Thứ năm, 28/03/2024, 18:57 [GMT+7]

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Thứ tư, 23/09/2020 - 17:34'
Đến nay, cả nước đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 67 xã, 45 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố; trong đó 9 ổ dịch tại 9 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm, lây lan vào địa bàn, tỉnh tăng cường triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, đảm bảo môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng.

Trước thông tin xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6, anh Lê Minh Thuần - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Mường Than (huyện Than Uyên) đang tích cực phun thuốc tiêu độc khử trùng, dọn dẹp vệ sinh khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm. Anh Thuần chia sẻ: “Trang trại có diện tích 2ha với hệ thống nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như xử lý khi có dịch xảy ra. Hiện, trang trại có khoảng 10 nghìn con gà, mỗi lứa xuất bán 1.500 con. Nhằm ngăn chặn các dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm, ngay từ khi mua giống về thực hiện tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, cân nặng, có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; thực hiện nghiêm việc khử khuẩn khi vào khu vực chăn nuôi, hạn chế thấp nhất trang trại bị dịch”.

Hợp tác xã nông nghiệp Mường Than (huyện Than Uyên) phun thuốc tiêu độc, khử trùng trang trại chăn nuôi gà sạch.

Gia đình Anh Pờ Văn Lượng (bản Huổi Phặc, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ) là một trong những hộ nuôi gia cầm lớn trên địa bàn xã. Trước thông tin dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước, công tác phòng chống dịch được anh Lượng quan tâm thực hiện. Anh Lượng tâm sự: “Do nằm gần khu vực biên giới, các thương lái vẫn lén lút buôn bán gia cầm từ biên giới vào chợ nội địa. Sau khi được ngành chức năng tuyên truyền, tôi chú trọng triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, phun khử khuẩn khu vực chăn nuôi, chuồng trại của gia đình; chọn mua các giống tốt có nguồn gốc về chăn nuôi. Kiên quyết không nhập, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc”.

Là huyện biên giới, Phong Thổ có gần 200.000 con gia cầm các loại. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; huyện tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó chú trọng phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm; áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao trên toàn huyện để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Ông Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Là địa bàn biên giới nên huyện tập trung cao độ cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, thực hiện ký cam kết với các hộ kinh doanh chỉ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, không vận chuyển tiêu thụ sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép. Bố trí lực lượng tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý các cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện trường hợp gia cầm chết do nghi nhiễm bệnh để xử lý kịp thời. Tích cực truyền thông biện pháp như: rửa tay bằng xà phòng, sử dụng găng tay, khẩu trang, vệ sinh môi trường, khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, vùng có nguy cơ cao”.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 1 triệu 513 nghìn con. Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa bất lợi, mưa nhiều, chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cúm ở một số nơi vùng sâu, vùng xa đạt thấp, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, gia trại thiếu an toàn, dễ bị ảnh hưởng dịch bệnh; chưa có cơ sở chăn nuôi gia cầm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập, lây lan trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập, duy trì hoạt động của Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hoặc không chứng minh được nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Bố trí lực lượng phối hợp với ngành thú y tăng cường giám sát, chủ động lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý ngay ở diện hẹp. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Kiểm tra ở các chợ buôn bán, giết mổ gia cầm sau mỗi buổi chợ để khử trùng mầm bệnh đặc biệt là các virút cúm gia cầm.

Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện, thành phố tăng cường biện pháp phòng chống, ngăn chặn cúm gia cầm lây lan vào tỉnh. Chú trọng giám sát dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời xử lý để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nếu có. Các cấp, các ngành, địa phương chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình dịch bệnh động vật trong cả nước nhất là các vùng giáp ranh có biện pháp phòng, chống. Chỉ đạo lực lượng phổ biến tới người dân vùng biên không buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm kể cả việc biếu, cho, tặng”.

Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ ngành chức năng và địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tin rằng sẽ góp phần ngăn chặn xâm nhập, lây lan dịch cúm; đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...