Chủ nhật, 19/05/2024, 15:30 [GMT+7]

Làm giàu từ chăn nuôi

Thứ sáu, 11/06/2021 - 17:23'
Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hội viên Nguyễn Đức Văn (ở Chi hội Nông dân bản Bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường) vươn lên làm giàu, thu nhập trung bình trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Ông Văn năm nay gần 60 tuổi. Năm 1995 từ quê hương xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đình ông chuyển lên sinh sống tại bản Bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng ông bắt tay vào chăn nuôi vài con lợn, con gà, sau đó phát triển lên số lượng lớn hơn; những năm trở lại đây, nuôi trung bình từ 35- 40 con lợn, trong đó tập trung nuôi lợn nái và lợn thịt. Giống lợn được ông lựa chọn đối với con đực là giống lợn Móng Cái, còn đối với con cái là giống lợn đen địa phương. Hiện nay, gia đình ông nuôi 12 con lợn nái sinh sản, mỗi lứa đẻ bình quân 9-12 con. Toàn bộ số lợn con này đều được giữ lại để nuôi lợn thịt, khi lợn đạt trọng lượng từ 1- 1,2 tạ/con thì xuất bán, bán ra thị trường với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg lợn hơi.

Ông Văn chế biến thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Văn, nhìn đàn lợn béo tốt, tranh nhau giành phần ăn trông thật thích mắt. Ông Nguyễn Đức Văn phấn khởi chia sẻ: “Để phát triển kinh tế, những năm gần đây gia đình tôi đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mỗi năm nuôi trung bình từ 10-12 con lợn nái, 25-30 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất từ 5-7 tấn lợn hơi. Gia đình tôi chủ động được nguồn giống nên tiết kiệm chi phí, đồng thời chất lượng con giống đảm bảo. Để đàn lợn lớn nhanh, mạnh khỏe, tôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, một ngày 2 lần vào buổi sáng, buổi chiều. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Ngoài ra, gia đình tôi còn chăn nuôi hơn 30 con gia cầm, gần 50 đôi chim bồ câu, mỗi năm đem lại trên 150 triệu đồng”.

Ngoài cho lợn ăn cám, ngô… thông thường, ông Văn còn chế biến cám chăn nuôi dạng viên. Nguyên liệu chế biến cám dạng viên bao gồm: ngô, thóc, cua, ốc, cá, xương… trộn đều, sau đó cho vào máy ép cám, chỉ gần 1 phút đã tạo thành những viên cám đều, đẹp mắt. Theo ông Văn, việc làm cám dạng viên có rất nhiều tác dụng như: bổ sung canxi, các loại chất khoáng, giúp lợn sinh trưởng và phát triển nhanh và tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Ông còn thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương khác; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh tại xã để áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình mình.

Ông tiến hành vệ sinh chuồng trại sạch sẽ một ngày 2 lần vào sáng, chiều; đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng 1 tháng/lần. Cùng với đó, thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, dịch tả lợn Châu Phi… cho đàn lợn.

Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông còn chăn nuôi gà, chim bồ câu. Giống bồ câu ông nuôi hiện nay là giống bồ câu ta, theo ông Văn loại này rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, đều, ít bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Gia đình ông nuôi trung bình từ 40 - 50 đôi chim bồ câu, bán ra thị trường với giá dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/đôi, mỗi tháng xuất bán 15 - 20 đôi, góp phần nâng cao thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon đánh giá: “Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Đức Văn ở bản Bản Hon là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Nhiều năm liền gia đình ông là hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Bà con trong xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình ông Văn để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập cao, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương”.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã đem lại nguồn thu nhập cao cho ông Nguyễn Đức Văn. Với cách chăn nuôi khoa học, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, tin chắc rằng mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Đức Văn sẽ ngày một phát triển.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...