Thứ sáu, 17/05/2024, 13:50 [GMT+7]

Thấy gì từ vụ lừa đảo “Chạy trường” _ Kỳ 3: Truy tìm kẻ lừa đảo

Thứ ba, 20/12/2011 - 15:48'
>>Thấy gì từ vụ lừa đảo “Chạy trường” _ Kỳ II: Bộ mặt kẻ lừa đảo>>Thấy gì từ vụ lừa đảo “Chạy trường” _ Kỳ 1: Mất tiền vì… “giấc mộng công an”(BLC) - Sau khi xác minh thông tin và thu thập đầy đủ những chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án và thành lập chuyên án mang bí số 111C để truy tìm, đấu tranh với các đối tượng.

TỪ TIN ĐỒN ĐẾN CHUYÊN ÁN 111C

Đối tượng Hoàng Vinh Bàng tại cơ quan điều tra.

Thời gian vừa qua, tại địa bàn 2 huyện: Than Uyên và Tân Uyên xuất hiện tin đồn có người tên Thân, ở khu 5a, thị trấn Than Uyên có thể “chạy” các suất học vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân (TCCSND) 1 mà không cần phải qua sơ tuyển hay thi tuyển.

Người ta rỉ tai nhau rằng, sở dĩ Thân “chạy” được là vì có mối quan hệ với Ban Giám hiệu nhà trường. Vì vậy đã có nhiều người dân ở 2 huyện này đến nhờ Thân “chạy” cho con em họ. Quan trọng hơn là khi không lo được việc, Thân đã viện nhiều lý do để không hoàn trả hết số tiền đã nhận của các gia đình.

Sau khi xác minh thông tin đúng sự thật, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát (Phòng PC44, Công an tỉnh) đã tác động những gia đình đưa tiền nhờ Thân “chạy trường” đến cơ quan điều tra trình báo sự việc trên.

Qua trình báo của các gia đình trên, cơ quan điều tra đã triệu tập Thân đến làm việc. Tại cơ quan điều tra Thân đã khai báo rõ mọi sự việc, trong đó có cả việc Thân xuống Hà Nội giao dịch với các đối tượng Bàng và Hiển (như đã nêu ở số báo trước).

Xét thấy vụ việc trên có liên quan đến một đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp với quy mô lớn, Phòng PC44 tiếp tục tung lực lượng trinh sát đi nhiều nơi để thu thập thông tin, chứng cứ.

Sau khi thu thập đầy đủ mọi thông tin, bằng chứng về hành vi lừa đảo của các đối tượng, ngày 26/11/2011, Phòng PC44 (Công an tỉnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời cùng ngày, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Công an tỉnh, chuyên án mang bí số 111C đã được thành lập để truy xét, đấu tranh với các đối tượng.

LẦN MANH MỐI TỪ MỘT NỮ SINH VIÊN

Bàng và Hiển chưa bao giờ cho các bị hại biết địa chỉ thường trú của mình. Vì vậy, dù cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo của các đối tượng song làm sao để tìm ra nơi ẩn náu của chúng lại là cả một vấn đề khó khăn đối với cơ quan điều tra.

Theo lời của đại úy Vũ Tiến Văn – Đội trưởng Đội điều tra thẩm định án Phòng PC44, do tất cả các bị hại đều không biết địa chỉ chính xác của các đối tượng nên việc lần tìm manh mối của Ban chuyên án gặp nhiều khó khăn. Manh mối đầu tiên mà Ban chuyên án tính đến chính là những số điện thoại mà các đối tượng đã dùng để liên lạc với các bị hại. Tuy nhiên cả bốn số điện thoại mà Bàng dùng trong 4 vai diễn của mình đều tắt, chỉ có duy nhất số điện thoại của Hiển là còn liên lạc được. Nhưng lúc này Hiển đã có ý đề phòng nên khi cơ quan điều tra cho các bị hại tiếp tục giao dịch thì Hiển yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản và nhất quyết không gặp trực tiếp. Ngay sau đó điện thoại của Hiển lại tắt, các bị hại không làm sao liên lạc lại được. Vậy là mọi dấu vết về các đối tượng không còn.

