Thứ tư, 08/05/2024, 20:54 [GMT+7]

Hiệu quả của một nghị quyết

Thứ năm, 14/01/2021 - 19:29'
(BLC) - Sau 1 năm thực hiện Quyết định 41/2019/QĐ-UBND về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã từng bước tháo gỡ những khó khăn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn của tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Quyết định 41 được ban hành có một số điều chỉnh trong việc chi trả DVMTR như: Hợp đồng bảo vệ rừng thì UBND cấp xã thực, diện tích hợp đồng phải theo địa bàn hoạt động, phong tục, tập quán của từng vùng, không nhất thiết phải theo địa giới hành chính xã. Được sử dụng tối đa 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng để chi cho công tác quản lý. Số tiền còn lại chi cho bên nhận hợp đồng bảo vệ rừng... Với quyết định 41 của UBND tỉnh có thể thấy có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho Nhân dân. Tuy nhiên, khi mới triển khai việc thực hiện theo quyết định cũng gặp không ít những khó khăn. Như các địa phương khó khăn, lúng túng từ việc chưa có cán bộ chuyên môn cũng như phần lớn cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ địa chính xã chưa sử dụng được phần mềm Mapinfo, chưa xem và hiểu được bản đồ giấy. Ngoài ra, do trang thiết bị còn thô sơ nên việc xây dựng phương án chi trả, biên tập bản đồ, lập các bảng biểu liên quan, xác định hệ số K còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong 1 năm qua, các ngành và địa phương trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện cho bà con Nhân dân nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách thuận lợi nhất.

Được biết, năm 2019, toàn tỉnh có trên 429 nghìn ha rừng được chi trả với hàng trăm tỷ đồng, từ đó đã nâng cao thu nhập cho Nhân dân khi nhiều địa phương đã chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh. Cũng tại các buổi chi trả, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và UBND các xã lồng ghép tuyên truyền cho các hộ gia đình và cộng đồng được giao đất, giao rừng thực hiện tốt quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng; phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; biểu dương các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

Người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ phát quang, bảo vệ rừng.

Người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ phát quang, bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng về cơ bản đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo mối quan hệ giữa người dân với lực lượng kiểm lâm được gắn bó hơn. Tạo nguồn tài chính ổn định cho chính quyền địa phương các xã, thị trấn xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi cộng đồng như: đường giao thông; trụ sở thôn, bản, bể nước, trường học, kênh mương; bổ sung quỹ xây dựng phát triển thôn bản. Có thêm thu nhập từ chi trả dịch vụ môi trường rừng nên cuộc sống của người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh dần thay đổi, bà con ngày càng đoàn kết cùng chính quyền địa phương bảo vệ rừng.

Bản Nhiều Sang, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) có 57 hộ/293 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao. Bản được giao giữ và bảo vệ hơn 210 ha rừng. Trưởng bản Lù A Hoản cho biết, để bảo vệ rừng Chi bộ bản ra nghị quyết, tổ chức họp các đoàn thể bản thống nhất các phương án bảo vệ rừng. Xây dựng lịch trực bắt đầu từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau, theo đó mỗi hộ sẽ trực 1 ngày. Nhờ đó, hàng năm bản nhận được khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản sẽ chia đều cho các hộ nhận khoán, không phân biệt diện tích ít hay nhiều, mỗi hộ sẽ được hơn 4 triệu đồng/1 năm. Bản giữ lại 20% để phát triển kinh tế - xã hội của bản và phục vụ công tác bảo vệ rừng. Người dân trong bản hiểu được rằng ngoài nhận được tiền từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, mà việc giữ rừng còn mang lại nhiều lợi ích đối với mỗi cuộc sống của bà con. Cũng nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, những cánh rừng đã mang lại cho bản nguồn nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân nơi đây. Ngoài ra, bà con còn được phép khai thác sản vật của rừng như măng, củi khô, nấm, rau rừng... để cải thiện cuộc sống.

Hằng năm, các địa phương đã phối hợp với các bên có liên quan, UBND các xã rà soát toàn bộ diện tích rừng, xây dựng phương án giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý bảo vệ. Trên cơ sở lựa chọn những người có uy tín, có ý thức trách nhiệm làm tổ trưởng. Thống nhất thực hiện nội dung hợp đồng giao khoán, phương thức thanh toán tiền công, phương pháp tuần tra bảo vệ rừng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán. Bằng những việc làm thiết thực, công tác chi trả DVMTR được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, khách quan, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhấn mạnh: Bước sang năm 2020, rút kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ đầu năm để có căn cứ thanh toàn DVMTR Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nắm bắt diện tích rừng biến động có kế hoạch chi trả đúng, đủ, kịp thời. Trong đó, Quỹ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát đối chiếu các diện tích rừng có biến động theo số liệu do Chi cục Kiểm lâm cung cấp. Đồng thời, tổng hợp diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR theo kết quả công bố hiện trạng rừng của tỉnh. Cùng với đó, Quỹ cũng đã tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chính sách chi trả DVMTR. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý bảo vệ rừng. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện chi trả tiền DVMTR, nắm rõ diện tích có rừng, số tiền được chi trả cho các chủ rừng và những khó khăn vướng mắc trong công tác chi trả trên địa bàn để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chi trả DVMTR.

Nỗ lực thực hiện Quyết định 41 của UBND tỉnh đã góp phần thực hiện hiệu quả chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Kết quả đó không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng được nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.  

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...