Thứ năm, 25/04/2024, 10:24 [GMT+7]

Xét xử lưu động góp phần nâng cao tính răn đe, giáo dục pháp luật

Thứ sáu, 25/11/2022 - 08:07'
(BLC) - Xét xử lưu động (XXLĐ) là một hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động và hiệu quả, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục đối với các loại tội phạm cũng như nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Với ý nghĩa đó, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Tân Uyên đã thực hiện hiệu quả việc XXLĐ trong thời gian qua.

Chị Dương Thị Tuyết Thanh - Chánh án TAND huyện Tân Uyên cho biết: Năm 2022, TAND huyện đã thụ lý tổng số 203 vụ (tăng 12 vụ, việc các loại so với năm 2021), trong đó án hình sự đã giải quyết 96 vụ (đạt 100%); 79 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Tòa đã tổ chức XXLĐ 7 vụ/10 bị cáo tại địa bàn các xã: Pắc Ta, Trung Đồng, Phúc Khoa. Đây là những địa bàn nổi cộm về các vụ việc như: vận chuyển trái phép vật liệu nổ, tàng trữ trái phép chất ma túy và hủy hoại rừng. Các phiên tòa được tổ chức XXLĐ đã để lại nhiều day dứt, tiếc nuối cho những người tham gia xét xử; song hơn hết, đã có tác dụng răn đe, giáo dục rất lớn trong cộng đồng dân cư.

Tại phiên tòa XXLĐ ở xã Phúc Khoa vào tháng 9 vừa qua, bị cáo là Sùng A Sình (SN 1976, trú tại bản Hô Be, thị trấn Tân Uyên) có lý lịch: không biết chữ; bố mẹ đẻ đã chết; có 6 người con, con lớn nhất đã 31 tuổi, con bé nhất năm nay 13 tuổi. Vào khoảng tháng 8/2021, Sình lên khu đất rừng đặc dụng tại địa phận bản Hô Ta, xã Phúc Khoa (diện tích này do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý) dọn đất để trồng cây sa nhân.

Do nhận thức hạn chế, Sình tiếp tục phá cây, chặt gỗ, dựng lán nương, trồng sắn trên đất rừng. Sau khi tiến hành tuần tra, Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện có dấu hiệu của việc hủy hoại rừng nên đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng xác minh, giải quyết. Kết quả xác minh cho thấy, Sình đã tham gia chặt, ken cây trên diện tích 2.300m; 107 cây và 22,76m3 lâm sản bị thiệt hại”.

Phiên tòa xét xử lưu động do TAND huyện tổ chức tại xã Phúc Khoa có nhiều người dân đến theo dõi.

Phiên tòa xét xử lưu động do TAND huyện tổ chức tại xã Phúc Khoa có nhiều người dân đến theo dõi.

Tại phiên tòa, bị cáo Sùng A Sình đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Dù Sinh vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng; tuy nhiên, mọi hành vi làm tổn hại đến rừng đều cần phải được xử lý nghiêm minh. HĐXX tuyên phạt bị cáo Sùng A Sình 2 năm tù với tội danh “Hủy hoại rừng”, đồng thời phải bồi thường cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện số tiền trên 25 triệu đồng.

Theo chị Dương Thị Tuyết Thanh, sau khi tòa tuyên án, bị báo nhanh chóng khắc phục hậu quả đã gây ra. Bị cáo trực tiếp đến Cơ quan thi hành án dân sự huyện nộp đủ số tiền bồi thường thiệt hại theo bản án đã tuyên. Qua phiên tòa này, những người có mặt theo dõi vụ án đã nhận biết rõ hơn về việc phân loại rừng: sản xuất, tái sinh, phòng hộ hay đặc dụng. Từ đó, có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, không xâm lấn đất ven rừng làm nương. 

Tại xã Pắc Ta thời gian qua cũng được xem là điểm nóng với tình trạng khai thác vàng trái phép. Nhiều đối tượng vận chuyển trái phép vật liệu nổ với mục đích khai thác vàng trái phép đã gây tâm lý bất an cho Nhân dân khu vực xung quanh. Do đó, trong 7 vụ án đưa ra xét xử trong năm 2022, bản Tân Bắc, xã Pắc Ta cũng được chọn là địa bàn tổ chức XXLĐ đối với các bị cáo Sầm Văn Diêm và Vương Văn Thành (đều trú tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Diêm, Thành mỗi người 8 năm 3 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 305 Bộ luật Hình sự. 

Thu Trang Bị cáo  Lò Văn Chú bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép chất độc tại phiên tòa XXLĐ tại xã Pắc Ta.

Bị cáo Lò Văn Chú bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép

chất độc tại phiên tòa xét xử lưu động ở xã Pắc Ta.

Những phiên tòa được TAND huyện tổ chức XXLĐ tại các xã đều đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm và là hình thức truyền tải trực tiếp các quy định của pháp luật đến với người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin. Tham dự phiên tòa, người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Khi người dân đã biết và hiểu về pháp luật, chính họ là người tuyên truyền, phổ biến đến những người thân và gia đình của mình.

Thời gian tới, TAND huyện tiếp tục lựa chọn những vụ án phức tạp xảy ra trên địa bàn huyện để đưa ra XXLĐ. Lựa chọn những thẩm phán có trình độ năng lực xét xử, qua đó thể hiện tính uy nghiêm, xét xử đúng pháp luật để người dân tin tưởng vào công lý, pháp luật và có ý thức trách nhiệm thượng tôn pháp luật.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...