Thứ bảy, 27/04/2024, 17:25 [GMT+7]

Giá trị của lời dặn “Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa” đối với việc thực hiện trách nhiệm “Trung với nước, hiếu với dân của cán bộ, đảng viên hiện nay”

Thứ hai, 29/01/2024 - 10:56'
Cách đây 70 năm, nhân ngày thị trấn Lai Châu được giải phóng (12/12/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, cổ vũ đối với quân và dân các dân tộc Lai Châu. Trong thư Người căn dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng một số điều, trong đó có nội dung; “Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Những lời căn dặn đó có giá trị vượt thời gian. Nó vừa là chỉ dẫn cách mạng, là “mệnh lệnh” hành động, vừa là nêu lên trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đối với Tổ quốc, tạo nên truyền thống quý báu của dân tộc (tinh thần yêu nước), giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao gian khổ, khó khăn, hy sinh để chiến thắng mọi kẻ thù lớn mạnh, giành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng mà lịch sử dân tộc đặt ra.

 

vv

Lực lượng Công an Lai Châu thường xuyên luyện tập võ thuật, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Giá trị những lời dạy của Bác “Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa” đối với cán bộ, đảng viên Lai Châu.

Những lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào và cán bộ Lai Châu “Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa” là những lời dặn mang tính cốt lõi, nền tảng để bảo vệ vững chắc những tấc đất thiêng liêng, mọi giá trị trân quý trên mãnh đất hình chữ S nói chung và của Lai Châu nói riêng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi người đều phải tuân theo đạo đức công dân. Đạo đức công dân, theo Bác là hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc, cần, kiệm xây dựng nước nhà… Người nói, mỗi người đều phải có bổn phận với đất nước. Nước là của dân và dân là chủ của nước. Tổ quốc là Tổ quốc chung, Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Khi đất nước lâm nguy, Bác kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người gia, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phải, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Người yêu cầu, vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ - đạo đức cách mạng, nghĩa là nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. “Phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Nước và dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, đảng viên trong mọi thời gian, không gian, mọi công việc.

Cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ còn phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Trong đó, chịu trách nhiệm trước Nhân dân nhiều hơn là chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ là của dân, vì dân mà làm việc, và cũng chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Xét đến cùng vì nước, vì dân là cốt lõi đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Người dạy: Mục đích hoạt động của các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên là nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, cả đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần. Cải thiện và nâng cao sức sống của Nhân dân là tiêu chí số 1 đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người, trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Trong cả cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu trưng sáng ngời về sự trung thành với Tổ quốc, hiếu kính với Nhân dân. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, cơm no áo ấm cho đồng bào, Người đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Sự truy sát ráo riết và đe dọa của kẻ thù không làm Người nhụt chí. Trong lao tù của kẻ thù, lòng kiên trung bất khuất của Người, quyết tâm giải phóng dân tộc, cơm no áo ấm cho đồng bào càng được bồi đắp thêm. Khi Tổ quốc được độc lập, Người tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào, không muốn dính líu gì với vòng danh lợi mà chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành… Trong suốt những năm giữ chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác lòng trung, hiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu trong từng công việc. Dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ nhằm một mục đích là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc… Để rồi trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người tự vấn lòng mình và thấy rằng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Những lời căn dặn và tấm gương của Bác là những yêu cầu, tiêu chuẩn, là “mệnh lệnh” hành động không chỉ cho cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Lai Châu, mà còn có giá trị chung cho mọi cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước Việt Nam học tập, noi theo. Đã là cán bộ, đảng viên là phải trung thành với Tổ quốc. Nghĩa là một lòng một dạ, thật sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trọn đời vì dân tộc và Tổ quốc, vì dân, vì Đảng, vì giai cấp và vì công cuộc đổi mới. Đảng viên phải thực hiện đúng những gì đã hứa trước đảng kỳ khi vào Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng hiện nay. Cán bộ thì phải thi hành nghiêm các quy định trong Luật Cán bộ, công chức và những văn bản liên quan tới cán bộ, công chức. Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Không chỉ trung với nước, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải hiếu với dân. Nghĩa là phải kính trọng Nhân dân, lễ phép với dân, tin vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, gần gũi với dân, hòa với dân thành một khối, thương dân, yêu dân, chăm lo lợi ích của nhân dân, phục vụ Nhân dân hết lòng. Là đầy tớ trung thành của Nhân dân chứ không phải là quan Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân, là làm cho Nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, văn minh và hạnh phúc.

