

Trước đây, đời sống kinh tế của gia đình ông Lù Văn Điếng ở bản Đin Đanh (xã Ma Quai) từng gặp khó khăn, sản xuất lạc hậu, nhất là chăn nuôi theo phương thức thả rông gia súc, chưa chú trọng phòng dịch bệnh, nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Được xã vận động, hướng dẫn cách làm, ông thay đổi phương pháp, chú trọng chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn vật nuôi phát triển, mang lại thu nhập cho gia đình.
Ông Điếng cho biết: Tận dụng quỹ đất chưa sử dụng của gia đình, tôi xây dựng trang trại để nuôi trâu, bò, gà, vịt và ao cá, không còn thả rông mà đưa vật nuôi về nuôi nhốt, sử dụng các loại thức ăn như cỏ, lá chuối, rơm, thóc, ngô, kết hợp với các sản phẩm ngoài thị trường. Được tham gia các lớp dạy nghề về chăn nuôi, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm trên mạng internet, các hộ chăn nuôi tại địa phương, tôi lựa chọn giống phù hợp, chủ động phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại nên đạt nhiều hiệu quả. Hiện tôi có 10 con trâu, bò, hơn 100 con gà, vịt, 1 ao cá 400m2 và tôi còn trồng 1ha ruộng lúa, gần 2ha quế, sắn, thu nhập mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng.
Nhờ xây dựng trang trại chăn nuôi kiên cố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Lù Văn Điếng (bản Đin Đanh).
Xã Ma Quai có 9 bản, nơi sinh sống của dân tộc: Thái, Lự, Dao, Mông, cuộc sống bà con còn khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, chăn nuôi theo phương thức thả rông. Để chăn nuôi phát triển, tạo sinh kế cho dân, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp dân, họp bản, đưa ra phương pháp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ việc thả rông, kết hợp chăn dắt, nuôi bán tự nhiên với xây dựng chuồng trại. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp dạy nghề về chăn nuôi tại các bản, để người dân được trao đổi, nâng cao kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật, từ đó có cách làm hay, sáng tạo, xây dựng các mô hình cụ thể. Các hộ chăn nuôi cũng được lựa chọn các giống phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, xử lý các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, xã cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chăn nuôi thay đổi, không còn nhỏ lẻ mà đã nuôi tập trung, có chuồng trại, các bãi chăn thả được quy hoạch, mở rộng, người dân còn trồng các loại cỏ, bổ sung nguồn thức ăn. Nhiều hộ trong bản chung vốn với nhau xây dựng trang trại, mua giống, hình thành các mô hình như: gà, vịt siêu trứng, lợn thương phẩm, trâu, bò vỗ béo, dê sinh sản. Phương pháp nuôi theo hướng kỹ thuật, từ khâu chọn giống, chế biến thức ăn, dựng chuồng trại, thả vật nuôi đều theo quy trình, thời gian cụ thể. Nhất là nguồn thức ăn, không chỉ lựa chọn, chế biến kỹ lưỡng mà còn bổ sung thêm nhiều chất khoáng, để vật nuôi phát triển, có nhiều kháng thể chống chọi mầm bệnh.
Mô hình nuôi lợn thương phẩm của người dân bản Can Tỷ 2 góp phần thay đổi cuộc sống gia đình.
Tập quán chăn nuôi của bà con dần thay đổi, chú trọng việc xử lý chất thải tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm chủng định kỳ, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra. Nhờ đó, chăn nuôi ngày càng phát triển, đến nay, toàn xã có 3.722 con gia súc, 14.349 con gia cầm, 15ha ao nuôi thủy sản, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5%/năm.
Anh Cà Văn Úi – Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăn nuôi đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã đến nay còn 38,68%, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển thêm các mô hình, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, từng bước đưa chăn nuôi trở thành thế mạnh của xã trong giảm nghèo.
Tin đọc nhiều

Huyện Tam Đường: Bảo vệ rừng từ quản lý chặt chẽ xử lý thực bì

Đưa sản phẩm nông sản Lai Châu vươn xa

Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui
Bảo vệ tốt diện tích rừng
“Chạy đua” thời gian, đảm bảo tiến độ

Khổng Lào hình thành vùng trồng lạc
Phát triển giao thông - kết nối vùng

Than Uyên đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng







