

Từ lâu Khổng Lào đã được biết đến là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nơi diễn ra Lễ hội Then Kin Pang nổi tiếng với nhiều hoạt động phong phú. Trong phát triển kinh tế, Khổng Lào cũng là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; là vùng trồng cao su; có diện tích đất sản xuất lúa lớn của huyện và những năm gần đây xã từng bước hình thành được vùng trồng lạc.
Chị Phạm Thị Nương – Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào cho biết: Có được kết quả đó là nhờ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thâm canh, tăng vụ; lồng ghép phối hợp triển khai nhiều mô hình trồng lạc, tạo cơ sở để người dân tiếp cận giống mới cũng như tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc lạc hiệu quả. Hầu hết giống lạc bà con đang trồng là giống lạc hạt trắng và đỏ. Qua thực tế triển khai cây lạc cho thấy rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, cây dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp để trồng trên đất 1 vụ lúa.
Người dân bản Huổi Nả (xã Khổng Lào) thu hoạch lạc.
Trong khi đó, cây lạc ra nhiều củ, củ to, hạt chắc, mẩy, mang lại năng suất cao, dễ bán, khả năng thu hồi vốn nhanh. Chính điều này đã thôi thúc người dân trong xã duy trì, mở rộng diện tích qua các năm. Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, nông dân trong xã đã trồng được 8ha lạc. Ngoài trồng tại bản Huổi Nả như mọi năm thì bà con còn trồng tại bản Đớ và bản Co Muông. Hộ ít trồng vài trăm mét vuông, hộ nhiều trồng vài nghìn mét vuông. Thời điểm này, hầu hết diện tích lạc đã chắc hạt, bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đang tập trung nhân lực thu hoạch.
Chị Lò Thị Phương – người dân bản Huổi Nả nói, 200m2 đất của gia đình tôi nằm sát đường, có vị trí cao hơn so với các thửa ruộng của nhiều hộ dân khác trong bản. Việc dẫn nước vào ruộng khó khăn, hầu hết chỉ đủ nước cấy lúa vụ mùa rồi để hoang. Tiếc đất sản xuất để không, nên vài năm nay gia đình tôi đưa cây lạc vào trồng vụ đông xuân, rất mừng lạc phát triển tốt. Vụ này, lạc được mùa, dự kiến thu được gần 2 tạ lạc tươi, với giá bán 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng so với năm 2024) thì gia đình tôi thu được trên 3 triệu đồng lãi.
Theo chia sẻ của bà con, điều vui nhất khi trồng lạc là bà con không phải thấp thỏm lo sợ thiếu nước như khi trồng lúa hơn nữa đầu ra của lạc rất ổn định. Lạc thu hoạch đến đâu thương lái vào mua đến đó. Số lượng lạc chủ yếu được bán tươi tại các chợ trong huyện và thành phố Lai Châu. Theo ước tính, năng suất lạc vụ đông xuân của xã đạt 10 tạ/ha (tăng 4,8 tạ/ha so với năm 2024).
Tranh thủ thời tiết nắng ấm, các hộ dân xã Khổng Lào giúp nhau thu hoạch lạc để bán cho thương lái.
Chị Đường Thị Xoan – người dân bản Huổi Nả bộc bạch, gia đình tôi trồng trên 3.000m2 lạc, diện tích này gần nhà tiện trồng, làm cỏ, bón phân nên gia đình xác định đây là loại cây gắn bó lâu dài. Hàng năm, gia đình tôi chủ động chuẩn bị sẵn giống, đến tầm cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch là trồng. Trong quá trình trồng tôi chú trọng các khâu làm đất, lên luống, tra hạt đúng khoảng cách, kỹ thuật, thậm chí dẫn nước tưới cho cây trong những ngày đầu tra hạt, tăng tỷ lệ nảy mầm. Khi cây lớn hơn thì làm cỏ, vun gốc cẩn thận, bón phân cân đối. Bây giờ, lạc ra nhiều củ, tranh thủ nắng ấm, mấy ngày nay gia đình tập trung nhân lực thu hoạch. Dự kiến, gia đình tôi sẽ thu được khoảng 5 tạ lạc, sau khi bán sẽ thu về gần 10 triệu đồng.
Có thể thấy, trồng lạc là hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế của người dân xã Khổng Lào. Việc làm này vừa giúp người dân giải quyết công việc lúc nông nhàn, vừa cải tạo đất; tăng vụ gieo trồng. Thời gian tới, xã Khổng Lào tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân thu hoạch lạc theo phương châm thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất ngay đến đó, sẵn sàng đất sản xuất lúa vụ mùa. Bà con quyết tâm đa dạng hóa cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ để rồi lúa cùng với lạc giúp bà con nâng cao thu nhập, hướng đến cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin đọc nhiều

Huyện Tam Đường: Bảo vệ rừng từ quản lý chặt chẽ xử lý thực bì

Đưa sản phẩm nông sản Lai Châu vươn xa

Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui
Bảo vệ tốt diện tích rừng
“Chạy đua” thời gian, đảm bảo tiến độ
Nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi
Phát triển giao thông - kết nối vùng

Than Uyên đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng







