Thứ tư, 18/09/2024, 18:00 [GMT+7]
Áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

Để không bị "bỏ lại phía sau"

Thứ sáu, 10/03/2023 - 11:14'
Chính sách ưu đãi về thuế đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, tới đây, thuế hấp dẫn sẽ không còn là lợi thế khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Trước bối cảnh mới, việc sớm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để Việt Nam không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời bảo đảm được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư… là yêu cầu cấp bách được đặt ra.

gg

Ưu đãi về thuế góp phần thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam. Trong ảnh: Nhân viên Samsung Việt Nam bên dây chuyền sản xuất. Ảnh: TTXVN

Vô hiệu hóa hiệu quả của ưu đãi thuế

Với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hằng năm từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại so mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Quy tắc này nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017, đến nay, đã có hơn 140 quốc gia tham gia chương trình.

Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế.

Nhìn nhận ở cả góc độ tích cực và tiêu cực, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: Khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay ở mức 20%, song, Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án, khiến thuế suất thực tế đối với các tập đoàn đa quốc gia có thể thấp đến 5%, thậm chí còn thấp hơn. Ưu đãi về thuế đã góp phần thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua.

Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa, hoặc giảm đáng kể. Nói một cách dễ hiểu, nếu quy tắc thuế này được áp dụng, hiệu quả của ưu đãi thuế vô hình trung sẽ mất tác dụng. Điều này tác động lớn đến thu hút các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Xây dựng cơ chế thích ứng với "nhịp đập chung"


Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang rất tích cực, chủ động trước vấn đề này, thậm chí đã có những hành động cụ thể. Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết: Các nước đi đầu tư như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã thông qua, hoặc đang ráo riết sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024. Các nước tiếp nhận đầu tư như: Indonesia, Malaysia… cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng từ năm 2024.

Từ những động thái mạnh mẽ của chính phủ các nước liên quan đến việc áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng: nếu chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, nếu không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị "bỏ lại phía sau" trong việc thu hút FDI.

Bàn về giải pháp, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Đây là thời điểm cấp bách, vì vậy Bộ Tài chính, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp; đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, các quy định quốc tế… Cùng với đó, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như: môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Đồng quan điểm trên, theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), việc tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức không nhỏ. Do đó, cần có cách tiếp cận khoa học để khi áp dụng tại Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực, mà trái lại góp phần hoàn thiện thể chế quản lý thuế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta, hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. "Quan trọng nhất bây giờ là hành động ngay, nhanh chóng, quyết liệt. Cần định ra thời gian thực hiện các công việc có liên quan đến áp dụng cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam", Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh!

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, đã có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 438,7 tỷ USD.

Cập nhật Thứ sáu, ngày 03/03/2023 - 11:56/ BÌNH AN/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nậm Nhùn khó đạt chỉ tiêu trồng rừng
Năm 2024, huyện Nậm Nhùn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 325ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ 50ha và rừng sản xuất 275ha. Theo kế hoạch, việc triển khai trồng rừng sẽ được hoàn thành trước...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.