Thứ ba, 30/04/2024, 05:42 [GMT+7]

Thầm lặng “Gác cổng tòa soạn”

Thứ tư, 10/04/2024 - 16:03'
Nếu như phóng viên được ví như “linh hồn tòa soạn” thì các biên tập viên (BTV) được ví như những người “gác cổng tòa soạn”. Chặng đường 60 năm dựng xây và phát triển của Báo Lai Châu nói chung, 20 năm của Báo Lai Châu mới có sự góp sức thầm lặng của những BTV, kỹ thuật viên (KTV) Phòng Biên tập. Đội ngũ này vẫn ngày ngày cần mẫn “nhặt sạn”, say mê với từng con chữ, “mài giũa” từng tác phẩm để góp phần nâng cao chất lượng tờ báo.

Những ngày đầu gian khó
Còn nhớ năm đầu chia tách, thành lập (2004), ngày ấy Phòng Biên tập có 5 nhân sự gồm: 1 trưởng phòng, 2 BTV và 2 KTV để thực hiện nhiệm vụ xuất bản 1 số báo/tuần. Do phải thuê tạm ngôi nhà của người dân để hoạt động nên mọi điều kiện đều rất khó khăn. Bên cạnh đó, giao thông không thuận lợi, mạng internet chưa phủ rộng nên phóng viên đi cơ sở phải viết tin ra giấy, đến bưu điện fax tin về toà soạn, KTV đánh máy giúp. Công tác biên tập chủ yếu thủ công trên giấy, 100% là ảnh chụp bằng máy cơ, phải cắt cúp, ken ảnh vào trang... nên để 1 tuần ra được 1 số báo không đơn giản. Chuyện đi sớm về muộn, làm thông tầm đến 21-22 giờ hay 1-2 giờ sáng mới xong maket để chuyển đi in, không hiếm gặp. Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, thậm chí khuya muộn, trong khi mọi nhà quây quần nhưng ở tòa soạn luôn duy trì guồng quay công việc. Bận rộn là vậy nhưng ai cũng hăng say, tận tụy, không nề hà khó khăn, “cháy” hết mình với nghề.

Đồng chí Nguyễn Viết Mạnh - Tổng Biên tập Báo Lai Châu duyệt makét báo xuân Giáp Thìn 2024.

Đồng chí Vũ Thị Thu Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Lai Châu, gắn bó với Phòng Biên tập từ ngày đầu thành lập, kể: Ngày đầu mới thành lập, làm báo rất vất vả. Tin, bài của phóng viên, cộng tác viên đều viết tay, BTV phải biên tập thủ công chuyển cho KTV đánh máy rồi soát lỗi. Riêng khâu này mất rất nhiều thời gian mà có khi do chữ viết láu, dịch toát mồ hôi mới hiểu tác giả viết chữ gì. Thời điểm đó, Lai Châu chưa có nhà máy in, phải gửi đi in tại tỉnh Điện Biên. Tôi và đồng chí Hồng Thủy cứ tầm 4-5 giờ sáng thay phiên nhau ra Bến xe khách tỉnh gửi maket về Điện Biên. Có lần hoàn thành maket muộn không kịp giờ xe chạy, đồng chí Phan Lâm phải lấy xe máy phóng đuổi theo xe khách...
Còn rất nhiều câu chuyện sinh động về những gian khó ngày đầu mới thành lập báo. Những khó khăn đó cũng là động lực, là môi trường để BTV, KTV rèn luyện và trưởng thành hơn. 20 năm qua, Báo Lai Châu 4 lần thay đổi trụ sở, mỗi lần chuyển, điều kiện làm việc được cải thiện hơn. 7 năm sau khi thành lập, năm 2011, mỗi BTV, KTV đã được trang bị 1 máy tính riêng có kết nối internet để làm việc. Điều này góp phần cải tiến quy trình biên tập, tổ chức mặt báo theo hướng hiện đại, rút ngắn thời gian xử lý tin, bài, tăng hiệu suất công việc.
Thay đổi để thích ứng
Hòa nhịp cùng sự phát triển, để đảm bảo tính thời sự và đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, Báo Lai Châu hiện nay tăng lên 4 số thường kỳ/tuần, 1 số cuối tuần/tuần, 3 số vùng cao/tháng. Công việc tăng lên gấp nhiều lần, trung bình gần như mỗi ngày xuất bản 1 số báo nhưng biên chế của Phòng Biên tập không thay đổi (5 người). Để hoàn thành được khối lượng công việc trên, đảm bảo chất lượng, thời gian ra báo đúng pháp lệnh, đòi hỏi mỗi BTV, KTV nỗ lực, cố gắng hơn gấp nhiều lần, “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, đặt hiệu quả, tiến độ công việc lên trên hết.
Xác định công việc tăng nhưng con người theo biên chế được giao chỉ có vậy, Phòng Biên tập đẩy mạnh nhiều giải pháp, với phương châm: thay đổi để thích ứng, một người biết nhiều việc. Hiện, hầu như các khâu biên tập, duyệt maket đều thực hiện trên máy. Mỗi BTV năng động, nhanh nhạy hơn trong xử lý công việc, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, có nhiều tham mưu trong đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo.

