Thứ năm, 09/05/2024, 03:53 [GMT+7]

Triển vọng mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu

Chủ nhật, 28/02/2021 - 22:49'
(BLC) - Năm 2017, gia đình anh Phàn A Sơn ở bản Xin Chải (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) liên kết cùng 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Hà Nội đầu tư mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản. Đến nay, mô hình có nhiều triển vọng, dự kiến năm 2021 cung ứng ra thị trường từ 4 - 5 vạn cây giống sâm Lai Châu.

Vượt chặng đường dốc dựng đứng dài hơn 3km từ đầu bản Xin Chải, chúng tôi đến thăm mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu. Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, bản thuận lợi cho phát triển các loại cây sâm quý hiếm dưới tán lá rừng. Những ngày cuối tháng 2 này, trên địa bàn xã nắng nóng nhưng tại khu rừng của bản sương mù phủ kín.

Trên đường đi, anh Sơn giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất giàu tiềm năng này được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, phù hợp cho cây sâm phát triển. Để khai thác tiềm năng địa phương, anh vất vả tìm các hộ có cùng chí hướng liên kết đầu tư mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu. Bởi, một mình anh không đủ kinh phí, kỹ thuật đầu tư.

Anh Phàn A Sơn ở bản Xin Chải, xã Giang Ma kiểm tra sự phát triển của cây giống tại mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu bản Xin Chải.

Anh Phàn A Sơn kiểm tra sự phát triển của cây giống.

Với quyết tâm, đầu năm 2017, gia đình anh liên kết được với 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Hà Nội cùng góp vốn đầu tư mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản. Bấy giờ, gia đình anh góp đất rừng và 4 lao động. Gia đình các anh: Phạm Bùi Anh Tuấn, Phạm Văn Ngọc và Hoàng Đình Vương ở thành phố Lai Châu góp vốn xây dựng nhà ở cho lao động, làm nhà lưới khép kín và lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Đối với anh Phạm Quang Tuyến - cán bộ Viện Lâm sinh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chịu trách nhiệm kỹ thuật trồng, ươm cây giống.

Trước khi thực hiện mô hình, các hộ đi học tập kinh nghiệm ươm cây giống sâm trong nhà lưới tại Viện Lâm sinh. Từ đó, các hộ nắm bắt kỹ thuật lắp đặt mô hình gồm: xây dựng hệ thống khung, trụ, cột, quây lưới đúng kỹ thuật và bảo quản hạt giống, ươm cây đúng quy trình. Các hộ hướng dẫn lao động địa phương tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật trồng sâm trong nhà lưới từ các khâu: làm đất, bón phân, quản lý sâu, bệnh đến kiểm tra tình hình sinh trưởng. Mỗi luống sâm cán bộ kỹ thuật đều ghi chép rõ thời gian trồng, chi phí và lợi nhuận thu được. Ngay khi triển khai mô hình, các hộ thu mua trên 500 cây sâm Lai Châu từ 5 - 10 năm tuổi để trồng, chăm sóc và thu hoạch hạt giống. Sau khi thu hoạch hạt giống, hàng năm, các hộ cắt thân, lá sâm Lai Châu bán với giá 1 triệu đồng/1kg. Tính riêng năm 2020, các hộ thu nhập hơn 40 triệu đồng tiền bán thân, lá sâm Lai Châu cho Viện Lâm sinh.

Anh Sơn tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi khi liên kết với các hộ đầu tư mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu để bán cây giống, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động gia đình. Đồng thời, giúp bà con nơi đây từng bước tiếp cận cây giống sâm Lai Châu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của bản. Từ đó, bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc sâm theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập gia đình”.

Hiện nay, mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải bước đầu mở ra hướng phát triển kinh tế mới với nhiều triển vọng cho người dân địa phương học tập và làm theo. Từ quy mô 5.000m2, các hộ đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua cây giống lâu năm, xây dựng nhà lưới và ươm giống. Mô hình dự kiến cung ứng ra thị trường từ 4 - 5 vạn cây giống năm 2021. Các hộ niêm yết giá bán 120 nghìn đồng/cây (1 năm tuổi). Để mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải thành công, các hộ thuê anh Hoàng Văn Sách phụ trách kỹ thuật với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Anh Sách học chuyên ngành về trồng trọt, trong đó có kiến thức về ươm cây giống sâm. Hàng ngày, anh ăn, ở tại mô hình, nhắc nhở lao động tưới nước, kiểm tra sâu bệnh và bón phân.

Anh Sách cho biết: “Để thành công với mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải, tôi hướng dẫn lao động địa phương chuẩn bị mùn, gồm phân chuồng và lá cây ủ hoai. Mỗi năm, tôi yêu cầu lao động bón trực tiếp mùn cho cây sâm lâu năm. Từ đó, thu hoạch hạt giống đảm bảo, tỷ lệ nảy mầm đạt 99%. Nhờ hạt giống tốt, cây giống sâm Lai Châu khỏe, sinh trưởng và phát triển khá”.

Thực tế, khách hàng có nhu cầu cao đặt mua sâm bồi dưỡng sức khoẻ cao. Các loại sâm nói chung, sâm Lai Châu nói riêng là nguồn tài nguyên tự nhiên nay đang dần cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải dưới diện tích rừng tự nhiên, khí hậu trong lành là cần thiết. Tại mô hình, có các loại cây giống 1, 2 và 3 năm tuổi. Chủ mô hình lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi 24/24 giờ tại khu vườn ươm; thuê 1 lao động địa phương chăm sóc, bảo vệ và dọn vườn với mức lương 62 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, tại mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu bản Xin Chải còn trồng thí điểm một số cây sâm như: vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang. Các loại sâm tại mô hình sinh trưởng, phát triển khá. Đây là cây trồng lâu năm đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Một củ sâm Lai Châu 10 năm tuổi có giá hàng trăm triệu đồng.

Anh Phàn A Sảo - Trưởng bản Xin Chải khẳng định: “Mô hình ươm cây giống sâm Lai Châu ở bản Xin Chải có tỷ lệ cây sống cao, góp phần bảo tồn, khôi phục và phát triển giống sâm Lai Châu quý hiếm. Nhiều đơn vị, cá nhân đặt mua cây giống sâm Lai Châu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia, gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Hiện, một số người dân trong bản học hỏi kinh nghiệm từ mô hình, trồng sâm Lai Châu dưới tán lá rừng, góp phần nâng cao thu nhập gia đình”.

Trồng sâm Lai Châu đòi hỏi nguồn vốn lớn, vì vậy, người dân bản Xin Chải mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập thể, cá nhân liên kết trồng sâm dưới tán rừng, góp phần xóa nghèo bền vững.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...