

Chị Tòng Thị Lải ở bản Cáp Na, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên se sợi.
Khi mùa vụ đã hoàn thành, khi đến bất kể bản làng nào của đồng bào Thái chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của các bà, các mẹ, các chị say sưa bên khung cửi se sợi, dệt vải. Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp đến bản Cáp Na 2, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tìm vào nhà chị Tòng Thị Lải – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Bà Lải cho biết, sở dĩ phụ nữ Thái hầu hết từ tấm bé đã được bà, mẹ truyền dậy cho cách trồng bông, se sợi, dệt vải, thêu hoa văn thổ cẩm là bởi nếp sống xưa cho rằng biết làm vải thì mới là phụ nữ, bằng không thì cho dù người phụ nữ đó dù có chăm chỉ mọi việc khác đến đâu, cũng bị cho là chây lười. Thế nên người Thái quan niệm, cái nết của người đẹp đó là:“... Vui làm vui ăn. Vui quay xa thành sợi. Vui kéo sợi ươm tơ...”; “sấp đôi tay đã thành hoa văn, ngửa bàn tay đã thành hoa lá”.
Nếu như người Mông, người Hà Nhì trồng lanh thì người Thái chọn trồng bông để dệt vải. Hầu hết các loại vải và quần áo của người Thái đều được dệt từ sợi bông, do đó việc trồng bông là không thể thiếu. Quá trình trồng bông và chế biến sợi khoảng từ 2 -3 tháng. Bông sau khi thu hoạch về thì phơi khoảng 1- 2 ngày cho khô rồi dùng 2 thanh gỗ cán, ép quả bông lại cho tách vỏ bông ra khỏi sợi bông bên trong. Hạt bông được giữ lại, chọn lọc cất cẩn thận để gieo cho vụ mùa năm tới. Sợi bông được tách ra sẽ được đưa vào máy bật bông cho tơi xốp, sau đó bông được cuốn thành những con bông.
Ngoài ra, bà con còn nuôi tằm để kéo kén lấy tơ. Khi kéo tơ, bà con đun một nồi nước to và luôn để trên bếp, giữ ở tình trạng sôi lăn tăn, thả từng nắm kén vào nồi, xâu sợi tơ qua lồng quay tơ, quấn vào khung để tạo thành bó tơ. Tơ tằm là rất dai, bóng và đẹp vì thế, vải tơ tằm thường được dùng trong nghi lễ của người Thái hoặc làm quà biếu, tặng có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vải thô sau khi dệt có hai màu tự nhiên là màu trắng và màu nâu nhạt. Để có màu vải như ý cũng như tạo độ bền cho vải bà con thường nhuộm chàm. Trước đây trên nương, người Thái thường giành một mảnh trồng chàm. Ngoài lá chàm, người Thái còn trồng cây “hóm” để nhuộm vải. Bên cạnh đó còn dùng nhiều cây rừng khác để nhuộm tạo ra các sản phẩm có màu sắc khác nhau như: Cây “co phang” nhuộm màu đỏ, cây “co hem”, cây “pui” nhuộm màu vàng; cây “xét” tạo màu da cam, củ nâu ngâm với chàm tạo màu đen nâu.
Ở một số nơi, phụ nữ Thái còn pha màu đỏ từ cánh kiến, màu vàng từ nghệ, màu vàng cam từ cây “xồm pu”. Từ những màu này người Thái tự pha ra các màu khác như tím, xanh. Mỗi màu lại có ý nghĩa riêng: màu trắng tượng trưng cho trời; Màu đen tượng trưng cho đất; Màu đỏ tượng trưng cho lửa, mặt trời; Màu vàng tượng trưng cho mặt trăng; Màu xanh chàm tượng trưng cho sự sống, vạn vật. Người Thái cũng có một số kiêng kỵ trong nhuộm chàm, chẳng hạn kiêng phụ nữ mang thai khấy nồi chàm, kiêng người lạ ngó nhìn chum chàm của họ.