Phòng Biên tập trao đổi rút kinh nghiệm mỗi khi ra báo.

Đặc biệt, xuất phát từ việc chưa có điều kiện được đầu tư hệ thống phần mềm quản lý tòa soạn, từ ngày 5/10/2023, Phòng Biên tập trong quá trình làm đã chủ động tham mưu Ban Biên tập duyệt toàn bộ bản thảo qua zalo, gmail... trước khi vào trang và duyệt lại maket trên máy. Điều này góp phần giúp tháo gỡ khó khăn về thiếu nhân lực, tiết kiệm thời gian sửa bông, soát lỗi của cả BTV, KTV; thời gian truyền báo rút ngắn, sớm hơn trước rất nhiều. Đây là một trong những bước chuyển mình, khẳng định sự nỗ lực thích ứng để phát triển.
Trong trình bày báo, với khó khăn không có họa sỹ thiết kế, maket mỗi số đều do lãnh đạo phòng lên ý tưởng, trao đổi với KTV thực hiện. Nhưng với sự sáng tạo, nỗ lực học hỏi, các KTV đã kịp thời nắm bắt, phát triển ý tưởng kết hợp ứng dụng các phần mềm mới. Nhờ đó, những năm gần đây, các ấn phẩm báo xuân đã không còn cứng nhắc mà sinh động, tươi mới, thoáng đẹp và hiện đại hơn.
Anh Đào Tiến Dũng (Sở Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Thường xuyên theo dõi các ấn phẩm Báo Lai Châu, tôi thấy hình thức các trang báo đổi mới hơn trước. Nhất là các ấn phẩm báo xuân, hình thức đầu tư công phu, chau chuốt; trình bày, bố trí logic, nâng tầm thẩm mỹ. Hy vọng thời gian tới, Báo Lai Châu sẽ có những sáng tạo hơn nữa trong trình bày, bắt kịp với xu thế hiện đại, thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi.
Lòng yêu nghề cộng với sự chia sẻ, động viên của gia đình - những hậu phương vững chắc đã tiếp thêm động lực để các thành viên Phòng Biên tập toàn tâm, toàn ý trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cũng vì thế, không để xảy ra sai sót về chính trị, nội dung, hình thức tờ báo thay đổi rõ nét. Từ khi thành lập báo đến nay, phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, nhiều lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc, năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen... Dù vậy, Phòng Biên tập xác định so với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, mỗi cá nhân, mỗi ấn phẩm báo in vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện và tích cực đổi thay để bắt kịp với công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ của báo chí hiện nay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Phạm Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...