Thứ bảy, 20/04/2024, 16:58 [GMT+7]

Chuyển biến từ đào tạo nghề

Thứ ba, 24/11/2020 - 17:18'
Nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn là những mục tiêu trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lai Châu. Tỉnh coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Vè, xã Mường Mít chăm sóc cây bưởi da xanh.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Vè, xã Mường Mít chăm sóc cây bưởi da xanh.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Nhùn quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn điều tra, rà soát nhu cầu đào tạo nghề của người lao động ở từng vùng miền. Sau đó thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt. Bà Lại Thị Huế - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Nhùn cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, huyện mở được 39 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 1.200 học viên tham gia tập trung nghề: trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu; điện dân dụng, sửa chữa xe máy với hình thức đào tạo dưới 3 tháng. Sau khóa học, học viên nắm được kiến thức, áp dụng tốt vào công việc hàng ngày, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập”.

Ông Mào Văn Dũng (bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) chia sẻ: “Tham gia các lớp dạy nghề, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Tôi được hỗ trợ 70 cây giống xoài Đài Loan vào năm 2019, sau hơn 1 năm trồng cây xoài hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Hy vọng những cây xoài này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình và bà con trong bản”.

Huyện Sìn Hồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề. Chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Chị Giàng Thị Hoa (bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ) tâm sự: “Năm 2018, tôi được tham gia lớp học nghề trồng cây đương quy. Quá trình học, tôi được giảng viên hướng dẫn các kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây, phòng trừ sâu bệnh. Sau khi học xong, tôi áp dụng những kiến thức mình được học để trồng cây đương quy tại gia đình. Tôi thấy cây đương quy có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô từ 5-7 lần. Tôi đã vận động bà con trong bản cùng thực hiện và truyền đạt lại kiến thức đã học cùng phát triển cây đương quy, góp phần tăng thu nhập”.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề căn bản trong giải quyết tình trạng nghèo, tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề; xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nhà giáo cho các nghề trọng điểm. Gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong việc đặt hàng nhu cầu lao động; các cơ sở dạy nghề đã triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đào tạo được 32.168 lao động (trong đó: trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 31.465 lao động, trình độ cao đẳng, trung cấp là 703 lao động; đào tạo nghề phi nông nghiệp: 9.424 lao động, chiếm 29,3%; đào tạo nghề nông nghiệp: 22.744 lao động, chiếm 70,7%). Đồng thời, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động/năm, đưa 576 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Sở phối hợp các cơ quan liên quan, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là Đề án 1956. Đồng thời, tổ chức tư vấn học nghề đến tất cả các tầng lớp lao động ở cơ sở. Thường xuyên rà soát thực tế, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch liên kết đào tạo nghề. Khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Tập trung đào tạo, dạy các nghề: kỹ thuật lâm sinh, trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; dệt may, sửa chữa xe máy, điện tử…”.

Trong các hình thức đào tạo nghề tỉnh đưa ra hiện nay là các cơ sở đào tạo nghề ở mỗi địa phương tổ chức đào tạo lưu động tại các thôn, bản, khu dân cư. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học tại chỗ, học lý thuyết gắn với thực hành theo phương châm “cầm tay chỉ việc” với ngành nghề đào tạo sát thực tế. Bên cạnh đó, học viên còn được phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh; lồng ghép vào các mô hình khuyến nông nhằm tuyên truyền, nhân rộng hiệu quả, định hướng mô hình, nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ đó, giúp bà con áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô đầu tư để từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước làm giàu.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...