Thứ hai, 02/12/2024, 02:59 [GMT+7]

Than Uyên: Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới

Thứ năm, 14/11/2024 - 16:35'
(BLC) - Bằng những chính sách cụ thể, sự tập trung về nguồn lực đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Than Uyên trong việc nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chung sức đồng lòng xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới cho người dân trên địa bàn.

Huyện Than Uyên có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đời sống tín ngưỡng, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa rất riêng, thể hiện qua trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ, kỹ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ; nghề thủ công truyền thống… Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đeo bám, len lỏi vào đời sống tinh thần của nhân dân như: việc thách cưới cao, tổ chức đám tang nhiều ngày; tảo hôn… Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Trong những năm qua, huyện Than Uyên đã tập trung lãnh, chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc. Hằng năm, huyện duy trì chương trình Chào năm mới, 2 lễ hội lễ hội đầu năm: Xòe Chiêng và Lùng Tùng; tổ chức phục dựng và duy trì 4 lễ hội (Hạn Khuống của dân tộc Thái đen xã Mường Mít; Kin Pang của dân tộc Thái đen xã Tà Hừa; mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Gầu Tào dân tộc Mông) và trên địa bàn huyện có 2 chợ phiên (chợ phiên bản Nậm Pắt (xã Tà Mung) và chợ đêm Ta Gia). Ngoài ra, để bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc chúng tôi đã thành lập 4 Ban Vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú. Đặc biệt, Tết Độc lập năm 2024, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh, công nhận “Địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất”.

23

Đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên vui Hội xòe chiêng.

Một trong những kết quả nổi bật của huyện Than Uyên trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đó là triển khai có hiệu quả nếp sống văn hóa mới vùng đồng bào dân tộc Mông. Năm 2017, huyện xây dựng nội dung cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông” và cho thực hiện thí điểm tại 5 bản đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn xã Phúc Than. Sau 1 năm triển khai được nhân dân đồng thuận, chấp hành tốt. Đến năm 2018, huyện tiếp tục nhân rộng trong 21/21 bản có đồng bào Mông. Từ khi thực hiện đến nay, đã có trên 98% trở lên người dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh theo quy định và tự nguyện; tỷ lệ sinh con thứ 3 và học sinh bỏ học trong đồng bào Mông đã có xu hướng giảm dần; nhiều thủ tục lễ cưới và cách thức, thời gian tổ chức ăn cưới được thực hiện tiết kiệm, rút ngắn thời gian; các đám tang trong dân tộc Mông không để quá 2 ngày; 100% các bản người Mông không có hộ dân nào sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Anh Sùng A Vàng - Trưởng bản Hua Than (xã Mường Than) chia sẻ: Từ khi bà con thực hiện theo nội dung cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông” thì nhận thức của người dân đã thay đổi đáng kể từ việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, không di cư tự do, việc tang chỉ để 1 - 2 ngày, hạn chế thách cưới và ăn uống linh đình.

Được biết, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Than Uyên đã cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2024-2030; Kế hoạch số 2958/KH-UBND ngày 29/7/2024 của UBND tỉnh Lai Châu về việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, huyện tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai rà soát các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong 4 dân tộc: Kinh, Thái, Dao, Khơ Mú tại 110 bản trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai rà soát các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tại các bản, khu dân cư.

Quá trình triển khai rà soát, huyện chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phân tích làm rõ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng từng dân tộc, từng bản để nhân dân cùng bàn bạc, thống nhất các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xoá bỏ và những nội dung cần giữ gìn, phát huy. Qua rà soát, đã xác định được 42 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của 4 dân tộc Kinh, Thái, Dao, Khơ Mú, trong đó: 14 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; 15 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc tang, ma; 13 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt, lễ hội… Đây là cơ sở để huyện xây dựng các mô hình về xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Với những giải pháp đề ra, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên sẽ từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...