Thứ sáu, 26/04/2024, 05:35 [GMT+7]

Giám sát thực hiện chế độ chính sách đến người dân

Thứ sáu, 31/07/2020 - 09:54'
Để đảm bảo việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ giống, vật tư, máy nông nghiệp đến người dân đúng, đủ, kịp thời, HĐND huyện Than Uyên đã tổ chức giám sát đánh giá lại hiệu quả chế độ chính sách mang lại cũng như chỉ ra hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại phát sinh. Từ đó, góp phần đưa chính sách có hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, huyện Than Uyên phấn đấu hoàn thành trước 1 năm về các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt được mục tiêu, các cơ quan trong khối Nông nghiệp huyện chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân cũng như lồng ghép ngân sách Nhà nước để thực hiện. Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Nhằm đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất từ nguồn ngân sách Nhà nước tuân thủ đúng luật, HĐND huyện tổ chức giám sát việc chế độ chính sách hỗ trợ giống, vật tư, máy nông nghiệp cho Nhân dân năm 2019 theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối tượng là cơ quan khối Nông nghiệp huyện và xã, thị trấn với nội dung giám sát tập trung vào công tác chỉ đạo triển khai, trình tự thủ tục, kết quả… Theo đó, năm 2019, toàn huyện hỗ trợ: máy nông nghiệp với 14 dự án (8,912 tỷ đồng), vật nuôi 10 dự án (2,096 tỷ đồng), giống cây trồng như: lúa (10,683 tấn), ngô (9,751 tấn), cây ăn quả (499 triệu đồng), chè (8,413 tỷ đồng), phân bón thuốc bảo vệ thực vật (6,118 tỷ đồng), thuốc thú y (958 tỷ đồng). Số nông dân được hưởng lợi 6.202 hộ, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo; có 2 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ 1,631 tỷ đồng.

Lãnh đạo xã Phúc Than (huyện Than Uyên) kiểm tra việc cấp máy làm đất cho bà con.

Ông Lò Văn Tuyển - Phó Chủ tịch HĐND huyện cho biết: “Các dự án, mô hình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2019 được cơ quan, đơn vị điều hành tổ chức thực hiện đúng theo quy định. Chính sách hỗ trợ giống, vật tư, máy nông nghiệp đã bổ sung tư liệu sản xuất cho Nhân dân, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, chính sách đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tới thương hiệu hàng hóa”.
Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND huyện cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh, chỉ đạo hướng dẫn cho các xã xác định nhu cầu người dân, lập hồ sơ, trình tự chưa được thực hiện ngay từ đầu năm, Quyết định phê duyệt dự án cùng một nguồn vốn mà nội dung chi phí khác nhau dẫn đến tình trạng mỗi đơn vị triển khai theo hình thức khác nhau. Một số địa phương thiếu văn bản như: tờ trình, văn bản thẩm định, quyết định dự toán, lựa chọn nhà thầu… Việc hỗ trợ máy nông nghiệp theo Chương trình 30a/CP, 135/CP tiến độ thực hiện chậm (đến tháng 11, 12/2019 mới cấp trong khi bà con hoàn thành xong làm đất); dự án hỗ trợ chăn nuôi gà (xã Mường Cang) sau khi thực hiện người dân không duy trì; việc chăm sóc nuôi dưỡng bò, dê sinh sản một số gia đình còn hạn chế. Đối với lúa thuần theo cơ cấu giống tại Quyết định 29 của UBND tỉnh ở một số xã có diện tích ruộng ít, phân tán, manh mún, dễ sâu bệnh và năng suất không cao, Nhân dân không đăng ký hoặc không nhận. Việc chăm sóc chè ở một số nơi chưa sát sao dẫn đến hiệu quả còn thấp, mô hình ổi phát triển chậm…
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề xuất những kiến nghị đến UBND huyện, cơ quan, đơn vị được giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, mô hình, chính sách hỗ trợ giống, vật tư, máy nông nghiệp cho Nhân dân. Trong đó, UBND huyện cần tập trung lãnh chỉ đạo bàn giải pháp khắc phục tình trạng hỗ trợ sản xuất còn chậm, chưa kịp thời vụ. Rà soát, kiểm tra đánh giá hiệu quả hỗ trợ giống, vật tư, máy nông nghiệp đã hỗ trợ cho bà con để điều chỉnh hợp lý, khắc phục hạn chế phát sinh. Chủ đầu tư là địa phương cần kiểm soát chứng từ hóa đơn và trong quá trình triển khai cần xác định yếu tố có lợi nhất cho người dân. Các cơ quan khối Nông nghiệp của huyện tăng cường giúp các xã thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng về trình tự, nội dung, nhất là hướng dẫn trong việc thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tăng cường việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi và vận hành sử dụng máy, thiết bị vào sản xuất đúng quy trình, phát huy hiệu quả đầu tư
Đồng chí Trần Thị Sâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Trưởng Đoàn giám sát của HĐND huyện Than Uyên nhấn mạnh: “Sau giám sát, Đoàn cũng đề nghị huyện tập trung các nguồn lực cho việc hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư, máy nông nghiệp cho nông dân, nhất là hộ nghèo; hạn chế tối đa các khoản chi phí phát sinh. Cần lựa chọn nhà thầu, nhà phân phối bao tiêu sản phẩm có đủ năng lực về lập hồ sơ cũng như tổ chức thực hiện đảm bảo thị trường đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa của người dân”.
Có thể thấy qua việc giám sát, mặt được là góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả triển khai các chính sách tác động đến đến nâng cao thu nhập cho người dân nhưng vẫn còn hạn chế trong việc chậm triển khai một số nội dung hay như mô hình sau đầu tư chưa được duy trì, năng lực lập hồ sơ thực hiện cấp xã còn hạn chế…

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...