

Dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu sinh sống chủ yếu ở các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, với 3 nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì Lạ Mí, Hà Nhì đen. Theo phong tục của người Hà Nhì, con gái Hà Nhì không biết dệt vải may quần áo thì không đủ tiêu chuẩn để lấy chồng. Chính vì vậy, khi về nhà chồng mỗi cô dâu Hà Nhì thường có tới 2-3 bộ quần áo mới, vừa để sử dụng vừa thể hiện sự đảm đang, nết chịu thương chịu khó.
Nhờ lưu giữ được nghề dệt nên hiện nay phần lớn chị em phụ nữ Hà Nhì ở Lai Châu vẫn sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Theo nghệ nhân Lý Truỳ Chờ, bản Nậm Thú, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè thì, hàng năm cứ vào khoảng tháng 2-3 âm lịch bà con bắt đầu trồng bông, đến tháng 5-6 là được thu hoạch. Bông được trồng ở nương dốc và nương bằng hoặc trồng ở đất pha cát đá thì sợi bông bền, chắc. Vì vậy, vải do đồng bào Hà Nhì dệt ra thường rất bền, một phần do chất liệu cây bông, một phần do kỹ thuật dệt được nhuộm chàm nhiều lần.
Được tận mắt chứng kiến từng khâu dệt vải mới thấy những người phụ nữ nơi đây đã phải kỳ công như thế nào để làm nên những tấm vải đẹp và độc đáo. Đầu tiên, bông thu về từ trên nương phải phơi từ 1-2 nắng. Sau đó tách hạt, bật bông cho sợi bông lên và trắng; sau đó cuốn sợi và kéo sợi cho thành chỉ, quay xa sợi, đưa vào khung dệt dệt thành vải tấm có chiều rộng 20-30 cm tuỳ theo người làm. Nói thì dễ nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi người phụ nữ phải nhanh tay, tinh mắt nhưng hết sức tỉ mẩn, khéo léo tạo sợi, rồi mới dệt thành vải.
Theo kinh nghiệm của các bà, các mẹ, để dệt được những tấm vải lụa bền đẹp, trước khi đưa vào khung dệt thì người làm đem luộc cuộn chỉ trong nước sôi có pha một ít cám ngô hoặc cám gạo. Luộc chỉ xong đem đập rửa sạch rồi phơi khô, dệt thành tấm đem nhuộm chàm. Muốn được màu chàm đen như ý người làm phải có kinh nghiệm, ngâm nhuộm 7-8 lần nước chàm phơi khô bằng gió trời, rồi từ đó may trang phục quần áo, khăn đầu, mũ, túi đeo, gối đầu…
Cùng với dệt vải, nghệ thuật tạo hình và trang trí hoa văn trên trang phục của người Hà Nhì cũng đòi hỏi sự công phu và con mắt thẩm mỹ của mỗi người. Để trang trí hoa văn người phụ nữ Hà Nhì dùng kim thêu các loại chỉ màu tạo hình trên trang phục. Các mẫu hoa văn có vẻ đẹp tự nhiên mang hình dánh các dụng cụ lao động như búa liềm, quả trám, chiêng trống… gắn với cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, thêu hình hoa văn không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp cho trang phục mà còn để phân biệt với các dân tộc khác.
Bà Pờ Mì La ở bản Nậm Hạ A, xã Kan Hồ đã hơn 60 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt bên khung cửi, vừa dệt bà vừa kể cho chúng tôi nghe: Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cho cách xe sợi bông và dệt vải rồi từ đó khâu thành những chiếc mũ đội đầu, trang phục mặc hàng ngày… Mẹ luôn nhắc tôi, con gái phải biết dệt vải thì mới có người thương, có nhiều vải thì mới được coi là giỏi giang, chăm chỉ và được mọi người quý mến. Bây giờ dù đã nhiều tuổi rồi, nhưng những lúc rảnh rỗi tôi vẫn dệt vải may quần áo cho các cháu và cũng để lưu giữ trang phục của dân tộc mình”.
Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc vốn có của các dân tộc, trong đó có văn hóa dân tộc Hà Nhì. Ngành văn hoá cũng mở nhiều cuộc sưu tầm, nghiên cứu, nhất là tổ chức “Ngày hội văn hoá các dân tộc” tại huyện, cụm xã tạo điều kiện để dân tộc Hà Nhì khôi phục lại các giá trị văn hoá về tập quán, ẩm thực, trang phục, chò trơi dân gian... Chính vì thế, sau nhiều thăng trầm, đến nay người Hà Nhì vẫn giữ được bản sắc riêng của mình nhất là trang phục của phụ nữ Hà Nhì. Bất cứ lúc nào, nơi đâu cứ rảnh rỗi là họ lại thêu, dệt nhiều khi làm đến tận đêm khuya để mỗi dịp lễ hội, cưới xin họ đều có một bộ quần áo mới để mặc như để tôn vinh niềm tự hào, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao









