Thứ tư, 18/09/2024, 04:08 [GMT+7]

Gìn giữ và phát huy nét đẹp tinh hoa văn hoá người Hà Nội

Thứ hai, 05/08/2024 - 12:50'
(BLC) - Trà Sen Tây Hồ là thức uống thanh tao, mang đậm hương vị tinh tuý đặc trưng của Hà Nội; trở thành đặc sản trong văn hoá ẩm thực vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vì thế, từ bao đời nay, gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm ở phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) luôn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống ướp trà sen, góp phần đưa hương vị của loại đặc sản “thiên cổ đệ nhất trà” vươn cao, bay xa, mang tinh hoa văn hoá mảnh đất kinh kỳ đến với nhân dân các nước trên thế giới.

1

2

Gia đình chúng tôi làm nghề ướp trà sen đến nay đã được 7 đời với hơn 100 năm. Qua thời gian, nghề truyền thống của gia đình truyền từ đời này sang đời khác, luôn được con cháu nâng niu, trân trọng và gìn giữ. Bởi chúng tôi luôn tâm niệm, làm trà sen không chỉ vì mưu sinh mà hơn hết để lưu giữ nét đẹp văn hoá tinh tế của người Hà Nội - Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ.

3

Trong chuyến công tác tại Hà Nội, chúng tôi được chị Trương Tú Uyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ giới thiệu gia đình ông Ngô Văn Xiêm, bà Lưu Thị Hiền có truyền thống làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An. Trên đường di chuyển từ trung tâm quận đến nhà ông Xiêm, chị Uyên say sưa kể cho chúng tôi về trà sen - đặc sản của Tây Hồ, thức uống thanh tao mang đậm hương vị Hà Thành. Gia đình ông Xiêm, bà Hiền là một trong những hộ ít ỏi ở vùng đất này còn giữ được lửa nghề truyền thống.

Xe dừng ngay bên cạnh Hồ Tây thơ mộng giữa tiết trời mát mẻ, bốn bề xung quanh là hàng cây xanh tốt vừa được gột rửa sau cơn mưa rào. Cửa hàng trà sen Hiền Xiêm thu hút chúng tôi khi vừa bước xuống xe bằng những mẹt nhuỵ hoa sen vàng tươi phơi trước cửa.

3

Bên trong cửa hàng, chúng tôi như bị mê hoặc bởi hương sen thơm ngào ngạt. Đon đả tiếp chúng tôi ở phòng khách, bà Lưu Thị Hiền - Chủ cửa hàng ôm một bó sen tươi cắm vào bình, khiến không gian thêm đẹp và tươi mát. Những bình hoa sen hồng thắm được trang trí xung quanh phòng khách trông thật hấp dẫn.

55

Ghé thăm nơi ướp trà sen truyền thống của gia đình, chúng tôi gặp hình ảnh vô cùng đẹp mắt và ấn tượng. Đó là nghệ nhân Ngô Văn Xiêm đang dạy con dâu cách ướp trà sen. Xung quanh là những cánh sen hồng rực rỡ; mọi người trong gia đình, ai nấy đều tất bật với công việc của mình. Người sàng gạo, người tách gạo, người ướp trà sổi…

Chị Đinh Thị Hiền - con dâu ông Xiêm hồ hởi: 14 năm làm dâu của bố mẹ cũng là bấy nhiêu thời gian tôi được truyền dạy nghề. Tôi rất yêu, đam mê và trân quý nghề truyền thống của gia đình. Mỗi ngày trôi qua, tôi được dạy bảo tỉ mỉ và kỹ lưỡng để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng với nhu cầu của người thưởng trà.

66

Ngồi tách gạo sen, ông Xiêm vui mừng cho biết: Ngày cuối tuần sẽ đông vui hơn vì có thêm các cháu cùng làm. Nghề của gia đình nên chỉ truyền lại cho anh em con cháu trong nhà. Tôi nghe kể, trước đây, gia đình làm trà sen chủ yếu để uống dịp tết. Sau này khi các bà, các cô trong họ làm trà bán kiểu thương mại hoá; dần dần trà sen có chỗ đứng trên thị trường, gia đình tôi mới làm. Hiện tại, trong dòng họ, kể cả những người dân quanh khu vực Hồ Tây cũng ít người làm nghề này. Phải những ai thực sự tâm huyết, gắn bó mới trụ lại được với nghề truyền thống này. Tôi đã gắn bó với nghề 60 mùa sen nơi đây. Hiện nay, ngoài dạy các con, các cháu cách ướp trà sen theo bí quyết gia truyền, chúng tôi luôn nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình cần phải nâng niu và giữ nghề từ đời này sang đời khác.

