Thứ sáu, 10/05/2024, 07:21 [GMT+7]

Bản “Tỷ phú” vẫn nghèo

Thứ hai, 13/02/2012 - 15:05'
(BLC) - Bản “triệu phú” rồi “tỷ phú” vùng biên là cái tên mà nhiều người vẫn thường dùng để gọi bản U Ma xã biên giới Thu Lũm của huyện Mường Tè. Trên thực tế bản U Ma vẫn còn nghèo lắm, nghèo cả về vật chất lẫn sự học hành.

Lớp học mầm non của bản U Ma thường xuyên bị gió tốc mất mái.    

Bí thư Chi bộ bản U Ma - ông Tẩn Kiều hồ hởi lắm khi khoe về cái sự khá giả của bản mình, ông bảo: Nếu xét về mặt bằng trung trong toàn xã thì kinh tế của bản U Ma khá nhất. Tính toàn bản cũng có khoảng 40% số hộ khá giả,có hàng chục ngôi nhà khang trang, trong đó có đến 6 nhà 2 tầng được xây từ thập niên 90 của thế kỷ 20 mà người ta không tính hết được giá thành xây dựng; nhiều nhà có tivi, xe máy… Tiền từ đâu ra à! Toàn từ trên núi mà ra cả đấy. Hiện tại gia đình nào trong bản cũng trồng thảo quả. Tính cả diện tích cũ và trồng mới thì bản cũng có ngót trăm hécta. Hiện có khoảng 20% diện tích thảo quả đang cho thu hoạch và số hộ khá giả trong bản chính là những hộ có diện tích thảo quả đã cho thu hoạch…

Trong bản có rất nhiều ngôi nhà 2 tầng khang trang kiên cố như thế này.

Như để khẳng định lại cái sự hồ hởi của mình, ông Kiều lục tục lấy trong ngăn bàn ra một cuốn sổ ghi chép. Trong đó có thống kê hàng loạt những số liệu hoành tráng về diện tích thảo quả, diện tích lúa nước, tổng số đàn gia súc, số hộ có tivi, xe máy… của bản mình cho chúng tôi xem.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kiều thì số hộ khá giả trong bản cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn trên thực tế thì bản U Ma vẫn còn đến gần 60% số hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Có chăng cũng phải vài năm nữa khi toàn bộ diện tích thảo quả cho thu hoạch thì người dân ở U Ma mới thoát nghèo và khá lên được”.

Trẻ em ở U Ma về nhà sau giờ học.

Về cái nghèo vật chất thì ông Tần Kiều cũng không nhắc đến nhiều, song nhắc đến sự học của U Ma thì ông lại buông thững một câu và thở dài thườn thượt: “Nghèo lắm”! Sau câu nói đó, bao nhiều hồ hởi trên khuôn mặt ông khi khoe cái sự giàu của U Ma đều tan biến hết. Thay vào đó là nét mặt rầu rĩ với vẻ buồn rượi. Nào là bao năm nay, cả bản mới chỉ có duy nhất một học sinh cấp 3, nào là học sinh THCS đang học, kêu không thích là bỏ về; rồi thì học sinh tiểu học, mầm non sáng nào thầy cô cũng phải đi gọi mấy lượt, tìm mấy vòng quanh bản mới chịu ra lớp…

Cái lý do để không đến lớp của học trò ở đây cũng thật đơn giản, đơn giản như chính con người ở vùng đất “lưng trời” đầy sương gió này. Ngoài một số rất ít do điều kiện gia đình khó khăn còn lại là không thích học. Mà đã không thích học là không học, khuyên bảo kiểu gì cũng quyết tâm không học. Vậy là ở nhà trông em, theo người lớn đi nương làm ruộng, chăn trâu và trồng thảo quả…

Tẩn Đậu là một ví dụ. Là một học sinh có lực học khá, tuy nhiên học chưa xong cấp 2 Đậu đã bỏ học ở nhà lấy vợ. Lý do cũng đơn giản là không thích học, thấy thích cô gái cùng bản nên bỏ học ở nhà để cưới. Cưới rồi 2 vợ chồng dắt nhau lên nương trông ngô, lúa và làm thảo quả cùng bố mẹ. Chưa đầy 1 năm, do nhỏ tuổi, thiếu hiểủ biết, xích mích, cãi vã nhau, vợ Đậu bỏ sang bên kia biên giới lấy chồng khác. Đậu ở nhà lang thang làm thuê, vùi đầu vào chè chén...

