Thứ bảy, 20/04/2024, 14:39 [GMT+7]

Giúp người nghiện tìm lại cuộc đời

Thứ tư, 17/03/2021 - 14:42'
Bằng sự cảm thông, chia sẻ, cán bộ Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã giúp những người nghiện rời xa ma túy, trở thành người có ích khi tái hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc vào một buổi chiều cuối tuần, khi các học viên đang nhổ cỏ, tưới rau. Trò chuyện với anh Lành Văn Cai (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên), chúng tôi được biết vì nghe theo bạn bè xấu rủ rê, anh đã dính vào ma túy lúc nào không hay, dù vợ con đã nhiều lần khuyên nhủ. Từ ngày nghiện, của cải trong nhà anh đều “đội nón ra đi”. “Hơn 10 năm mắc nghiện, bao nhiêu tiền kiếm được, đều “nướng” vào ma túy. Nhưng tôi đã tìm được lối thoát khi được cai tại Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc ” - anh Cai tâm sự. 19 tháng ở trung tâm, cuộc sống của anh Cai khác hẳn, được cán bộ quan tâm, chăm sóc, điều trị cắt cơn, được học tập nội quy, tham gia các buổi tìm hiểu về pháp luật. Hiện nay, sức khỏe anh ổn định, không còn những cơn thèm thuốc như trước nữa. Ước muốn của anh là nhanh chóng cai được nghiện trở về nhà với vợ con làm lại cuộc đời.

Học viên Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc trồng rau xanh cải thiện đời sống.

Học viên Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc trồng rau xanh cải thiện đời sống.

Còn với anh Đỗ Văn Hưng (xã Mường So, huyện Phong Thổ) trong một lần được bạn bè mời hút thử ma túy, rồi nghiện. Những cơn đói thuốc làm anh Hưng vật vã và tìm đủ mọi cách để thỏa mãn khi lên cơn. Đến khi được đưa vào Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc, anh Hưng được cán bộ điều trị cắt cơn, chỉ bảo giúp anh lấy lại thăng bằng cuộc sống. Sau 2 năm điều trị, anh Hưng được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Được gia đình động viên và quyết tâm đoạn tuyệt hẳn ma túy, anh Hưng tiếp tục làm đơn xin tự nguyện vào Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc trong thời gian 6 tháng để cai. Anh Hưng chia sẻ: “Vào đây sức khỏe của tôi ngày một tốt hơn. Cũng như các học viên khác, tôi được dạy nghề chăn nuôi lợn, cá, trồng rau… cải thiện đời sống và vui chơi thể dục, thể thao tăng cường sức khỏe. Bây giờ, tôi đang cố gắng cai nghiện thật tốt để 4 tháng nữa sẽ trở về làm lại cuộc đời và cũng bù đắp những lỗi lầm mình gây ra cho bố mẹ, người thân”.
Hiện nay, trung tâm có 122 học viên (102 học viên cai nghiện bắt buộc và 20 học viên xin cai nghiện tự nguyện). Tất cả học viên khi vào trung tâm được thực hiện theo các quy trình: tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra sức khỏe ban đầu; đưa vào phòng cắt cơn; tuyên truyền nội quy, quy chế của trung tâm, phổ biến pháp luật; giáo dục lao động trị liệu và tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, khâu kiểm tra sức khỏe và đánh giá mức độ nghiện là khâu quan trọng nhất để từ đó có biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp. Cán bộ trung tâm thường xuyên theo dõi quá trình cắt cơn, giải độc và chú trọng phương pháp tâm lý giúp người nghiện có thêm tự tin trong quá trình điều trị. Sau khi cắt được cơn, học viên được tư vấn, giáo dục đạo đức, phục hồi hành vi nhân cách. Được tìm hiểu về chế độ chính sách liên quan đến lợi ích của học viên, chính sách pháp luật về phòng chống các bệnh lây nhiễm như: lao, HIV/AIDS…
Trung tâm còn triển khai cho học viên đi lao động bên ngoài đảm bảo phù hợp với sức khỏe, độ tuổi như: phân khu trồng ngô, khoai, sắn, chuối, dong riềng, rau xanh, nuôi lợn, cá… Hoạt động này vừa góp phần trị liệu, vừa cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, sạch, an toàn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của học viên, mà còn xây dựng tình cảm gần gũi, chia sẻ, tạo động lực cho các học viên vượt qua mặc cảm của bản thân.
Học viên được lập hồ sơ bệnh án theo dõi sức khỏe và định kỳ tổ chức thăm khám, phát thuốc khi mắc các bệnh thông thường. Riêng những trường hợp bệnh nặng và có khả năng truyền nhiễm sẽ được đi khám tại bệnh viện và đưa về trung tâm điều trị. Với những học viên nhiễm HIV/AIDS luôn được đối xử bình đẳng, lao động, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao như các học viên khác.
Anh Mai Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc cho biết: Trung tâm luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khen thưởng, nêu gương những học viên có nhiều nỗ lực trong điều trị nghiện. Qua đó, khuyến khích các học viên khác học tập, noi theo để từ bỏ ma túy, sớm làm lại cuộc đời. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm khen thưởng cho 4 học viên có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, lao động, học tập và được ra trước thời hạn cai nghiện từ 1 - 3 tháng.
Khó khăn lớn nhất của trung tâm là lực lượng cán bộ quản lý mỏng dẫn đến khó khăn trong công tác giáo dục, quản lý học viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn thiếu, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn thấp chưa đáp ứng công tác chuyên môn. Tỷ lệ học viên ốm, mắc các tệ nạn xã hội và nguy cơ lây nhiễm cao… Đặc biệt, sau khi cai nghiện tại trung tâm nhưng khi trở về gia đình, cộng đồng, đa số học viên vẫn bị kỳ thị. Điều đó dẫn đến sớm nảy sinh tiêu cực làm cho tỷ lệ tái nghiện sau cai sớm hơn, cao hơn.
Để công tác cai nghiện ma túy đạt chất lượng cao, ngoài điều trị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng. Qua đó, giúp người nghiện có thêm động lực đoạn tuyệt với ma túy để tìm lại sự tự tin, cùng gia đình phát triển kinh tế.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...