Thứ tư, 24/04/2024, 18:34 [GMT+7]

Điều trị thay thế bằng Methadone: Một mũi tên trúng nhiều đích

Thứ sáu, 11/09/2020 - 10:08'
(BLC) - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2016 - 2020” tại tỉnh ta đã mang lại những kết quả tích cực. Sức khỏe của người nghiện ma túy được nâng lên rõ rệt, tăng cơ hội có việc làm, thu nhập, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, việc triển khai Đề án đã góp phần quan trọng vào việc giảm tội phạm, giảm lây nhiễm HIV/AIDS, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và bản thân người nghiện.

Những kết quả tích cực

Đồng chí Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới; tình hình người nghiện chất ma túy chiếm tỷ lệ cao so với dân số của tỉnh. Tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây thuốc phiện) vẫn còn diễn ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Kinh tế, xã hội vùng ở đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn... Chính vì vậy, ngày 11/8/2015, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt Đề án “Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm huy động sự tham gia vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả cộng đồng chung tay nâng cao nhận thức cho người dân, chống kỳ thị và phân biệt đối xử người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Công tác tuyên truyền về Đề án được chú trọng đẩy mạnh, việc vận động người nghiện ma túy tham gia đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả Đề án.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, ngành Y tế tiếp tục duy trì triển khai 8 cơ sở điều trị (CSĐT) và 28 cơ sở cấp phát (CSCP) - trong đó mở mới 1 CSCP, nâng tổng số lên 36 CSĐT và CSCP hoạt động, đạt 100% kế hoạch theo Đề án. Năm 2018 mở mới thêm 2 CSCP và đến năm 2020 tiếp tục duy trì triển khai tại 8 CSĐT và 30 CSCP, đạt 100% kế hoạch đề ra. Việc tổ chức mở rộng CSCP thuốc điều trị thay thế Methadone về tận tuyến xã đã tạo điều kiện cho 1.358 bệnh nhân nghiện ma tuý được tiếp cận với dịch vụ ngay tại tuyến cơ sở, chiếm 58,5% số bệnh nhân đang tham gia điều trị thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh. 

Theo đánh giá của ngành Y tế, các CSCP thuốc Methadone cho người nghiện ma túy đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát người nghiện hêrôin, giảm tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp của các đối tượng nghiện. Những ngày đầu triển khai Đề án còn một số tồn tại, khó khăn từ việc lựa chọn địa điểm đặt cơ sở điều trị, bố trí các phòng, nhân sự trong cơ sở điều trị, đến việc xét chọn bệnh nhân, liều khởi đầu Methadone, tư vấn tâm lý trong và sau quá trình điều trị... dần dần được rút kinh nghiệm, khắc phục trong quá trình thực hiện, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả Đề án mang lại.

Một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Đề án giai đoạn 2016 – 2020 đó là số người nhiễm HIV được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2020 là 40 người (giảm 39% so cùng kỳ 2019 - là 66 người); đỉnh điểm năm 2014 phát hiện 326 người/năm. Tỉnh ta cũng được đánh giá là địa phương có tỷ lệ người sử dụng Methanone thay thế chất ma túy có việc làm khá cao. Bệnh nhân tham gia chương trình điều trị thuốc thay thế Methadone đã có sự cải thiện đáng kể về mặt sức khỏe (thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống - trước điều trị 78,4%, sau điều trị tăng lên 86,1%). Làm giảm hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân có sử dụng ma túy, herôin. Duy trì sau 12 tháng vào điều trị, số liệu khảo sát qua theo dõi trên bệnh án điều trị còn 23,7% số bệnh nhân tiếp tục sử dụng xen lẫn ma túy và Methadone (số liệu tính trung bình của cơ sở điều trị). Giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị trong giai đoạn và những năm tiếp theo. Tăng thu nhập kinh tế cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội: Chi phí sử dụng ma túy mức từ 50.000 - 200.000 đồng/ngày/bệnh nhân là 54,4%; mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng được tăng lên từ 21,5% → 58,8%. Như vậy, số tiền tiết kiệm được từ không mua ma túy giúp người nghiện sử dụng cho mục đích sinh hoạt gia đình.

Từng nghiện ma túy gần 10 năm nay, cuộc sống của anh Nguyễn Văn H. ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu tưởng như đã chấm hết. Sức khỏe suy giảm, những lần lên cơn nghiện khiến anh vật vã, tìm đủ mọi cách để có tiền mua ma túy về dùng. Sau cơn nghiện, anh vô cùng hối hận và quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng 5 lần cai nghiện thì cả 5 lần không thành công. Sau nhiều lần đắn đo, được sự ủng hộ, động viên và tư vấn của cán bộ Trung tâm và gia đình, anh H. đã tham gia điều trị cai nghiện ma tuý. Anh cho biết, điều trị cai nghiện bằng Methadone tôi thấy người khỏe ra, tăng cân, đầu óc thoải mái không phải suy nghĩ về tiền bạc, không còn bị vật vã vì “thèm thuốc”. Có sức khỏe và thời gian, tôi xin làm thêm việc vận chuyển hàng online cho một Công ty trên địa bàn thành phố. Không lệ thuộc vào ma túy, có thu nhập ổn định, tôi cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.

Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Còn ông Đặng Hùng Gi. ở phường Tân Phong, thành phố Lai Châu đang loay hoay tìm hướng làm lại cuộc đời, ông may mắn được giới thiệu đi điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone. Ông Gi. chia sẻ, gia đình tôi từ chỗ khá giả đã rơi xuống đáy vực sâu khi tôi sa chân vào con đường nghiện ngập. Chỉ đến khi tham gia cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm đón tiếp chu đáo, nhiệt tình trong quá trình điều trị cai nghiện, sức khỏe của tôi mới dần cải thiện. Gia đình cũng luôn động viên, cùng tôi vượt qua khó khăn, giúp tôi làm lại cuộc đời. Tôi hứa sẽ cố gắng rời xa ma túy, để không phụ lòng mong mỏi của các y, bác sỹ và người thân trong gia đình.

Theo điều tra nghiên cứu mơi đây của Trường Đại học Y Hà Nội tại 3 tỉnh miền núi phía bắc thì Lai Châu là địa phương có tỷ lệ người cai nghiện có việc làm ổn định chiếm 55%; có thu nhập trung bình 2,9 triệu đồng/tháng (chiếm 85%). Tham gia các hoạt động xã hội tăng lên từ (9% → 46,5%). Góp phần giảm tội phạm liên quan đến ma  túy so với cùng kỳ xuống 27,6%, không để xảy ra tình trạng phức tạp về tội phạm ma tuý. Mâu thuẫn trong gia đình giảm từ (60% → 8,6%); các hành vi trộm cắp, bán đồ đạc, nói dối, cưỡng ép người thân lấy tiền sử dụng ma túy giảm đi rõ rệt. Qua đó, góp phần quan trọng vào ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Đôi điều trăn trở

Điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone được xem là biện pháp hữu hiệu giúp người nghiện thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy, giảm việc sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm dùng chung bơm kim tiêm; giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu; giảm hoạt động tội phạm. Đem lại hiệu quả về kinh tế; giảm chi phí cho người nghiện; tạo việc làm, thu nhập, tái hoà nhập cộng đồng, cải thiện xã hội; cải thiện tình hình sức khỏe...

Tuy nhiên, việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân một phần do địa bàn rộng, giao thông đi lại hết sức khó khăn, bị chia cắt những tháng mùa mưa. Nhiều bệnh nhân hàng ngày phải đi cả chục cây số để uống thuốc; tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu dung bệnh nhân. Cùng với đó, Lai Châu là tỉnh miền núi, dân số thưa đa phần là dân tộc thiểu số, tập quán lạc hậu, học vấn thấp, nhiều địa bàn nhóm nghiện ma tuý có tỷ lệ mù chữ cao. Do đó dễ bị lôi kéo, tham gia vào tệ nạn, việc làm không được pháp luật cho phép, như: buôn bán, vận chuyển và tái trồng cây thuốc phiện...

Công tác quản lý, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, sự giúp đỡ của cộng đồng, gia đình và xã hội vẫn còn hạn chế nhất định. Tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện vẫn còn; việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone bước đầu đã có hiệu quả tích cực song vẫn có tình trạng người nghiện điều trị Methadone bỏ liều, bỏ điều trị hoặc dùng song song cả ma tuý tổng hợp khác… Gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát, theo dõi điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy.

Điều đáng nói là hiện nay, số người nghiện chất ma túy trên địa tỉnh chiếm tỷ lệ cao so với dân số của tỉnh và so với một số địa phương cùng khu vực Tây Bắc (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ toàn tỉnh còn 3.037 người nghiện ma tuý). Trong khi đó, địa bàn sinh sống của người nghiện ma tuý thường rải rác khắp ở các thôn, bản, nhất là thôn, bản của xã vùng sâu, vùng xa không thể tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc, điều trị như bản: bản Nậm Dính, xã Tà Tổng, Cờ Ló, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè); Sàng Mào Pho, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Mùi, xã Khoen On (huyện Than Uyên).

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án quốc tế đang trong lộ trình cắt giảm đóng dự án. Việc xã hội hoá thu phí từ người sử dụng dịch vụ sẽ ít khả thi, bởi bệnh nhân điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh chiếm đến gần 70% là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Trên thực tế, số bệnh nhân tham gia điều trị tại tuyến xã của tỉnh chiếm tới 58,5% (1.354 người). Tỷ lệ nhiễm HIV so với dân số tại tỉnh là 0,38%, hiện cao hơn mục tiêu quốc gia đề ra (tỷ lệ toàn quốc là 0,31%).

Trước những khó khăn trên, ngành Y tế cũng mong muốn, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Lai Châu trong công tác đào tạo tập huấn về chăm sóc điều trị nghiện chất bằng thuốc Methadone, thuốc Buprenophine. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ thuốc Methadone, sinh phẩm xét nghiệm và các vật tư phục vụ hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Thu hút các Dự án quốc tế và có kế hoạch hỗ trợ các nguồn ngân sách cho tỉnh Lai Châu trong giai đoạn tiếp theo. Đối với tỉnh, tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức liên quan và UBND huyện, thành phố trong công tác phối hợp xây dựng Đề án Triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thay thế giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”... Từ đó, góp phần giảm số người nghiện và tái nghiện, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20/6/2014 về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2014 và 2015. Tỉnh Lai Châu đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện với kết quả đạt như sau: Năm 2014 tổ chức điều trị cho 1.097 bệnh nhân nghiện ma tuý, đạt 274%. so với kế hoạch giao là 400 người nghiện được điều trị. Năm 2015 tổ chức điều trị cho 1.988 bệnh nhân nghiện ma tuý, đạt 117% so với kế hoạch giao là 1.700 người nghiện được điều trị. Năm 2019 tỉnh tổ chức điều trị cho 2.281 bệnh nhân nghiện ma tuý, đạt và vượt 134% so kế hoạch giao của Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến 30/6/2020 tỉnh tổ chức điều trị cho 2.315 bệnh nhân nghiện ma tuý, đạt và vượt 136,2% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...