Vẫn khó xuất khẩu lao động
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp tham gia Phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH huyện Mường Tè tổ chức. Sự kiện thu hút hàng trăm học sinh, đoàn viên, thanh niên trong huyện tham gia.
Em Trần Anh Tuấn, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Mường Tè tâm sự: “Em và các bạn được tìm hiểu, tiếp cận, tư vấn hướng nghiệp ngành, nghề thị trường lao động trong và ngoài nước đang cần, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Em đã có cái nhìn mới và dự tính về công việc trong tương lai. Đặc biệt, thi vào các trường đại học, cao đẳng không phải là con đường duy nhất để thành công, thay vào đó, chúng em học nghề, XKLĐ vẫn có thu nhập cao, ổn định”.
Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn với dân số trên 47.000 người; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm gần 62%, chủ yếu là lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đạt 27,6 triệu đồng/năm, thuộc mức thấp của tỉnh.
Học sinh, đoàn viên, thanh niên huyện Mường Tè tham gia Phiên giao dịch việc làm.
Những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện hướng tới tạo nguồn lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu đến các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… Ông Kiều Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Tham gia thị trường lao động trong nước và XKLĐ sẽ là hạt nhân lan tỏa hoài bão, niềm tin thoát nghèo đến nhân dân các dân tộc trong huyện. Thực hiện mục tiêu đó, UBND huyện ký quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) hàng năm đưa ít nhất 50 lao động của huyện đi học và làm việc tại các công ty thuộc tập đoàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các trường THPT, xã, thị trấn nhằm thông tin, giới thiệu về thị trường lao động, định hướng cho học sinh, lao động nông thôn đăng ký học nghề, làm việc cho các doanh nghiệp trong nước và XKLĐ.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện diễn ra hai phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 1.000 người tham gia. Qua đó, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động đi làm tại các khu công nghiệp trong nước cho thu nhập bình quân từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng. Những lao động làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có thu nhập trên 20 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số lượng tham gia XKLĐ còn thấp, chưa đến 20 người. Nguyên nhân là do bà con hạn chế về trình độ ngoại ngữ, lo lắng không phù hợp với tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và tâm lý ngại xa nhà… Đây là trở ngại cho mục tiêu nâng cao thu nhập cho vùng nông thôn từ XKLĐ của huyện và cần sự đồng hành, hỗ trợ tích cực hơn của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định: Trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với huyện Mường Tè tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giải quyết việc làm và XKLĐ bằng nhiều hình thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người lao động. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động khảo sát, thống kê lập kế hoạch chọn điểm bản, mô hình xuất khẩu có chất lượng để tư vấn, giới thiệu cho người dân theo khả năng và trình độ tay nghề. Nâng hiệu quả hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động; kết nối việc làm cho người thất nghiệp với nhu cầu của người sử dụng lao động. Chủ động liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường XKLĐ, mở rộng thị phần ở những thị trường hiện có và phát triển thị trường mới, nhất là thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động.
Hà Dũng
Bình luận