Thứ ba, 19/03/2024, 09:51 [GMT+7]

Những chiếc bể “khát nước”

Thứ sáu, 18/09/2020 - 14:49'
Từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước, huyện Than Uyên đã đầu tư hỗ trợ xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (CNSH) mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua thời gian nhiều công trình xuống cấp, mặc dù huyện bổ sung kinh phí nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn còn đó đập đầu mối ách tắc, đường ống hư hỏng, nhiều chiếc bể rêu mốc, khô cạn vì không có nước.

Thực trạng chung

Đưa chúng tôi đi xem công trình CNSH, anh Lò Văn Tiên - Trưởng bản Mớ (xã Phúc Than) không khỏi xót xa trước hàng loạt bể chứa nước từ lâu không còn hoạt động. Hầu hết bể nước rơi vào tình trạng bỏ hoang lâu, rêu mốc, không vòi nước, cạn trơ đáy, đầy rác. Bể nào có ít nước thì đục ngầu không sử dụng được; các ống dẫn nước về mỗi hộ cũng không còn. Nguyên nhân chủ yếu là đập đầu mối, ống dẫn đã hỏng lâu. Do thuộc bản tái định cư, bà con được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường nước sinh hoạt (NSH) và cứ 4 hộ thì chung một bể nước. Tuy nhiên, gần 10 năm sinh sống trên vùng đất mới đồng nghĩa với công trình CNSH cũng bị xuống cấp. Người dân chung nhau bỏ hàng chục triệu đồng mua ống dẫn nước từ phía đầu nguồn, thậm chí mỗi hộ phải xây riêng cho mình bể chứa nước.

Chị Lò Thị Nọi (bản Mớ) nhà ngay cạnh bể nước được Nhà nước đầu tư giờ không sử dụng được. Chỉ tay vào bể nước chị Nọi ngán ngẩm: “Bể nước lâu không có nước chảy vào nên đành bỏ phí; nhiều lần thiếu nước phải đi xin, đi lấy xa lắm. Thiếu gì chứ thiếu nước khổ lắm nên gia đình tôi phải đầu tư xây bể, mua ống dẫn nước về sử dụng tuy tốn kém nhưng có nước phục vụ sinh hoạt”.

Trưởng bản Mớ - Lò Văn Tiên chia sẻ: “Công trình nước đưa vào sử dụng từ năm 2011 cấp cho 116 hộ nhưng chỉ hoạt động được hơn 2 năm rồi không có nước chảy vào bể. Nhà tôi chung với một số anh em đầu tư khoảng 10 triệu đồng để dẫn nước cách 8km về. Mùa mưa thì dùng tạm nhưng nước hay bị đục do đầu nguồn, còn mùa khô (nhất là tháng 2 đến tháng 4 (không có nước sử dụng. Bản mong muốn được nâng cấp sửa chữa công trình này để sử dụng”.

Đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: “Các công trình trên địa bàn được xây dựng khá lâu, một số công trình phát huy hiệu quả nhưng có công trình đã xuống cấp, đập đầu mối, ống dẫn đều hư hỏng. Toàn xã có 15 công trình CNSH, trong đó 11 công trình còn hoạt động, 4 công trình hư hỏng không đủ nước. Xã tập trung các nguồn lực để khắc phục sửa chữa nhưng còn tại bản Mớ do xuống cấp nên xã đề nghị cấp trên nâng cấp. Trước mắt khuyến khích bà con đến vị trí cũ lấy nước hoặc chia sẻ nước với nhau”.

Bể chứa nước tại bản Mớ, xã Phúc Than (huyện Than Uyên) rêu mốc, hỏng, không có nước.

Nhiều nguyên nhân

Từ các nguồn vốn chương trình, dự án như: 30a/CP, 134/CP, 135/CP, trái phiếu Chính phủ, tái định cư… trên địa bàn huyện Than Uyên có 110 công trình CNSH xây dựng từ những năm 2010 với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhiều công trình mang lại hiệu quả nhưng có công trình không phát huy mục đích đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn đưa vào khai thác đã xuống cấp nhanh, hư hỏng, ngừng hoạt động. Điển hình xã Khoen On có 8/11 công trình hỏng không còn khả năng phục vụ NSH cho Nhân dân hay công trình CNSH bản Mỳ, xã Ta Gia có 150 hộ không được sử dụng NSH. Các hộ bỏ kinh phí không nhỏ tự mua ống nhựa mắc tạm từ mó nước không đảm bảo chất lượng, phần nào ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Tình trạng thiếu NSH vào mùa khô còn khá phổ biến ở một số hệ thống cấp nước tập trung nông thôn xã, thôn bản kể cả trụ sở xã Mường Kim, trường học ở 3 cấp tại xã Khoen On, Trạm Y tế xã Tà Hừa thiếu nước mùa khô.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các dự án đầu tư NSH, cơ quan điều hành dự án, đơn vị tư vấn chưa phối hợp với xã tổ chức họp dân để lấy ý kiến cũng như đề nghị cam kết không đắp chặn dòng lấy nước trên khu cửa thu, khoan, đục, phá hỏng bể nước, bể áp lực, đường ống ảnh hưởng làm giảm lưu lượng nước của công trình. Công tác thu thập số liệu thủy văn để xác định mực nước, dòng chảy, lượng nước mùa kiệt chưa được tính toán nên ảnh hưởng hiệu quả, tuổi thọ công trình CNSH như: Nà Hày (xã Mường Kim), bản On (xã Khoen On), Nà Ban (xã Hua Nà), Pá Khôm (xã Pha Mu). Trong đó, công trình nước Pá Khôm thực hiện năm 2018 nguồn nước không đảm bảo đủ nước cấp cho vùng dự án nhưng vẫn thiết kế, thi công, giải ngân thanh quyết toán trong khi dự án không hoạt động.

Việc thiết kế vị trí đầu mối, cửa thu nước của đơn vị tư vấn không phù hợp với quy mô (dân số, số hộ sử dụng NSH) ở một số công trình đầu tư trước đó. Dẫn đến phải nâng cấp đầu mối thu nước cũ và chuyển vị trí mới nhiều lần lên khu vực thượng nguồn gây lãng phí đầu tư. Ví dụ như công trình nước sinh hoạt: bản Mỳ, Co Cai, bản Nam, Xá Cuông 2 (xã Ta Gia); Pom Bó, Phiêng Cẩm A - B (xã Mường Cang); Nà Hày, bản Vi (xã Mường Kim)…

Giải pháp nào?

Ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Thực tế có công trình khi đầu tư đến nay không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình khảo sát nguồn nước chưa sát, thiên tai mưa lũ ảnh hưởng, ý thức bộ phận bà con trong quản lý, vận hành, bảo vệ chưa được chú trọng. Khắc phục việc này, huyện lồng ghép các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tham mưu cho tỉnh bổ sung kinh phí nâng cấp, sửa chữa, làm mới công trình CNSH đảm bảo cho bà con sử dụng; thí điểm mô hình giếng khoan ở các xã vùng cao. Lựa chọn nhà thầu có năng lực để thi công. Tuyên truyền, vận động bà con quản lý, khai thác, sử dụng tốt các công trình nước”.

Toàn huyện có 110 công trình CNSH (53 công trình còn hoạt động, 57 công trình hư hỏng); từ năm 2017 đến tháng 8/2020, huyện nâng cấp, sửa chữa 84 dự án CNSH với tổng số tiền 41,573 tỷ đồng; có 4.529 hộ với 16.712 nhân khẩu được hưởng lợi từ dự án. Thành lập Ban Quản lý công trình NSH cấp xã và tổ tự quản ở bản để bảo vệ, vận hành khai thác công trình CNSH. Tuy nhiên, việc chủ động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các công trình nước bằng sự đóng góp của Nhân dân (công lao động, quỹ) còn hạn chế…

Mặc dù hiện nay trên địa bàn huyện Than Uyên có 100% hộ dân khu vực đô thị được dùng nước sạch, 100% dân số nông thôn được dùng NSH hợp vệ sinh nhưng ở một số nơi nhiều chiếc bể vẫn đang trong tình trạng “khát nước”, công trình cấp nước xuống cấp. Thiết nghĩ, ngoài việc đầu tư nâng cấp, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ đảm bảo nguồn nước phục vụ cho chính mình.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...