Thứ hai, 29/04/2024, 04:48 [GMT+7]

Đền thờ vua Lê Lợi - điểm đến hấp dẫn đầu xuân mới

Thứ bảy, 24/02/2024 - 13:41'
(BLC) - Đền thờ vua Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) - một điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến Lai Châu. Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đền mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất nơi núi rừng Tây Bắc.

Những ngày này, Đền thờ vua Lê Lợi được bao phủ bởi những nhành ban trắng đang nở hoa rực rỡ, cây cối sinh sôi nảy nở báo hiệu mùa xuân ấm no đang về. Trong những năm qua, ngôi đền đã đón hằng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Điểm hấp dẫn đối với du khách đó là không chỉ là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, mà nơi đây còn lưu giữ bảo vật Quốc gia Bia vua Lê Thái Tổ - Bia cổ hoài lai.

Bảo vật quốc gia Bia cổ Hoài Lai tại Đền thờ Vua Lê Lợi (Vua Lê Thái Tổ).

Bảo vật quốc gia Bia cổ hoài lai tại Đền thờ vua Lê Lợi .

Ngược dòng lịch sử, sau khi đánh giặc Minh (1418-1428), Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt đồng thời bắt tay vào xây dựng một triều đại phong kiến hưng thịnh. Lê Lợi rất chú trọng việc lập pháp và chủ trương việc phòng thủ quốc gia một cách tích cực. Nhà nước Lê sơ đã xác định miền Tây Bắc thực sự là vùng biên ải quan trọng của lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên vào năm 1431 tù trưởng Đèo Cát Hãn quên ân bội nghĩa, làm phản. Do đó, Lê Thái Tổ đã thân chinh đem quân ngược sông Đà bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn.

Nghi lễ rước tượng Vua Lê Lợi được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm đã thu hút nhiều du khách tham gia.

Nghi lễ rước tượng vua Lê Lợi được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm thu hút nhiều du khách tham gia.

Nghi lễ dâng lễ trong lễ hội hàng năm tại Đền thờ Vua Lê Lợi.

Nghi lễ dâng lễ trong lễ hội hằng năm tại Đền thờ vua Lê Lợi.

Sau khi dẹp yên phản tặc vùng Tây Bắc trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc, tháng Chạp năm Tân Hợi - 1431 vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá bài văn bia ghi nhớ sự kiện này. Văn bia được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau (sử cũ gọi là Bia cổ hoài lai).

Bảo vật Quốc gia gia Bia vua Lê Thái Tổ - Bia cổ hoài lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 5 năm 2016 tại Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009 văn bia đã được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ tạo thành khối đá lớn có trọng lượng trên 15 tấn. Năm 2012, văn bia được di chuyển đến vị trí hiện nay cách vị trí cũ 500m.

Du khách dâng hương dịp xuân tại đền.

Du khách dâng hương dịp đầu xuân năm mới tại Đền.

Ông Vũ Phong Anh - thủ nhang tại Đền thờ vua Lê Lợi cho biết: "Trong những năm qua, bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn bảo vật quốc gia, hướng dẫn du khách đến thăm Đền. Bản thân tôi và các cán bộ Phòng Văn hóa và thông tin huyện Nậm Nhùn trực tiếp cùng người dân xã Lê Lợi phục dựng, thực hiện nghi thức dâng lễ tại Đền thờ. Từ đó, du khách đến nhiều hơn, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc cho người dân và thế hệ trẻ trên địa bàn".

Đến với Đền thờ vua Lê Lợi, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Vào những ngày đầu xuân, UBND huyện tổ chức lễ hội Đền thờ vua Lê Lợi, đây là sự kiện văn hóa quan trọng thể hiện sự tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nghĩa quân năm xưa. Đồng thời khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc góp phần giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức cũng là cơ hội để du khách trải nghiệm khi đến với Đền thờ vua Lê Lợi.

Cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ khu vực dãy núi Pú Đao, phía trên Đền thờ Vua Lê Lợi.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ khu vực dãy núi Pú Đao, phía trên Đền thờ vua Lê Lợi.

Anh Lê Văn Việt (du khách Hà Nội) chia sẻ, đã nhiều lần tôi đến thăm quan và trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên của huyện Nậm Nhùn. Lần nào tới đây tôi cũng ghé thăm Đền thờ vua Lê Lợi bởi muốn được nhìn thấy Bia cổ hoài lai, được dâng hương tưởng nhớ những người đã có công giải phóng Tây Bắc. Trong tương lai tôi sẽ còn quay lại và rủ thêm bạn bè để nhiều người có những trải nghiệm giống như tôi.

Nhắc đến khu di tích Đền thờ vua Lê Lợi và các khu vực lân cận, điều khiến nhiều du khách ấn tượng chính là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của sông, núi nơi đây. Điển hình như chính phục đỉnh núi Pú Đao (xã Pú Đao) được nhiều nhóm du khách trong và ngoài nước yêu thích, bởi nơi đây được ví là “Nóc nhà của người Mông”, là nơi ngắm bình minh đẹp nhất, nhì vùng Tây Bắc. Cùng với những cánh rừng nguyên sinh, những bản làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, xã Pú Đao có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái.

Đứng trên đỉnh núi Pú Đao cao hơn 1.600m, ngoài ngắm cảnh bình minh, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cảnh núi non và con sông Đà hùng vĩ. Khám phá những nét đẹp của huyện Nậm Nhùn bằng đường thủy là việc không thể bỏ qua khi du khách đến thăm huyện. Trên tuyến du ngoạn bằng đường thủy du khách được khám phá lòng hồ Thủy điện Sơn La, Lai Châu, tham quan các bản làng mang nét đặc trưng của 11 dân tộc bản địa như: Thái, Mông, Cống, Mảng... Bên cạnh đó, huyện Nậm Nhùn còn có Nhà máy Thủy điện Lai Châu (công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á). Hồ thủy điện rộng lớn nơi sinh sống của nhiều loại cá đặc sản, cùng hàng trăm lồng nuôi cá của bà con địa phương sẽ là điểm tham quan lý tưởng cho du khách.

Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Đền thờ vua Lê Lợi được huyện đặc biệt quan tâm đầu tư bảo vệ, bảo tồn nhằm phát triển du lịch của huyện trong hiện tại cũng như lâu dài. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về di tích Đền thờ vua Lê Lợi cũng như giá trị sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện. Tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và cộng đồng trong việc bảo vệ khu vực Đền thờ, cảnh quan thiên nhiên của huyện. Tạo thành quần thể thống nhất trong phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào những dự án du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Với sự quan tâm đầu tư của huyện, cùng sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây, Đền thờ vua Lê Lợi đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhất là những ngày đầu xuân mới. 

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...