70 năm qua, cán bộ, đảng viên Lai Châu thực hiện lời Bác dạy nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng

Để xứng đáng với sự quan tâm của người, thực hiện khát vọng, tâm nguyện của Người, 70 năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhân dân và cán bộ Lai Châu tích cực vừa tăng gia sản xuất, xây dựng cơ sở, đánh địch bảo vệ hậu phương, vừa huy động sức người, sức của cho chiến trường, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu đã có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch. Sau ngày 7/5/1954, tuy địch ở Điện Biên Phủ đã đầu hàng, thực dân Pháp vẫn cố gắng duy trì lực phỉ còn sót lại để chống phá ta lâu dài. Quân và dân Lai Châu cùng bộ đội tiễu phỉ trừ gian, đến giữa những năm 60 cơ bản giải quyết xong vấn đề phỉ, xưng vua tại địa bàn, tiêu diệt hàng nghìn tên, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng khác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Lai Châu tổ chức 65 trận đánh, bắn rơi 14 máy bay, bắn cháy và bị thương nhiều chiếc khác, riêng lực lượng dân quân bắn rơi 4 chiếc; bắt và tiêu diệt 12 toán gián biệt kích Mỹ xâm nhập vào địa bàn Lai Châu. Lực lượng vũ trang Lai Châu phối hợp với lực lượng cách mạng Lào đánh 71 trận, tiêu diệt và gọi ra hàng 600 tên địch... Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, quân và dân Lai Châu đã biến mãnh đất quê hương thành tiền đồn vững chắc ngăn bước quân xâm lược, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi vẻ vang. Ngăn chặn địch ngay từ biên giới, loại khỏi vòng chiến đấu 12.275 tên địch và nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc trên địa bàn tỉnh. Với những thành tích trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho quân và dân huyện Phong Thổ; Huân chương Kháng chiến hạng nhì cho quân và dân huyện Sìn Hồ, hạng ba cho quân và dân huyện Mường Tè. 5 đơn vị và 10 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều phần thưởng khác. 32 đơn vị, 136 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Trong những năm tháng ấy, lớp lớp các thế hệ cha, anh, những người con Lai Châu thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại nỗi đau cho những người thân, đặc biệt là người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”; hàng nghìn thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường để “vết thương trên ngực cha. Cứ trở gió lại đau nhức nhối” và nỗi đau khi các thế hệ sau bị di chứng chất độc da cam… Nỗi đau đó thấm vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Hiện nay: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang quan lý 16.000 hồ sơ đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có gần 1.000 liệt sĩ, 1 Anh hùng lực lượng vũ Trang trong thời kỳ kháng chiến, 2 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, thương bình 303 người, bệnh binh 180, liên quan đến chất độc hóa học 326 người,… Còn trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có gần 8.1014 người có công với cách mạng, trong đó có gần 300 liệt sĩ, hơn 400 thương bình, 10 Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 300 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và gần 7.000 người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương…

