Thứ bảy, 27/07/2024, 07:18 [GMT+7]

Khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới

Thứ bảy, 04/11/2023 - 11:12'
“Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với thử thách” - là phương châm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Tân Uyên đã và đang thực hiện trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, ngày càng có nhiều tấm gương ĐVTN làm kinh tế giỏi với những mô hình mới mang lại hiệu quả; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ mới.

Chúng tôi cùng cán bộ Huyện đoàn đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của đoàn viên Phan Thanh Quang ở tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên. Tại khu vườn rộng 4ha, chúng tôi bị cuốn hút bởi những cây bưởi, cây ổi sai trĩu quả; những cây thanh long ngay hàng thẳng lối mướt xanh. Được biết, năm 2016, anh Quang trồng 250 cây nhãn lồng và 300 cây bưởi da xanh; năm 2018 tiếp tục thử nghiệm trồng 100 gốc thanh long, 500 cây ổi lê. Đến nay, 4 loại cây ăn quả đều cho thu hoạch với sản lượng hơn 30 tấn/năm. Ngoài phát triển cây ăn quả, anh Quang còn đầu tư nuôi bò theo hướng trang trại khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Anh Quang chia sẻ: Tôi vừa bán 18 con bò, thu về hơn 700 triệu đồng. Để mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, tôi thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trên mạng internet; tích luỹ kinh nghiệm qua từng năm. Đối với chăn nuôi cần chú trọng khâu chọn giống, tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ và đảm bảo nguồn dinh dưỡng với tỷ lệ thức ăn tinh và thức ăn thô xanh hợp lý; tận dụng nguồn chất thải bón cho cây ăn quả và 2ha cỏ voi. Về cây ăn quả, tôi đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP; điều chế sản phẩm sinh học từ thảo dược để đuổi côn trùng, phòng trừ sâu bệnh hại. Hiện nay, gia đình tôi có 3 sản phẩm quả: ổi, nhãn, bưởi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình tôi 250 triệu đồng.

Đoàn viên thị trấn Tân Uyên phát triển kinh tế hiệu quả với mô hình trồng cây ăn quả.

Huyện đoàn Tân Uyên có 23 cơ sở đoàn, trong đó 15 đoàn cơ sở, 8 chi đoàn trực thuộc với gần 4.000 ĐVTN. Phát huy vai trò xung kích, ĐVTN quyết tâm vượt khó, vươn lên với khẩu hiệu hành động “không có việc gì khó”. Dựa trên tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nước, những người trẻ nơi đây mạnh dạn, tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tập trung chuyển đổi đất cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả sang trồng, chế biến chè; mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca; nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả ôn đới; thâm canh, tăng vụ các loại rau màu có giá trị kinh tế, năng suất cao như: dưa leo, bí xanh, ớt... Cùng với đó, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc: trâu, bò, dê theo hướng hàng hoá; phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ, nuôi ong lấy mật. Đưa máy móc hiện đại vào khâu sản xuất, chế biến nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất làm việc.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Những năm gần đây, ĐVTN trên địa bàn huyện đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp với những ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi cao. Để tiếp thêm động lực, Huyện đoàn tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, dự án khởi nghiệp của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn. Hàng năm, Huyện đoàn tổ chức cho các ĐVTN đi tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN trong và ngoài tỉnh. Tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với ĐVTN về chủ đề “Khởi nghiệp, lập nghiệp”; thông qua đó, định hướng và có những giải pháp hỗ trợ trong quá trình thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Ngoài ra, Huyện đoàn cũng đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm của thanh niên trên các trang mạng xã hội, giúp tiêu thụ, tìm thị trường tiêu thụ.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 1.800 ĐVTN được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền trên 54 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn hỗ trợ 2 đề án khởi nghiệp của đoàn viên được vay vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng/đề án từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn đầu tư trồng quế; hỗ trợ 9 ý tưởng của đoàn viên về trồng thử nghiệm cây ổi lê, ổi không hạt, ổi Nữ hoàng, hồng không hạt, xoài, chanh không hạt. Toàn huyện hiện có 35 mô hình kinh tế tiêu biểu do thanh niên làm chủ, điển hình như: anh Nguyễn Văn Chính ở xã Phúc Khoa với mô hình chế biến chè OCOP; mô hình nuôi dúi của đoàn viên Đỗ Xuân Thắng ở thị trấn Tân Uyên; nuôi ong lấy mật của đoàn viên Lò Văn Sáng ở xã Trung Đồng... Trung bình mỗi mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Những kết quả đó là cơ sở quan trọng để thời gian tới, Huyện đoàn Tân Uyên tiếp tục đồng hành cùng ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, khơi dậy ý chí, quyết tâm của tuổi trẻ, góp sức xây dựng quê hương Tân Uyên giàu đẹp, phát triển.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.