Thứ tư, 17/04/2024, 02:25 [GMT+7]
Quỹ Hỗ trợ nông dân

Tiếp sức hội viên vượt khó, làm giàu

Thứ tư, 18/11/2020 - 20:08'
Được tiếp cận với nguồn quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã khó, sinh lời từ nguồn quỹ hỗ trợ còn khó hơn. Thế nhưng, bằng sự năng động, nhạy bén, hội viên các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã sử dụng triệt để nguồn quỹ vào quá trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tự vượt khó, vươn lên làm giàu.

Hội viên nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) nhận nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất.

Hội viên nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) nhận nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất.

Tiếp cận nguồn quỹ HTND thực ra không khó về các thủ tục hành chính nhưng “kén” ở việc lựa chọn mô hình, dự án thực hiện. Trong đó, chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở phải là người đứng ra phối hợp với các hội viên thực hiện và phải chịu trách nhiệm chung. Trước khi thực hiện phải tiến hành khảo sát, lập kế hoạch dự toán và thuyết minh dự án để tổ chức hội cấp trên xét duyệt đảm bảo tính khả thi khi thực hiện và khả năng nhân rộng. Các dự án trước khi thực thi được thẩm định chặt chẽ đến từng hộ. Cũng chính vì thế, một số mô hình, dự án đề xuất lên không được chấp nhận bởi không phù hợp với điều kiện thực tế ở thời điểm hiện tại và dự tính không đem lại hiệu quả cao.

Chẳng hạn như mô hình trồng sâm Lai Châu của Hội Nông dân huyện Tam Đường đề xuất lên trong những tháng đầu năm nay, mặc dù nhóm thực hiện đã xây dựng phương án khá kỹ nhưng xét thấy đây là loại cây trồng quý, có chu kỳ sản xuất dài, mới thực hiện thí điểm và chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, chưa được nhân rộng. Quá trình thực hiện các mô hình, dự án về trồng trọt có nhiều yếu tố rủi ro cao. Trong khi đó, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện đề án riêng về phát triển cây dược liệu tại một số địa bàn trong tỉnh và nguồn kinh phí thực hiện gần như hỗ trợ 100%. Còn ở mô hình này hội viên phải thu hồi vốn và trả phí hàng tháng, chính vì thế không được Ban Giám đốc quỹ phê duyệt.

Nếu hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn ở các tổ chức tín dụng thì phải thực hiện việc trả lãi phát sinh hàng tháng theo quy định. Nhưng với Quỹ HTND, việc trả lãi của hội viên được xem là đóng phí với tỷ lệ thấp hơn nhiều và trong thời gian 3 năm mới phải hoàn vốn. Thực tế những năm qua, nhiều mô hình, dự án khi đưa vào thực hiện mang tính khả thi cao, sinh lời, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, do đó việc nợ quá hạn, nợ khó đòi hoặc nợ xấu chưa xảy ra. Nói về điều này, anh Đỗ Đình Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên khẳng định: “Đây là tổ chức tín dụng hiệu quả nhất vì nông dân đã sử dụng đúng mục đích, chặt chẽ và hiệu quả. Đó là điều đáng mừng vì hội viên có trách nhiệm với đồng tiền vay, không trông chờ, ỷ lại, không chây ì đóng phí. 10 năm qua, Hội Nông dân huyện Tân Uyên không có tình trạng nợ xấu khoản tiền phí cũng như tiền gốc khi vay quỹ”. Hẳn là có lý khi anh Cường có nhận định trên. Bởi không chỉ Hội Nông dân huyện Tân Uyên mà các địa phương khác cũng vậy. Nguồn phí thu được không nhằm mục đích kinh doanh cho cá nhân nào mà để phục vụ cho các hoạt động của tổ chức hội như: tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho hội viên, đồng thời xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh hơn.

Được biết, tính cả nguồn ủy thác của Trung ương và của tỉnh, Quỹ HTND tỉnh hiện có tổng nguồn vốn 47 tỷ đồng. Do nhu cầu được sử dụng nguồn quỹ của hội viên rất lớn, trên cơ sở khảo sát nhu cầu vốn và các dự án, mô hình có khả thi cao, đặc biệt là những dự án mới, tận dụng được những thế mạnh của địa phương, Ban Giám đốc quỹ phân bổ nguồn quỹ cho các địa phương. Việc phân bổ quỹ không cào bằng, hội viên tổ chức hội nào năng động, nhạy bén, làm tốt sẽ được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn. Ví dụ như huyện Tam Đường, tính đến nay được sử dụng nguồn quỹ lên tới 9 tỷ đồng song có những huyện chỉ được phân bổ 2 tỷ đồng. Đối với Tam Đường, hội viên nông dân đã xây dựng rất nhiều dự án từ việc tận dụng thế mạnh của địa phương như: mô hình nuôi ngựa của hội viên nông dân xã Thèn Sin, nuôi trâu vỗ béo của hội viên xã Nùng Nàng, sản xuất miến dong của hội viên xã Bình Lư, nuôi cá thương phẩm và nuôi trâu vỗ béo của hội viên thị trấn, trồng chè của hội viên xã Bản Bo… Với cách làm đa dạng, phong phú, nông dân Tam Đường từ vùng khó đến khu vực thuận lợi đã thực sự “phất lên” nhờ Quỹ HTND.

Còn đối với Hội Nông dân thành phố Lai Châu, ngoài nguồn quỹ được phân bổ từ Quỹ HTND tỉnh, để giúp hội viên tiếp cận nguồn quỹ, tổ chức hội còn đề xuất với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho mượn lại nguồn quỹ dự phòng. Đề xuất này được chấp nhận song thời gian được vay ngắn (1 năm), trong khi đó, trong lĩnh vực trồng trọt, chu kỳ sản xuất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rủi ro cao nên để hoàn vốn đối với bà con nông dân trong thời gian ngắn rất khó.

Thông tin thêm về việc phân bổ quỹ, đồng chí Nguyễn Thành Trung - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Phó Giám đốc Quỹ HTND tỉnh (Hội Nông dân tỉnh) cho biết, Lai Châu là tỉnh nghèo, trên 80% dân số sống từ nông nghiệp, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hạn hẹp nên hội viên luôn tha thiết được tiếp cận để có nguồn lực vươn lên. Ghi nhận sự nỗ lực của hội viên các cấp trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay, nguồn ngân sách cũng được Trung ương, tỉnh cấp bổ sung và nâng lên qua các năm, dự kiến sẽ lên 4 tỷ đồng vào năm tới. Ngoài số tiền được giao, Ban Vận động Quỹ HTND (được thành lập năm 2014) đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị và hội viên nông dân, doanh nghiệp đóng góp được 6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh cũng đã huy động các tổ chức ở tỉnh khác nguồn kinh phí 2 tỷ đồng hỗ trợ không hoàn lại cho các nhóm hội viên đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt.

Để Quỹ HTND thực sự tiếp sức hội viên vượt khó, làm giàu bằng chính sức lao động, bàn tay, khối óc, rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp về mọi mặt. Có như thế, người nông dân mới tự tin làm chủ cuộc sống trên mảnh đất quê hương.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...