Có lẽ vì thế, qua thời gian, nghề làm ướp trà sen được các thế hệ trong gia đình ông Xiêm gìn giữ với tinh thần “cha truyền con nối”. Đến nay, nghề ấy đã trải qua 7 đời với hơn 100 năm.

77

Lâu nay, trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, không chỉ bởi hương vị thanh tao, dịu ngọt, thơm mát mà đó còn là sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng công đoạn. Đặc biệt là nguyên liệu để làm trà rất đặc trưng, mang đậm tinh hoa đất trời Hà Nội.

88

Bà Hiền chia sẻ: Sen dùng để ướp trà phải là sen bách diệp, loại sen trăm cánh, cánh nhỏ, màu hồng phớt, chúm chím nụ. Và chỉ sen trồng ở các đầm khu vực Hồ Tây và các vùng lân cận mới tạo nên được hương vị sen riêng có. Hiện nay, gia đình trồng 10 mẫu sen để có nguồn nguyên liệu ướp trà sen.

Theo kinh nghiệm của bà Hiền, sen bách diệp dùng để ướp trà phải được hái từ sáng sớm, khoảng 4-5 giờ sáng, khi những giọt sương ban mai - vị ngon tinh túy nhất của trời đất còn đọng lại trong bông sen. Sen sau khi đem về nên làm ngay để giữ nguyên hương vị và độ tươi của hoa. Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là thời điểm làm trà sen ngon nhất.

99

22

Ngồi trên ghế, ngắm nhìn mọi người cần mẫn làm việc, chúng tôi thoả thích tận hưởng mùi hương sen thơm; ngắm những đôi tay thoăn thoắt tách từng cánh hoa lấy gạo, nhụy hoa. Trên gương mặt của họ toát lên sự say sưa với nghề, niềm vui làm bạn với bông hoa sen mỗi ngày. Và trong không gian thơ mộng rực rỡ sắc hồng của cánh hoa, màu vàng tươi của nhuỵ, màu xanh ngát của lá sen, chúng tôi được nghe mọi người kể những câu chuyện vui về cuộc sống, về nghề ướp trà sen.

Chia sẻ bí quyết để tạo ra những tách trà sen mang hương vị đặc biệt của người Hà thành, ông Xiêm tâm sự: Làm trà là phải có tâm. Tâm ở đây chính là đảm bảo lượng gạo sen phải đủ. Cứ 1kg trà ướp sen truyền thống cần 1.000-1.500 bông sen tươi. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Đối với gia đình tôi, một mẻ trà ướp sen qua 7 lần ủ gạo và sấy, mỗi lần ủ gạo là 3 ngày; cứ một lớp trà lại rải một lớp gạo sen lên. Gia đình chỉ chọn duy nhất trà xanh Tân Cương (Thái Nguyên) để ướp sen sẽ cho ra vị đặc trưng riêng có - thức uống thanh tao của người Tây Hồ nói riêng và đất Hà thành nói chung.

Cũng theo nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, trà sen Tây Hồ đạt chuẩn thì nước trà phải xanh, lúc uống ban đầu sẽ có vị chát, sau có vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu, thoang thoảng trong miệng. Càng uống càng thích, càng mê đắm hương vị loại trà này.

111

Hiện nay, gia đình ông Xiêm chủ yếu làm trà sen ướp truyền thống và trà sen bông. Với trà sen bông, cách ướp trà đơn giản hơn, chỉ cần cho 1 nắm nhỏ chè vào bên trong bông hoa, rồi gói bông sen lại, sau đó dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Để hương chè, gạo sen thấm quyện vào nhau, mang bông sen cắm nước qua 1 đêm. Càng để lâu, vị trà càng thơm, ngon.

Có thể thấy, với cách làm hoàn toàn bằng thủ công, những thành viên trong gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm đã và đang tạo nên món quà độc đáo mang hương vị riêng. Qua đó, từng bước gìn giữ nghề truyền thống gia đình hàng trăm năm; góp phần bảo tồn giá trị tinh hoa văn hoá nghệ thuật ướp trà sen, niềm tự hào của người Hà Nội xưa và nay.

(còn nữa)

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nậm Nhùn khó đạt chỉ tiêu trồng rừng
Năm 2024, huyện Nậm Nhùn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 325ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ 50ha và rừng sản xuất 275ha. Theo kế hoạch, việc triển khai trồng rừng sẽ được hoàn thành trước...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.