Không những góp về người, cán bộ và Nhân dân Lai Châu còn góp sức, góp của cho các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nổi bật là “Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên, toàn tỉnh Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo, vượt mức trên giao 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 48 tấn; 210 tấn rau xanh; 16.972 dân công với số ngày công tính ra 517.210 ngày; 348 ngựa thồ; 58 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ làm đường, lán trại”. “Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu đã có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch”[1]. “Trong chiến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lai Châu đã vận động hàng ngàn con em mình lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, (trong 3 năm 1966-1968 có 2.000 người đăng ký nhập ngũ. Trong hơn một năm tỉnh đã huy động được hơn 3.000 thanh niên đi dân công phục vụ chiến trường từ 2 đến 3 tháng. Hằng trăm thanh niên nam, nữ đã vận chuyển nhiều chuyến hàng chiến trường Lào; giúp 19 vạn ngày công phục vụ chiến đấu và biểu diễn văn nghệ phục vụ các vùng mới được giải phóng ở nước bạn. “Ngay sau ngày 30/4/1975, nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân kỹ thuật từ Lai Châu đã tăng cường cho một số tỉnh miền Nam. Riêng lực lượng công an và Công an nhân dân vũ trang đã tăng cường hơn 500 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 78 sĩ quan) cho các tỉnh Tây Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk để làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ biên giới Tây Nam”[2].

Những con số điển hình ấy cũng đã nói lên sự hy sinh vì sự tồn vong của Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc của đồng bào và cán bộ Lai Châu. Minh chứng cho niềm tin mảnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Sau chiến tranh, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tổ chức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, từng bước khôi phục kinh tế - xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới… bằng việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa. Phát động phong trào quần chúng trong toàn tỉnh, tự lực, tự cường, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, sát với cơ sở, triển khai và sử dụng hợp lý đất đai, lao động và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; đẩy mạnh thâm canh và định canh, định cư; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, tăng nhanh hàng sản xuất khẩu; từng bước hình thành cơ cấu công - nông - lâm nghiệp. Xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sức khỏe. Xóa các tệ nạn xã hội; từng bước ổn định đời sống về mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, Nhân dân các dân tộc và bảo đảm tốt công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đánh đấu sự chuyển biến quan trọng về chính trị, tư tưởng của Đảng bộ theo quan điểm đổi mới của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đổi mới tư duy lý luận, đổi mới kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, hành chính chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Sau khi Lai Châu được chia tách, thành lập trên cơ sở 4 huyện phía Bắc của tỉnh Lai Châu (cũ) và sáp nhập huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai, là các địa bàn xa trung tâm tỉnh lỵ hai tỉnh thì nhiệm vụ chính trị đặt trên vai Đảng bộ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc hết sức nặng nề. Bởi Lai Châu lúc này trong điều kiện là tỉnh nghèo và khó khăn nhất cả nước, xa các trung tâm kinh tế lớn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, gây phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa bàn… Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng bộ tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần yêu nước, lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân hăng hái thi đua lao động, học tập, công tác. 

Các phong trao thi đua ngày càng có chiều sâu, sáng tạo, linh hoạt, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước cán bộ, công nhân viên chức lao động và Nhân dân các dân tộc đã tạo ra tạo ra “Phong trào xóa đói giảm nghèo”, “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”,“xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh dân dân”, “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cán  bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Đó chính là những động lực quan trọng giúp Kinh tế Lai Châu phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm ước đạt 9,69%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần (từ 2,2 triệu đồng lên trên 47 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt gấp 70 lần (từ 31 tỷ đồng lên trên 2.200 tỷ đồng). Hoạt động văn hóa - xã hội đã có những bước tiến dài, vững chắc góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển khá toàn diện, không ngừng được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 62% trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng lên. Công tác y tế, dân số, gia đình có bước chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân được nâng lên, bản sắc văn hoá các dân tộc được phát huy; phong trào xây dựng thôn, bản, khu phố văn hóa phát triển mạnh. Đặc biệt, xoá đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bình quần hằng năm giảm trên 5%, huyện Than Uyên và Tân Uyên được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016-2020. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại được duy trì và mở rộng, góp phần xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên. UBND các cấp phát huy tốt vai trò quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Với những thành tích đạt được sau khi chia tách, thành lập, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, tỉnh Lai Châu có 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 3 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương độc lập các hạng; 39 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 18 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 18 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công; 558 huy chương các hạng; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ 29 tập thể; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 110 lượt tập thể. Đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vinh dự được đón nhận Huân chương ồ Chí Minh. Trong giai đoạn từ năm 2010-20152 tỉnh Lai Châu có tập thể, 8 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 7 tập thể, 29 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác từ năm 2010 đến năm 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 11 tập thể tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015; tặng Bằng khen cho 60 tập thể, 262 cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu công tác TĐKT và có thành tích xuất sắc phong trào thi đua yêu nước. Trong giai đoạn 2015 - 2020 có 146 tập thể và 345 cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, 4.717 tập thể và 12.440 cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng; đặc biệt nhân kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai).