Xác định không thể lần tìm dấu vết của các đối tượng qua những số điện thoại, Ban chuyên án đã quyết định chuyển sang việc lần tìm dấu vết của các đối tượng từ địa chỉ và số tài khoản mà chúng dùng để nhận tiền từ các bị hại (đó là địa chỉ và số tài khoản của một nữ sinh viên tên Ng. Th. Ng., ở Quảng Xương – Thanh Hóa).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã nhanh chóng tìm ra nơi ở và tiếp cận được với Ng. Qua đấu tranh, Ng. khai: Có nhận số tiền 305 triệu đồng qua tài khoản và địa chỉ bưu điện. Nhưng đó là do một người tên Hoàng Vĩnh Bằng (trên thực tế là Hoàng Vinh Bàng) làm “công an ngầm” nhờ. Còn Bằng làm ở đâu, hoàn cảnh thân thế, gia đình và địa chỉ như thế nào thì Ng. hoàn toàn không hay biết. (Ng. là sinh viên Khoa Du lịch của một trường Cao đẳng ở Hà Nội đang học liên thông lên Đại học. Khoảng 3 năm trước, Ng. đi làm thêm ở quán cà phê và quen Bằng (Bàng) tại đó. Bấy giờ Bàng giới thiệu với Ng., Bàng tên là Hoàng Vĩnh Bằng làm “công an ngầm”. Ng. có hỏi về thân thế địa chỉ và nơi làm việc thì Bằng bảo là “công an ngầm” không thể tiết lộ. Sau đó Bằng (Bàng) nhiều lần đến chơi ở xóm trọ của Ng., Bằng (Bàng) có hứa hẹn với Ng. là khi ra trường sẽ giúp Ng. xin việc. Do sắp ra trường, đang cần công việc lại có người làm công an hứa xin việc giúp nên Ng. rất tin tưởng. Vì vậy mà Ng. đã bị Bằng (Bàng) lợi dụng để nhờ tài khoản và địa chỉ tiện cho việc giao dịch, nhận tiền của các bị hại).   

Đến lúc này mọi đầu mối liên quan đến các đối tượng lại bế tắc, việc điều tra của Ban chuyên án một lần nữa bị tắc.

Tưởng rằng chuyên án phải dừng lại tại đây để tiếp tục tính toán tìm phương án khác. Rất may ngay sau đó Ng. đã nhớ lại một chi tiết quan trọng: Có lần Bằng (Bàng) đến chỗ Ng. chơi và có dẫn theo một người bạn tên V. Trong lần gặp đó V. đã thể hiện tình cảm với Ng.

Tuy nhiên theo lời Ng. thì Ng. không thích V. mà thích Bằng (Bàng). Sau đó một thời gian, V. có đến chỗ Ng. chơi và nói với Ng.: “Em đừng qua lại với thằng Bằng, thằng này thân thế không tốt, nó có vợ con rồi”. Ng. hỏi V. tại sao biết thì V. bảo đã có lần theo dõi Bằng (Bàng) về đến tận nhà nên biết.

Chi tiết trên là một mắt xích quan trong để Ban chuyên án tiếp tục điều tra, “tầm nã” đối tượng. Tuy nhiên manh mối vừa mở ra thì lại một lần nữa tắt ngấm bởi trước đó Ng. chỉ biết V. làm cho một quán rửa xe ở Hà Nội mà không biết rõ địa chỉ. Bản thân Ng. cũng không biết nhà V. ở đâu, hiện tại V. làm gì, số di động của V. mà Ng. có cũng không liên lạc được.

Sau nhiều lần lục tìm, cuối cùng Ng. tìm được số điện thoại nhà mà V. đã từng gọi cho Ng. còn lưu lại ở danh bạ điện thoại của Ng. và cơ hội phá án lại tiếp tục mở ra cho Ban chuyên án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh được nơi ở của V. là thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. 

Việc xác định được địa chỉ của V. là một đầu mối rất quan trọng bởi chỉ duy nhất có V. là biết được nơi ở của đối tượng Bằng (Bàng). Đến đây việc truy bắt các đối tượng có vẻ đã thuận lợi hơn rất nhiều cho Ban Chuyên án. Tuy nhiên, từ việc làm sao để đưa được V. về hợp tác phá án mà không bị “bứt dây động rừng”, rồi làm sao để tóm gọn được Bàng và Hiển… vẫn còn là những thách thức gian nan đối với Ban Chuyên án trong đêm đánh án.

(còn nữa)

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...