

Lai Châu có diện tích rừng tự nhiên 450.392,33ha; diện tích rừng trồng đã thành rừng 8.306,57ha; diện tích đất đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp 254.138,98ha. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, trong đó phấn đấu giai đoạn 2021-2025 trồng mới 15.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung công khai các thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển lâm nghiệp; khai thác triệt để tiềm năng lao động tại chỗ trên địa bàn tại các địa phương tham gia vào phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ đó, tăng thu nhập trên mỗi diện tích rừng.
Lãnh đạo huyện Than Uyên kiểm tra dự án trồng mắc ca của Công ty TNHH Him Lam Lai Châu tại xã Mường Kim.
Với cách làm này, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã tập trung bố trí và huy động các nguồn lực thực hiện bảo vệ, phát triển rừng, phát triển hạ tầng lâm nghiệp với tổng nguồn vốn huy động là 1.600,8 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 78,9 tỷ đồng, vốn do doanh nghiệp và người dân tự đầu tư là 11,9 tỷ đồng, tiền dịch vụ môi trường rừng là 1.510 tỷ đồng) để tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Tỉnh giới thiệu 32 doanh nghiệp vào khảo sát, xây dựng dự án, tìm kiếm cơ hội đầu tư; sau hơn 2 năm thực hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án về lâm nghiệp với diện tích trên 6.600ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng được 1.817ha, một số dự án đang hoàn thiện các thủ tục đất đai để triển khai trồng rừng.
Trong đó, có một số dự án quy mô lớn như: trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tại Mường Tè của Công ty cổ phần sâm Pusilung; phát triển cây mắc ca tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè của Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu; phát triển nông lâm nghiệp và dược liệu Fobic tại huyện Tân Uyên của Công ty cổ phần nông lâm FoBic; trồng cây lâm nghiệp tại xã Mường Mít, huyện Than Uyên của Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Bateco Lai Châu, trồng cây hông tại huyện Sìn Hồ của Tập đoàn Đại Việt (Hà Nội)...
Với mong muốn giúp bà con có nguồn thu nhập từ trồng rừng, Tập đoàn Đại Việt (Hà Nội) đã lựa chọn trồng cây hông trên địa bàn hai xã Nậm Hăn và Căn Co (huyện Sìn Hồ) với phương châm liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; người dân bỏ đất, công lao động còn doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón cùng với đó là bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, rất nhiều người dân có đất đã tích cực tham gia góp đất cùng phát triển diện tích loài cây này.
Được biết, năm 2023, Tập đoàn Đại Việt đã cùng với người dân trên địa bàn hai xã Nậm Hăn và Căn Co phát triển được trên 200ha cây hông. Hiện tại, diện tích cây hông sinh trưởng và phát triển tốt, cây cao từ 7-10m. Dự kiến đơn vị sẽ phát triển trên 3.000ha tại các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ cùng với đó là việc xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây hông. Cây hông là cây gỗ lớn và có tốc độ sinh trưởng nhanh. Gỗ hông được dùng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống như làm đồ gia dụng, ván dán, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, thùng đựng hàng, bao bì. Ngoài ra, còn được dùng làm nhạc cụ, đóng tàu lượn, lót vỏ máy bay, toa xe, du thuyền, ván lướt và sản xuất bột giấy cao cấp. Vì vậy, có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường giới thiệu chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm lâm nghiệp. Có 8 công ty, doanh nghiệp hiện đang nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm: Nhà máy chế biến mắc ca và các sản phẩm nông lâm nghiệp tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; Nhà máy chế biến cây dược liệu tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên; Nhà máy chế biến nông lâm sản, dược liệu và vườn ươm tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; Nhà máy chế biến, sản xuất tinh dầu quế, kết hợp vườn ươm giống tại thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và tinh dầu quế huyện Phong Thổ; Nhà máy chế biến nông lâm sản tại xã Mường So, huyện Phong Thổ; Nhà máy tinh dầu quế huyện Than Uyên; Nhà máy chế biến các sản phẩm từ gỗ, chiết suất tinh dầu quế tại huyện Than Uyên. Tuy nhiên mới có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc và tinh dầu quế huyện Phong Thổ, còn 7 doanh nghiệp đang tiếp tục khảo sát và hoàn thiện các thủ tục theo quy định.
Người dân xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ chăm sóc cây hông.
Tỉnh tích cực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tận dụng tiềm năng, lợi thế tham gia phát triển dược liệu dưới tán rừng; đến nay đã phát triển các vùng trồng tập trung trên 35ha sâm Lai Châu, 10ha bảy lá một hoa và một số loài dược liệu khác có giá trị kinh tế cao; duy trì canh tác ổn định đối với 6.460ha thảo quả và 2.240ha sa nhân tím, nâng tổng diện tích các loại lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 11.000 ha. Nhờ vậy, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 51,87%.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu lâm sản gắn với khai thác rừng trồng sản xuất theo chu kỳ khai thác dẫn đến sản phẩm đầu ra chưa nhiều, sức cạnh tranh chưa cao nên chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thông tin, tài liệu về đầu tư, quy hoạch, đất đai, các lợi thế của tỉnh một cách nhanh nhất. Tập trung rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo ảnh hưởng đến mục tiêu và tiến độ thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng về giao thông.
Với những giải pháp trên sẽ thu hút các nhà đầu tư vào phát triển lâm nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân từ rừng.
Tin đọc nhiều









