Thứ sáu, 10/05/2024, 09:31 [GMT+7]

Đôi điều suy ngẫm về vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 08/02/2012 - 21:07'
(BLC) - Theo kế hoạch đến năm 2015 tỉnh ta phải có 15% số xã trên địa bàn cơ bản đạt 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) và đến năm 2020 tỷ lệ đó phải là 40%. Thực tế thì đây là nhiệm vụ rất khó, tuy nhiên nếu người dân hiểu, ủng hộ thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.  

Nhận thức của người dân về nông thôn mới

Trong tất cả các buổi làm việc của chúng tôi với các cơ quan chuyên môn phụ trách nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh, huyện đều nhận được một đánh giá là người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về chương trình này. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng đây là chương trình đầu tư của Nhà nước giống như bao chương trình trước đây. Bởi lẽ đó nhiều người cho rằng mình không có trách nhiệm, không tham gia chương trình. Không những thế, tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước ở đâu đó, trong người dân và thậm chí một vài cán bộ cơ sở vẫn còn và cho rằng NTM là chương trình của Nhà nước làm cho người dân và người dân chỉ việc chờ và… hưởng thụ.

Ông Bùi Văn Mác - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phụ trách mảng xây dựng NTM của Sở nhận định: “Nhiều nơi tuy cán bộ xã đã nắm được tinh thần của chương trình xây dựng NTM nhưng đối với người dân, những thông tin này còn tương đối hạn chế. Theo như kiểm tra thực tế thì hầu hết ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhận thức của người dân về nhiệm vụ này dường như là con số không. Thậm chí nhiều nơi người dân sẵn sàng đứng chắn đường máy xúc, máy ủi đòi bồi thường vì làm đường giao thông của chương trình đi qua phần đất của họ…”.

Tất cả mọi khó khăn đều đổ lỗi cho người dân thì quả là hàm hồ bởi ông Đào Ngọc Hưởng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh về xây dựng NTM) còn cho rằng: “Thậm chí còn có một vài lãnh đạo cấp xã, thành viên ban phát triển, ban chỉ đạo, ban kiểm tra cơ sở còn “lơ mơ” trong nhiều nhiệm vụ, tiêu chí. Tất nhiên con số không nhiều và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tiếp tục tập huấn để các “đầu tầu” này nhận thức đầy đủ về NTM”.

Về điều này, nhiều cán bộ chuyên môn phụ trách nội dung này cũng cho rằng việc người dân cũng như cán bộ còn chưa hiểu sâu, thấu đáo về con đường, chương trình, nhiệm vụ xây dựng NTM cũng dễ hiểu bởi có nhiều tiêu chí, nhiệm vụ, các hướng dẫn, định hướng của cấp trên, các đơn vị liên quan cũng còn chưa thật sự rõ ràng.

Vai trò làm chủ của người dân

Xây dựng NTM là chương trình hướng tới mục tiêu làm chuyển biến sâu sắc cả “chất” và “lượng” ở nông thôn. Tất nhiên chương trình này lấy người dân làm trung tâm cả trong xây dựng lẫn hưởng thụ bởi vậy tính tự giác phải đặt hàng đầu. Ở tỉnh ta, do người dân còn chưa nhận thức đầy đủ, hơn nữa đây lại là một nhiệm vụ mới và lớn nên sự tham gia với vai trò là chủ thể của người dân vào chương trình xây dựng NTM chưa nhiều.

Theo tinh thần của chương trình xây dựng NTM thì Nhà nước sẽ đầu tư 7 chương trình như xây dựng các công trình hạ tầng xã hội công cộng (trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học…) sẽ có 8 công trình Nhà nước hỗ trợ còn lại phải tập trung dựa và sức dân. Trong chương trình lớn này Nhà nước chỉ giữ vai trò là người “kích cầu”.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây thường xuyên đăng tải những điển hình trong xây dựng NTM khắp nơi trong cả nước. Ở đâu ta cũng thấy vai trò rất to lớn của người dân mà cụ thể là nông dân. Đó có thể là những tấm gương tự tháo dỡ tường rào, hiến đất để cùng xây dựng NTM. Đó còn là việc người dân tự thiết kế, tự thi công những con đường liên thôn, liên bản, những kênh dẫn nước, mương phai về phục vụ đồng lúa quê mình. Cũng có thể là những tấm gương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp hoặc kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và vận động người khác tham gia… Vai trò của người dân: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được đề cao hơn lúc nào hết bởi tất cả vì mục tiêu: để nhân dân hưởng thụ.

Ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường), người dân đã tự khai thác cát ở suối về để đổ bêtông đường liên bản. Được sự ủng hộ của Nhà nước, các ngành nghề thủ công truyền thống như: dệt, rèn đúc, làm miến dong… lại nở rộ trở lại góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn (giảm thiểu lao động trực tiếp trong nông nghiệp từ hơn 60% xuống dưới 45%). Bây giờ những người già, trưởng bản ngoài đôn đốc con cháu làm ăn còn tích cực tham gia vận động học sinh không bỏ học, vận động nhân dân tăng cường cảnh giác, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm nhằm làm “trong sạch” địa bàn. Chính quyền xã cũng tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các đảng viên luôn là những người gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình… Con đường đi lên NTM của Bình Lư đang rộng mở và đầy hứa hẹn bởi có sự chung tay, đồng thuận cao từ người dân. Kết quả này có được từ sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương về NTM.

Ở Bình Lư, những con đường liên thôn, bản như thế này đã được chính người dân xây dựng bởi họ đã nhận thức được vai trò của mình trong xây dựng NTM

Khả năng thành công?

Người dân sẽ phải tự thiết kế, tự thi công nhiều công trình. Như vậy người dân cũng sẽ phải góp công, góp sức và có thể là tiền của để xây dựng nhiều công trình của thôn, bản để chính mình được hưởng thụ. Nếu tất cả người dân nhận thức được điều đó thì chương trình xây dựng NTM của tỉnh ta chắc sẽ viên mãn mà chẳng cần đến thời điểm cuối cùng. Muốn vậy người dân phải trở thành chủ thể, giữ vai trò trung tâm của chương trình này mà đầu tiên là phải nhận thức đầy đủ cả về trách nhiệm và quyền lợi của họ.

Tăng cường tuyên truyền đến người dân bằng nhiều kênh, nhiều hình thức, nhiều phương tiện để đồng bào hiểu, nhận thức sâu sắc về con đường đi đến mục tiêu dân giầu, bản đẹp. Trong nhiệm vụ này, vai trò của người có uy tín trong thôn bản đặc biệt quan trọng, nên chăng việc tổ chức tham quan, học hỏi ở những nơi đã thành công trong xây dựng NTM để chính những người đó trở thành tuyên truyền viên tích cực của chương trình.

Để người dân hiểu được rằng đây là chương trình dành cho mình và mình là người tự thiết kế, giám sát, thực hiện và hưởng thụ sẽ khuyến khích rất lớn người dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng NTM. Nếu làm được như vậy những tấm gương hiến đất làm đường, góp công, góp của xây dựng quê hương sẽ ngày càng nhiều. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh ta sẽ thành công, thậm chí về đích trước thời hạn nếu lòng dân đã thuận.

Quỳnh Như

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...