Theo chị Đèo Thị Hạnh – ở thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ thì để tạo hoa văn trên các mảnh vải cần có sự sáng tạo của khối óc và sự khéo léo của đôi bàn tay, bởi nếu chỉ tạo hình khối thì rất đơn giản nhưng để thành sản phẩm thổ cẩm đẹp thì phải cài hoa văn bằng các sợi màu đã được chuẩn bị qua các thao tác cài, đan trực tiếp trên khung dệt. Hoa văn thổ cẩm dân tộc Thái rất đa dạng, với nhiều loại động vật, mặt trời, hoa lá, cây cỏ... được phối màu một cách hài hoà. Đặc biệt, việc bố trí sắp xếp vị trí các họa tiết hoa văn cũng phải theo thứ tự, gồm các hoa văn chính và hoa văn phụ điểm xuyết làm nổi bật hoa văn chính…
Từ tấm vải, bà con không chỉ tạo ra các sản phẩm để mặc mà còn tạo ra những sản phẩm liên quan đến ngủ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đệm Thái có hai loại là đệm nằm và đệm ngồi. Ga đệm được làm từ vải bông, là tấm vải dài hơn so với đệm nằm khoảng 5-10cm. Gối được nhồi bằng bông lau hoặc bông gạo còn vỏ gối được làm từ vải thô và vải thổ cẩm. Gối có hình hộp chữ nhật, hai đầu được thêu hoa văn rất ưa mắt. Màn của người Thái trước đây làm từ vải bông nhuộm chàm đen, kích thước của màn đủ để bao quanh cả chiếc đệm lớn, tùy thuộc vào đệm đơn hay đệm đôi mà làm màn cho phù hợp. Màn Thái được làm từ 5 tấm vải lớn màu đen, khâu lại với nhau để trùm lên chăn đệm khi người ngủ, để tránh muỗi và tạo ra những khoảng không gian riêng.
Quả “còn” dùng trong các lễ hội cũng là 1 trong những sản phẩm của nghề dệt thủ công của người Thái. Quả “còn” hình vuông to bằng nắm tay người lớn, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu sắc, khi bay tựa như rồng uốn lượn trên không gian trông thật vui mắt, thêm phần náo nhiệt trong các ngày hội. Đặc biệt là, thổ cẩm của người Thái với những họa tiết hoa văn phong phú, độc đáo đã chiếm được cảm tình của bất kỳ ai khi tiếp cận.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có một số hợp tác xã: Hợp tác xã dệt may thổ cẩm Mường Cang ở huyện Than Uyên, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Trường Sinh ở huyện Phong Thổ đã và đang hoạt động có hiệu quả. Các sản phẩm được tạo ra rất đa dạng như: đệm nằm, đệm ngồi, gối tựa, ga trải giường, túi, khăn, quần, áo, váy thổ cẩm, đai lưng, túi các loại phù hợp với thị trường, từng bước tạo được uy tín đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Cũng theo chị Tòng Thị Lải thì để dệt vải phải mất nhiều tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn mới se được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Do mất nhiều thời gian như vậy, nên hiện nay, hầu như người Thái không trồng bông, trồng dâu nuôi tằm để dệt vải nữa mà mua sợi về dệt. Công nghệ nhuộm hiện đại với các sản phẩm vải nhiều màu sắc đã lấn át nghề nhuộm truyền thống. Tuy nhiên, giữ được nghề dệt thổ cẩm không chỉ giữ được những nét văn hoá cổ truyền của người Thái mà chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất thổ cẩm hàng hóa và đồ lưu niệm. Đây vừa là nguồn thu nhập đáng kể cho bà con lúc nông nhàn vừa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Tin đọc nhiều

Lễ hội Trà huyện Tân Uyên lần thứ II năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày (24 - 25/5)

Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật

Chống mê tín dị đoan: Đừng đợi đến lúc không còn cơ hội

Kỳ 2: “Ánh sáng” từ một nghị quyết
Sâu lắng vở kịch “Con đò của mẹ”

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè









