

Với bà con, mùa làm nương cũng quan trọng không kém các vụ khác trong năm. Bởi nhiều địa phương địa hình không bằng phẳng, ruộng nước ít trong khi đất đồi, nương nhiều sẽ giúp có thêm lương thực, thu nhập để không còn cảnh mùa giáp hạt lại đứt bữa, trẻ nhỏ ấm bụng đến trường học chữ và hơn hết là đất không bỏ trống. Đó là lí do khi chúng tôi về các bản vùng cao đều thấy bản làng vắng lặng, trên nương đồi bà con đang tất bật công việc: phát, dọn, đốt cỏ, cày bừa, cuốc hố, bón phân, tra hạt...
Nông dân bản Hon 1 (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) phát cỏ trồng ngô trên đất nương.
Theo lời anh Vàng Văn Dèng - Trưởng bản Hon 1 (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), trước đây, đất nương rất nhiều, bà con không quá vội vã với việc đảm bảo lịch thời vụ, nếu bận có thể chuyển đổi trồng cây khác hoặc quy hoạch làm bãi chăn thả. Giờ, Nhà nước có chủ trương quy chủ đất nương, nhiều gia đình muốn mở rộng diện tích cũng khó, vậy nên muốn cây trồng được thu, các hộ phải thống nhất cả về lịch sản xuất đến bảo vệ, chăm sóc.
Khoa học kỹ thuật tiến bộ, kinh nghiệm sản xuất của bà con cũng nâng lên, việc làm nương không còn vất vả như xưa. Ở một số địa phương thay vì sử dụng con trâu, cái cày để làm đất, bà con chỉ phát, dọn, phun thuốc trừ cỏ rồi cuốc hố, bỏ phân, tra hạt; khi cây được khoảng 2 - 3 lá thì phun thêm thuốc trừ cỏ một lần nữa. Ngô vẫn là cây trồng chủ lực, ngoài ra bà con còn trồng chuối, lạc, đậu tương, sắn... Theo anh Sọn, không biết các vùng đất khác như thế nào chứ đất nương ở Bản Hon thì tốt lắm! Cây ngô chỉ cần chăm sóc ban đầu khi xuống giống và đợi thu hoạch thôi. Mặc dù ít chăm sóc nhưng nếu không có sự tác động của thiên tai hay gia súc phá hoại thì năng suất cao không kém trồng dưới đất ruộng.
Đất không sinh sôi, rừng không được phá, con người thì đông dần lên do vậy giờ đây bà con trân quý từng mét đất nương. Nhiều gia đình nghĩ xa và muốn có thu nhập cao bền vững thì tính toán trồng rừng kinh tế, trồng chuối, cao su, chè như Hoang Thèn, Huổi Luông, Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ); Nậm Sỏ, Tà Mít, Nậm Cần (huyện Tân Uyên); Tả Lèng, Bản Bo (huyện Tam Đường)... Khi cây rừng chưa phát tán, bà con tận dụng trồng xen cây màu để có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài và hạn chế cỏ dại làm mất chất dinh dưỡng trong đất.
Cũng vì thói quen thả rông gia súc của bà con chưa hoàn toàn thay đổi nên các hộ có đất nương đều thực hiện sản xuất đúng mùa vụ, phát cây, cỏ, xuống giống và cắt cử trông nom. Thôn, bản cũng đưa vào quy ước, hương ước quy định xử lý khi hộ dân để gia súc phá hoại hoa màu trên nương; quy hoạch bãi chăn thả vừa đảm bảo an toàn cho gia súc lại mở hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Mặc dù gia đình có nhiều đất ruộng nhưng gia đình anh Tao Văn Nó (bản Hon 1, xã Bản Hon) vẫn quyết không bỏ đất nương, bởi với anh có đất là có cơ hội làm giàu. Mình là nông dân, không giữ lấy đất mai này con cháu biết lấy gì làm ăn. Mặc dù đất nương không hề gần mà ở lưng chừng ngọn núi Pá Văng nhưng gia đình anh vẫn tận dụng diện tích bằng phẳng trồng chè, ngô và diện tích nương ở khu vực khác có độ dốc lớn trồng thông, lát.
Cũng chính bởi Nhân dân vùng cao có chung suy nghĩ ấy mà giờ đây đất trống đồi núi trọc không còn phổ biến như những năm trước mà tùy thuộc địa hình, khí hậu, thói quen sản xuất của Nhân dân địa phương mà được quy hoạch thành khu vực chăn thả ra súc, trồng ngô, sắn, chuối.... hay trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất.
Khi đông qua, xuân đến, những chồi non, lộc biếc của cây trồng bắt đầu vươn mình đón nắng ấm, đón những cơn mưa đầu mùa tưới mát. Và rồi, nông dân vùng cao Lai Châu lại cùng bàn tính về vụ này trồng giống cây gì, chăm sóc thế nào để đồi, nương mang về thêm nhiều hơn những mùa no ấm.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh










