sì San) thu hái chè cổ thụ.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Việc bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn có nhiều thuận lợi như: người dân có kinh nghiệm, huyện có các chính sách trong việc bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ; có HTX tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm chè cổ thụ; các chương trình xúc tiến thương mại do huyện tổ chức hoặc liên kết luôn ưu tiên quảng bá vùng chè cổ thụ. Tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển chè cổ thụ cũng gặp nhiều khó khăn như: địa hình có vùng chè cổ thụ chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo tồn vùng chè cổ thụ. Hiện cây chè cổ thụ đang phát triển tự nhiên với nhiều loại chè cổ khác nhau nhưng phổ biến là: chè Shan tuyết và chè hoa đỏ. Đối với chè Shan tuyết đang được nhân dân thu hái nhưng chè hoa đỏ chưa được người dân biết đến mặc dù cây chè hoa đỏ có giá trị dược liệu cao.

Bên cạnh đó, chè cổ thụ chưa được chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật; chưa biết cách bảo quản chè làm ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng... Những điều đó, là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất sau thu hoạch và phát triển thương hiệu của chè cổ thụ Phong Thổ.

2

Chè cổ thụ được thu hái về chế biến và đóng gói bán đã góp phần tạo nên thương hiệu “Chè cổ thụ Phong Thổ” đem lại thu nhập cho người dân.

Hiện nay, huyện Phong Thổ đã phát triển được thương hiệu chè cổ thụ gồm: bạch trà, hồng trà, hoàng trà và trà xanh. Trong đó có 3 sản phẩm trà cổ thụ gồm: Hồng trà Shan Mồ Sì San, Hoàng trà Shan Mồ Sì San và Trà xanh Shan Mồ Sì San được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao... Để bảo tồn và phát triển chè cổ thụ, thời gian tới huyện Phong Thổ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa phương có vùng chè cổ thụ bảo vệ và thu hái chè theo quy trình kỹ thuật; tham gia trồng mới trên diện tích đất trống, trồng bổ sung cây chè vào diện tích rừng có độ tán che thấp. Tập trung hỗ trợ giống, phân bón lót, hỗ trợ công xử lý thực bì, làm đất, vận chuyển, trồng theo chính sách tại Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh. Lựa chọn giống chè theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cấp phát hỗ trợ cho nhân dân tham gia trồng chè. Đồng thời hướng dẫn chỉ đạo nhân dân trồng và chăm sóc chè.

Tổ chức rà soát diện tích đất trống, trồng bổ sung vào diện tích rừng có độ tàn che thấp và phải có các điều kiện độ cao, khí hậu tương đồng với các vùng chè thực hiện bảo tồn. Tổ chức gieo ươm các giống chè cổ thụ (Shan tuyết; hoa đỏ) để chủ động nguồn giống phục vụ cho gieo trồng. Giao từng cây cho các hộ, nhóm hộ hoặc hợp tác xã để quản lý, bảo vệ và được khai thác búp chè và việc khai thác phải đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của huyện. Tiến hành điều tra, định vị, xây dựng bản đồ khu vực có cây chè cổ thụ phân bố để gắn biển những cây chè cần bảo tồn để quản lý, bảo vệ cũng như chăm sóc và khai thác.

Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm: “Công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu được huyện chú trọng, thời gian tới huyện sẽ xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm “Chè cổ thụ Phong Thổ” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm “Chè cổ thụ Phong Thổ” đi đôi với đầu tư phát triển thị trường để thu hút khách hàng, tiêu thụ sản phẩm. Tạo cơ chế thuận lợi để tăng cường liên kết giữa HTX với các hộ dân. Đẩy mạnh giám sát quá trình thực hiện các quy định về quản lý, tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm chè. Hướng dẫn kiểm tra đơn vị sản xuất sử dụng mẫu mã, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ theo quy định. Qua đó, góp phần bảo vệ, phát triển chè cổ thụ trên địa bàn”. 

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...