Thứ bảy, 20/04/2024, 03:19 [GMT+7]

Tấm lòng người thầy thuốc vùng biên

Thứ năm, 16/09/2021 - 22:10'
(BLC) – Là xã khó khăn của huyện Mường Tè, nhất là trong lĩnh vực y tế khi mà người dân còn chữa bệnh theo hủ tục, chưa tiếp nhận phương pháp y tế hiện đại. Nhưng với lòng nhiệt huyết, các thầy thuốc của Trạm Y tế xã Pa Vệ Sủ không ngại gian khó, nỗ lực hết mình vì sức khỏe Nhân dân.

Đến thăm những ngôi nhà ở các bản người La Hủ, Mảng của xã Pa Vệ Sủ, chúng tôi không chỉ thấy nhà to, rộng, khang trang, đầy đủ tiện nghi, minh chứng cho cuộc sống đổi thay mà khi bước vào trong nhà còn thấy bà con trang bị tủ thuốc y tế với các loại thuốc, dụng cụ hỗ trợ để dùng mỗi khi có bệnh. Điều đó cho thấy đồng bào dân tộc nơi đây đã từ bỏ cách chữa bệnh cũ, dần tiếp nhận phương pháp chữa bệnh mới hiệu quả hơn, đỡ tốn kém hơn.

Chị Vàng Hà Giê (bản Phí Chi B) cho biết: Mỗi khi bị bệnh, người dân chúng tôi chỉ biết lên rừng hái lá thuốc về đun uống hoặc đắp lên vết thương, nặng quá thì mời thầy mo về “cúng ma trừ tà”, khi làm lại mất đi bao nhiêu con lợn, con gà mà bệnh chẳng thuyên giảm, tiền mất tật mang, cuộc sống càng khốn khó. Từ khi y sỹ của trạm lên bản tuyên truyền, vận động và cho dùng các loại thuốc, dân bản thấy sức khỏe được cải thiện mà không mất kinh phí nhiều nên tin theo, từ bỏ hẳn chữa bệnh theo hủ tục. Bản thân tôi trang bị tủ thuốc, làm thẻ y tế cho gia đình và khi có bệnh đến ngay cơ sở y tế thăm khám.

Nghe những lời kể của chị Giê, chúng tôi biết rằng thay đổi nhận thức người dân là một quá trình lâu dài đòi hỏi người tuyên truyền phải có phẩm chất, trình độ, kiên trì bám sát cơ sở. Cán bộ y tế không ngại gian khó, sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số luồn lách băng rừng, lội suối đến với người dân, vận động họ thay đổi cách suy nghĩ, xóa bỏ hủ tục, tin theo phương pháp chữa bệnh hiện đại. Không chỉ là những lần ăn, ở, làm việc cùng dân mà các y sỹ còn là những “người mẹ hiền” chăm sóc đàn con nhỏ khi bố mẹ các em lên nương, cho bé ăn, uống thuốc lúc ốm.

Y sỹ Hoàng Thị Oanh – Trưởng Trạm Y tế xã kể lại: Công tác tại trạm hơn chục năm, tôi không biết đã đi bộ bao nhiêu lần, vượt qua suối, đèo, có lúc anh em y sỹ phải ngủ trong rừng. Đến bản, chúng tôi tích cực tuyên truyền, phân tích lợi, hại của việc đi khám, dùng thuốc điều trị bệnh hoặc không dùng; gặp gỡ già làng, trưởng bản để họ hiểu chữa bệnh theo hủ tục chỉ làm cho cuộc sống khó khăn thêm.

                                          Y sĩ Trạm Y tế xã Pa Vệ Sủ điều trị bệnh cho người dân.

Y sỹ Trạm Y tế xã Pa Vệ Sủ điều trị bệnh cho người dân.

Hiểu rõ lợi ích của việc khám, chữa bệnh, người dân ở 12 bản của xã tích cực đến cơ sở y tế thăm khám, làm thẻ bảo hiểm y tế. Từ khám bệnh thông thường đến nặng hơn, bà con đều nghe lời và làm theo sự hướng dẫn của cán bộ y sỹ trạm. Anh Vàng A Phà (bản Thò Ma) chia sẻ: Mỗi khi đến khám, cán bộ y tế rất nhiệt tình, từ hỏi thăm bệnh tình, triệu chứng xuất hiện bệnh rồi mới đo huyết áp, khám, phát thuốc uống theo đúng liều lượng. Y sỹ trạm còn khuyên tôi ăn uống, sinh hoạt điều độ, không lạm dụng các chất kích thích, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài được trang bị công cụ, máy móc trong hoạt động khám, chữa bệnh, Trạm Y tế xã còn tận dụng quỹ đất của trạm để trồng các loại thảo dược sử dụng trong khám, chữa bệnh đông y. Thường xuyên xuống bản khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh từ những việc nhỏ nhất như: vệ sinh nhà, nguồn nước, mắc màn khi ngủ, ăn chín, uống sôi... Phối hợp với các đơn vị nhà trường đảm bảo sức khỏe cho học sinh, hướng dẫn các em giữ gìn vệ sinh nơi ở, khu bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh. Phòng chống dịch bệnh Covid-19, cán bộ y tế của trạm tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung đông người, theo dõi, giám sát những người đi làm ăn xa trở về và cách ly tại nhà 27 trường hợp. Ngoài ra, 11/12 bản của xã có đội ngũ y tế bản được đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ thường xuyên.

Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã Pa Vệ Sủ đã khám và điều trị cho 1.997 lượt người, trong đó điều trị nội trú 26 trường hợp, truyền thông 60 buổi. Giờ đây trạm đã trở thành địa chỉ tin cậy của Nhân dân trong xã, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...