Cũng như Tẩn Đậu, Tần Pính, Tần Điền, Tẩn A Luồn… cũng là những học sinh THCS có lực học khá. Thế nhưng chỉ với lý do không thích học nên bỏ. Gia đình khuyên, thầy cô động viên, bản vận động nhưng các em nhất quyết không trở lại trường. Riêng Tẩn A Luồn đã ra trường nội trú tỉnh học lớp 10 được mấy ngày, nhưng do không thích nên Luồn đã bỏ về theo bố mẹ đi nương.

Theo thống kê của thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thu Lũm – Trần Quang Cháng, bản U Ma có tổng số 33 em trong độ tuổi đến trường, trong đó hiện chỉ có 24 em đang theo học còn lại các em khác đang theo học thì bỏ, nhà trường đã đến vận động nhiều lần những các em vẫn không chịu đến trường.

Đó là với học sinh THCS, còn với học sinh tiểu học thì thầy Khoàng Xì Chừ - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Tỷ lệ chuyên cần chung của toàn trường đạt rất cao (98%), thế nhưng tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở bản U Ma thấp nhất cả xã; trung bình chỉ đạt khoảng trên 80%. Tính toàn trường thì chất lượng ở bản U Ma là kém nhất. Nguyên nhân cơ bản là do phụ huynh học sinh ít quan tâm, khi được hỏi họ đều trả lời: “Nó bảo không thích học nên tao cũng chẳng biết làm sao”.

Có lẽ ở sự học ở U Ma khá nhất là bậc học mầm non, 100% trẻ đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ chuyên cần cao. Tuy nhiên để có được như vậy thì mỗi ngày các giáo viên phải xuống bản gọi học sinh ít nhất 2 lần. Theo giải thích của các cô giáo mầm non ở đây thì tỷ lệ chuyên cần của học sinh mầm non khá hơn là bởi vì các em còn nhỏ, ít phải đi nương và phụ giúp gia đình. Mặc dù vậy thì ý thức tự giác đến trường của các em hầu như không có, bản thân phụ huynh của các em cũng chẳng mấy quan tâm đến việc đưa các em đến lớp…

Cũng chính vì cái lẽ trên mà ông Bí thư Chi bộ - Tần Kiểu tỏ ra ngao ngán khi nói về cái sự học ở đây. Khá thì có khá, những hộ khá thì chẳng thấm vào đâu, đổi lại chuyện con chữ thì lại nghèo quá mức. Ông bảo: Hiện bản đã có quy định cụ thể, gia đình nào có con bỏ học, không chịu đến trường thì bản sẽ không chi trả các loại tiền hỗ trợ và chế độ của nhà nước. Tuy nhiên quy định là vậy còn việc thực hiện thì chưa; trước mắt thì ông và trưởng bản Tần Kiều C đại diện cho chính quyền địa phương vẫn tiếp tục phối hợp với các thầy cô giáo để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Mong sao vài năm tới khi toàn bộ diện tích thảo quả của bản cho thu hoạch, dân bản thoát nghèo, chuyện học hành con chữ của bản cũng khá hơn, hết “nghèo”.

Cần sớm xây dựng phòng học mầm non cho bản U Ma

Bản U Ma có 2 lớp học mầm non với trên 30 học sinh. Do chưa được xây dựng phòng học nên thầy và trò nơi đây vẫn phải học trong những phòng học được quây bằng phên nứa lợp bạt. Bản U Ma nằm ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển nên mái của phòng học thường xuyên bị tốc bởi gió lớn.

Theo các thầy, cô giáo và người dân ở bản, từ đầu năm học 2011 – 2012 đến nay đã không biết bao nhiêu lần mái của lớp học bị gió tốc. Mỗi lần như vậy các cô giáo lại phải nhờ người dân và cácchiến sĩ biên phòng thuộc tổ công tác của Đồn Biên phòng Thu Lũm giúp sửa lại. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học.

Thiết nghĩ cần phải sớm xây dựng phòng học kiên cố cho bậc học mầm non của bản U Ma để thầy trò ở đây có được nơi học tập tốt và ổn định hơn.

 

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...