Thứ ba, 14/05/2024, 18:22 [GMT+7]

Tái đàn lợn phục vụ thực phẩm dịp cuối năm

Thứ ba, 26/09/2017 - 07:59'
Thời điểm này, giá lợn hơi tại thành phố Lai Châu tăng từ 8 - 10 nghìn đồng/kg so với 3 tháng trước đây. Để kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố chủ động tái đàn lợn, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Đến thăm một số bản: Xéo Sin Chải, Lò Suối Tủng, Thành Công và Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) - nơi có tổng đàn lợn nhiều nhất, nhì so với các tổ, bản trên địa bàn thành phố, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều hộ đang gây đàn lợn thương phẩm với quy mô tập trung (20 - 100 con/lứa). Thị trường lợn hơi tại đây ổn định với giá từ 37 - 38 nghìn đồng/kg lợn hơi ăn thẳng cám công nghiệp và từ 48 - 50 nghìn đồng/kg lợn hơi ăn cám ngô, gạo. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn lợn thịt phục vụ nhu cầu thị trường. 

Đoàn công tác của Thành ủy Lai Châu thăm mô hình nuôi lợn thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở bản Xéo Sin Chải (xã San Thàng).

Tháng 6 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở bản Xéo Sin Chải (xã San Thàng) thua lỗ gần 100 triệu đồng do giá lợn hơi xuống thấp. Từ thất bại trên, anh rút ra một số kinh nghiệm trong việc đầu tư nuôi lợn thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Kiên tâm sự: “Thị trường lợn hơi nuôi bằng phương pháp thủ công, ăn cám ngô, gạo được giá, dễ bán nên thời gian gần đây, tôi chủ động từ khâu phối giống, tái đàn đến tận dụng đất vườn trồng ngô, các loại rau xanh để chế biến thức ăn cho đàn lợn (thay cho việc nuôi lợn ăn thẳng bằng cám công nghiệp trước đây). Hiện, tôi tập trung phối giống cho 5 con lợn nái và chăm sóc 30 con lợn thương phẩm/lứa. Dự kiến sẽ xuất bán 5 - 6 tấn lợn hơi cho thị trường cuối năm”.

Bà con xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) cũng đang tập trung tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm. Để tăng lợi nhuận kinh tế cho người dân, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách lựa chọn giống lợn cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích bà con chăn nuôi theo vùng với quy mô trang trại, gia trại tập trung; gắn việc nuôi lợn truyền thống với áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi kỹ thuật công nghệ cao. Đến nay, 100% hộ dân chăn nuôi trong xã đang tái đàn lợn đen địa phương xương nhỏ, mỡ bóng, thịt thơm. Bà con đang nỗ lực thực hiện chăn nuôi lợn thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là khâu thức ăn chăn nuôi không có chất cấm, chất tạo nạc. Mỗi hộ dân cam kết với chính quyền xã cung ứng sản phẩm lợn hơi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường thành phố. Nhiều hộ đi đầu trong việc tái đàn lợn như: Sùng Thị Phàng, Má A Sinh, Má A Tủa (bản Sùng Chô), Má A Mình (bản Hồi Lùng).

Hiện nay, hộ nuôi lợn thương phẩm tại phường Quyết Thắng đã có lãi sau nhiều tháng lao đao do giá lợn hơi giảm. Các hộ đều lựa chọn cách chăn nuôi lợn thủ công, tốn công hơn so với nuôi lợn ăn thẳng cám công nghiệp. Bởi, bà con tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: rau xanh, bèo, khoai lang, cám ngô, gạo nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Ngoài ra, các hộ còn chủ động học cách áp dụng phương pháp ủ thức ăn chăn nuôi bằng chế phẩm men vi sinh hoạt tính cho đàn lợn ăn hàng ngày (không cần đun nấu). Đây là giải pháp “lấy công làm lãi” giúp bà con thay thế thức ăn công nghiệp bằng thức ăn tự chế, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn, tăng thu nhập từ nuôi lợn. 

Theo báo cáo 9 tháng năm 2017 của Phòng Kinh tế thành phố, tổng đàn gia súc của thành phố là 27.837 con (tốc độ tăng trưởng đạt 9,76% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, lợn hơi dễ bán hơn so với dịp đầu năm, vì vậy, người dân thành phố tập trung gây đàn lợn thương phẩm. Mỗi hộ chăn nuôi chủ động tìm hướng đi mới cho việc đầu tư nuôi nái gây đàn lợn bột, tận dụng thức ăn chăn nuôi tại địa phương và xuất bán sản phẩm lợn hơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường thành phố. 

Từ hướng đi đúng đắn, tin rằng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố sẽ cung cấp cho thị trường cuối năm sản phẩm lợn hơi đảm bảo chất lượng. 

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...