Thứ ba, 19/03/2024, 18:24 [GMT+7]

Cần sát cánh, đồng hành với thanh niên trên hành trình lập thân, lập nghiệp

Thứ năm, 25/05/2023 - 16:12'
(BLC) - Nhiều tấm gương thanh niên trên địa bàn huyện Tân Uyên tuổi còn trẻ song dám nghĩ, dám làm, không chùn bước trước khó khăn, thậm chí là thất bại. Và thực tế, họ đã tạo ra giá trị của cải lớn, làm giàu cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để họ vững tin làm chủ tương lai, cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là tổ chức Đoàn thanh niên (ĐTN) huyện cần sát cánh, đồng hành với thanh niên trên hành trình lập thân, lập nghiệp.

Sau 3 năm tôi mới có dịp trở lại thăm mô hình nuôi dúi của anh Đỗ Xuân Thắng (tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên). Khác nhiều so với ngày đầu lập nghiệp, giờ đây khu chuồng trại rộng 140m2 với sức chứa khoảng 1.000 con dúi đang hiện hữu trước mắt tôi. Cả một bầu trời nghị lực và ý chí của tuổi trẻ anh Thắng đã gửi gắm trong khu chăn nuôi này khi tôi chợt so sánh với những ngày đầu 2 vợ chồng anh từ bỏ chốn đô thành để về quê vun xới, ươm mầm cho ước vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Gặp tôi, nửa ngờ vực, nửa hy vọng, anh Thắng ngập ngừng: Như chị đã thấy, tôi lập nghiệp và trải qua không ít lần thất bại nhưng vì lỡ đam mê nuôi giống dúi này nên cố gắng theo đuổi cho đến cùng. Mới đầu chỉ có mấy chục chuồng nuôi nhưng nay thì chuồng trại đã thênh thang. Hiện giờ do nguồn vốn hạn hẹp nên tôi chỉ đủ khả năng nuôi khoảng 200 con dúi. Chưa có điều kiện nuôi thêm, nhưng ước mơ và dự định của tôi thì nhiều lắm. Tôi ước có thêm nhiều người cùng nuôi dúi để việc tiêu thụ sản phẩm có hệ thống, ổn định hơn. Tâm sự của anh cứ thế tuôn ra. Được nghe anh Thắng trải lòng, tôi hiểu, trên hành trình lập thân, lập nghiệp của người thanh niên nông thôn như anh phải trải qua nhiều khó khăn biết nhường nào.

Nuôi dúi là đam mê, là niềm tin ở phía trước trên hành trình lập thân lập nghiệp của anh Thắng.

Nuôi dúi là đam mê, là niềm tin ở phía trước trên hành trình lập thân lập nghiệp của anh Thắng.

Anh Thắng cho biết, để có vốn làm kinh tế, anh được tổ chức ĐTN ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách – Xã hội cho vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp. Quá trình anh chăn nuôi, đàn dúi sinh sôi, nảy nở, nhiều người biết đến, nhiều đoàn công tác của tỉnh, huyện đến thăm hỏi, động viên, tham quan và hứa sẽ giúp đỡ anh về nguồn vốn, kỹ thuật và nhiều mặt khác. Thế nhưng đến bây giờ nhìn lại, những lời hứa ấy vẫn chưa thành hiện thực. 

Bây giờ khó khăn lớn nhất không phải đầu ra cho sản phẩm dúi mà là nguồn vốn để đầu tư và sự quy tụ các hộ/nhóm hộ cùng sản xuất để tạo ra sự liên kết cùng tiêu thụ, cùng có lợi. Bằng kinh nghiệm có thâm niên chăm sóc loại dúi, anh Thắng sẵn sàng chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật nuôi để có thể cùng anh mở rộng đàn dúi. Ước mong là vậy, nhưng đề xuất với ai, như thế nào lại là cả một vấn đề đối với một đoàn viên thanh niên nông thôn có khát khao khởi nghiệp lớn như anh Thắng.

Lần theo kênh youtube có tên “Lò Sáng LC” và trang facebook cùng tên, tôi liên hệ và tìm gặp anh Lò Văn Sáng. Ngôi nhà sàn vững chãi nép mình dưới cánh rừng tại bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng của gia đình anh Sáng xung quanh là cây cối um tùm, vo ve tiếng ong bay. Năm nay 26 tuổi nhưng anh đã tự bắt ong rừng về thuần và nuôi được 8 năm. Hiện anh Sáng sở hữu 100 đàn ong, các thùng ong được đặt khắp vườn nhà, chân núi, mùa hoa đến ong lại kéo nhau đi kiếm mật và trở về thùng như về nhà.

Khi được hỏi, anh đã được các tổ chức đoàn thể nào hỗ trợ hay chưa? Anh Sáng lắc đầu, cười hiền lành đầy hy vọng: Những năm trước, mật vắt ra thì bán quanh năm, nhưng năm nay số lượng đàn ong ngày càng nhiều, nguồn mật dồi dào hơn nên tôi đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ mà chưa biết bắt đầu từ đâu.

Anh Sáng cũng cho biết thêm, từ khi lập nghiệp, cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào của bất cứ ai, tất cả đều từ đôi bàn tay khối óc của chàng trai thôn quê mới tốt nghiệp THCS. Anh còn nhanh nhạy tận dụng công nghệ số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Để cải thiện mẫu mã sản phẩm, anh Sáng in nhãn mác, sản xuất chai đựng mật ong với nhiều kích cỡ khác nhau. Đồng thời còn trồng thêm cây đu đủ đực để lấy hoa ngâm mật ong làm thuốc chữa bệnh, tạo ra sự phong phú đa dạng cho các sản phẩm mật ong của mình.

Hiện nay, anh Sáng đang tìm kiếm nguồn tiêu thụ khi nguồn mật ong anh đang sở hữu lên tớ hàng trăm lít.

Hiện nay, anh Sáng đang tìm kiếm nguồn tiêu thụ mật ong.

Ngoài những điển hình thanh niên lập thân lập nghiệp nói trên, chúng tôi còn biết đến đoàn viên Nguyễn Văn Chính ở bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa mà nhiều người vẫn gọi anh với cái tên thân thương: “Chính chè” khi sở hữu tới 3ha chè trong lúc tuổi đời chưa đến 30. Anh là một trong những “gương mặt sáng giá” trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp. “Chính chè” được mệnh danh là “ông chủ vườn chè OCOP trẻ nhất Lai Châu” khi có trong tay 1ha chè chế biến sâu và sử dụng phân bón sạch để tạo sản phẩm chè OCOP. Ngoài ra, anh còn sở hữu vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi nhiều người mơ ước.

Dù chưa có câu trả lời của các cấp bộ đoàn về những việc làm giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, song với thực tế về 3 tấm gương nêu trên, chúng tôi hiểu phần nào thực trạng hiện nay về sức, lực và tâm huyết với phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp tại huyện Tân Uyên. Thiết nghĩ, các cấp bộ đoàn cần quan tâm và có giải pháp đồng hành hỗ trợ đoàn viên thanh niên trên hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp để phong trào ngày càng lan tỏa, góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...