Thứ tư, 24/04/2024, 16:03 [GMT+7]

Người lưu giữ văn hóa Dao Khâu

Thứ năm, 22/12/2022 - 16:54'
(BLC) - Trước sự biến đổi không ngừng của xã hội, việc các dân tộc dễ bị mất đi bản sắc văn hóa truyền thống, hòa tan với các nền văn hóa khác là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, nét độc đáo và bản sắc văn hóa của người Dao trên cao nguyên Sìn Hồ hầu như vẫn được lưu giữ vẹn nguyên, trong ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân ưu tú Tẩn Kim Phu ở khu 6 (thị trấn Sìn Hồ) - người có công nghiên cứu, bảo tồn nền văn hóa đặc sắc này.

Người Dao trên cao nguyên Sìn Hồ có lịch sử, văn hóa tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, phong phú được lưu truyền từ trăm năm trước. Kho tàng kiến thức đồ sộ ấy được cất giữ qua tư liệu lịch sử, chữ viết, ca dao... và đặc biệt là hệ thống lễ, hội luôn được duy trì trong cộng đồng. Dành hơn 20 năm nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới thế hệ trẻ. Ông Tẩn Kim Phu - người đặc biệt am hiểu về văn hoá dân tộc Dao (nghệ nhân ưu tú cuối cùng còn đọc, hiểu được sách cổ của người Dao trên vùng cao Sìn Hồ) vẫn đang nỗ lực quảng bá nét độc đáo của văn hóa Dao tới cộng đồng.

Nghệ nhân ưu tú Tẩn Kim Phu say mê sưu tầm, biên dịch những bản thảo cổ sang song ngữ.

Ở Sìn Hồ, hầu như mọi người đều biết đến ông Tẩn Kim Phu ở khu 6 (thị trấn Sìn Hồ), bởi ông không chỉ là người con ưu tú của dân tộc Dao mà còn là người truyền cảm hứng đến mọi người về nét đặc sắc trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Sinh năm 1938, tuy sức khỏe đã yếu, mắt đã mờ dần theo thời gian nhưng mỗi ngày ông vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy về văn hóa của đồng bào cho thế hệ trẻ.

Trong căn nhà xây có tuổi đời trên 40 năm, nhiều mảng tường vôi đã bong. Mở cánh tủ búp phê, ông lần lượt lấy ra những bản thảo viết tay bằng chữ Nôm Dao. Đó là những tài liệu bao năm ông dày công sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ. Tất cả những phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Dao xưa được ông “buộc” gọn trong cuốn sổ tay này. Đó là những ghi chép, những bản thảo vô cùng giá trị, với ông nó là “báu vật”.

Vốn tính hiếu học, đặc biệt là ông rất mê những bài hát của đồng bào dân tộc Dao. Để biết được những bài hát cổ, bắt buộc phải thuộc chữ Dao, chính vì vậy, ông quyết học bằng được chữ Dao cổ. Nhiều lần được chứng kiến lễ cấp sắc, rước râu, lễ cúng thanh minh… Ông nhận ra rằng người dạy mình biết chữ, biết văn hoá Dao chỉ có các thầy tào, thầy mo, không ai am hiểu văn hóa địa phương và thạo chữ Dao cổ bằng họ và con đường thu lượm từng con chữ, từng câu chuyện của ông về văn hóa Dao chớp mắt đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Những người trẻ yêu thích tìm hiểu văn hóa Dao đều được ông tận tình chỉ dạy.

Tham gia cách mạng, ông là người lính phòng không không quân, sau năm 1975 đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về quê hương. Ngày ấy cả huyện Sìn Hồ chỉ có duy nhất một chiếc đài bán dẫn. Vốn là người am hiểu kỹ thuật vô tuyến, văn hoá... ông được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ hàng ngày mở đài phát thanh cho Nhân dân nghe. Thời đó, pin nghe đài hiếm, nguồn cung cấp chờ phân phối theo định mức nên đi đến đâu có pin là ông cố xin, hoặc mua bằng được để về phục vụ bà con nghe đài. Ông cũng thường xuyên phải thông dịch và giải thích để bà con hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng tới đồng bào.

Sau này, ông làm đến chức Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch UBND rồi Chủ tịch HĐND huyện, nhưng mỗi lần đi công tác ông vẫn không quên mang theo chiếc đài bán dẫn và cuốn tài liệu ghi chép chữ Dao cổ bên mình. Mãi đến năm 2001, khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian để nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc Dao.

Với tình yêu và vốn kiến thức uyên bác về văn hóa người Dao, ông Phu được Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu mời làm cố vấn xây dựng chương trình phát thanh tiếng Dao. Năm 2006, ông được mời làm kiểm thính chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là “cố vấn đặc biệt” của Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu, lớp biên dịch viên trẻ luôn được ông tận tình chỉ dạy.

Máy đánh chữ, băng cassette, giấy bản, mực tàu... là những vật dụng đã đi theo nghệ nhân ưu tú Tẩn Kim Phu nhiều năm.

Việc nghiên cứu sưu tầm văn hóa của đồng bào người Dao Sìn Hồ gặp không ít khó khăn. Bởi, chữ Dao cổ biến âm từ Hán tự cổ, nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Ông Phu lý giải: Đầu tiên phải học thuộc chữ Hán cổ (theo âm Hán) rồi mới biến âm thành tiếng Dao rất phức tạp.

Chính trong những chuyến tìm kiếm những giá trị văn hoá Dao cổ đang lưu truyền trong dân gian đã mở ra trước mắt ông cả một kho tàng văn hoá, ông cố gắng tận dụng khoảng thời gian quý báu khi tiếp xúc với các thầy mo, thầy tào... để lược ghi cơ bản nhất những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Dao. Biết bao câu chuyện về cuộc sống cũng như sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Dao được ông viết song ngữ để bà con dễ hiểu. Sau mỗi chuyến đi trở về, thành quả của ông là những cuốn sách quý về văn hoá người Dao Sìn Hồ cứ xếp dày lên theo thời gian.

Năm 2004, ông cho ra đời 2 tập sách mang tên “Chuyện cổ người Dao” kể về sự ra đời, nguồn gốc của loài người và đặc biệt là sự ra đời của người Dao cũng như nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hàng ngày giữa con người với tự nhiên. Rồi những cuốn sách về văn hóa Dao như: “Chuyện thơ người Dao Khâu, tập 1, tập 2; Nghi lễ trong việc cưới, việc tang của người Dao Khâu; Những lời răn dạy đạo đức...”.

Đến nay, ông đã có gần mười đầu sách, thơ, phong tục văn hóa bằng tiếng Dao được xuất bản. Điển hình như cuốn “Truyện thơ người Dao Khâu ở Sìn Hồ - Lai Châu” xuất bản năm 2015. Xuyên suốt bộ sách là những câu chuyện, bài thơ nói về lịch sử hình thành dân tộc Dao Khâu, những nét đẹp truyền thống trong văn hóa lễ hội, phong tục truyền thống. Với những cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Dao, năm 2015 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu (nghệ nhân ưu tú) vì những cống hiến của mình cho cộng đồng.

Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi lần có lễ hội hay có người đến tìm ông làm “cố vấn” về văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao, ông vẫn nhiệt tình chỉ dẫn chẳng quản xa gần nắng mưa.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...