Cán bộ, đảng viên Lai Châu tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác “Trung thành với Tổ quốc” trong điều kiện mới

Trong giai đoạn mới, nói cán bộ, đảng viên trung thành là phải một lòng một dạ, thật sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trọn đời vì dân tộc và Tổ quốc, vì dân, vì Đảng, vì giai cấp và vì công cuộc đổi mới. Cụ thể:

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghĩa là cán bộ, đảng viên phải trung thành, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, không máy móc, giáo điều. Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước, trên cơ sở đó đề ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử.

Trung thành với Tổ quốc, với Nhân nhân. Nghĩa là có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, Nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, vì Đảng, vì dân mà hy sinh quên mình gương mẫu trong mọi việc. Luôn luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, gần dân, học dân, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của dân, không vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân, không mắc bệnh quan liêu. Xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội.

Trung thành với Đảng là trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Lòng trung thành không chỉ dừng lại ở tư tưởng, niềm tin đơn thuần mà còn phải được thể hiện bằng hành động cách mạng. Trung thành với Đảng là kiên quyết bảo vệ đường lối của Đảng, bảo vệ sự trong sạch và vững mạnh của tổ chức Đảng; chống mọi tư tưởng và hành động sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, mọi âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù đối với Đảng. trung thành với Đảng còn phải được thể hiện ở việc mỗi người cán bộ cách mạng, tùy theo vị trí công tác của mình, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Trung thành với Đảng thể hiện ở ý thức tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; ý thức rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng, không ngừng nâng cao năng lực hành động cách mạng để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng giao cho; thể hiện ở tình cảm nguyện vọng thiết tha của mình ra sức phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thực hiện lý tưởng của Đảng. Đồng thời, trung thành với Đảng còn được thể hiện ở ý thức xây dựng Đảng, thường xuyên phản ánh, đề đạt yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng, báo cáo những việc làm vi phạm chính sách và pháp luật của cán bộ đảng viên để xây dựng Đảng. Kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chủ nghĩa, tham vọng về quyền lực, độc đoán chuyên quyền, phe cánh, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm, luôn tìm mọi cách để làm lợi cho bản thân, gia đình, coi thường kỷ cương phép nước. Đây chính là những kẻ không những không bảo vệ Đảng, mà còn là phần tử trực tiếp hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm chính trị của mình. Nghĩa là luôn tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, những phần tử bất mãn. Ý thức cao về bảo vệ chính trị nội bộ; tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó. Tự giác, kỷ luật trong khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là công dân gương mẫu.

Hiện nay, tình hình thế giới luôn biến động phức tạp, khó lường của. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa dân túy, thực dụng đang phát triển mạnh mẽ. Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, kết hợp gây bạo loạn hòng lật đổ chế độ chính trị nước ta. Thêm vào đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là biểu hiện của sự giảm sút về bản lĩnh chính trị, vừa là sự tác động tiếp tục, thách thức đến bản lĩnh chính trị của Đảng. Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về địa lý và quốc phòng, an ninh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là một trong những địa bàn các thế lực thù địch lợi dụng trình độ dân trí, trình độ hiểu biết của một số người dân còn hạn chế, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, xúi dục tụ tập đông người, gây mất mất an ninh tật tự, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc nhằm làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ… Trước bối cảnh mới đó, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc mãnh đất biên cương của Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu và hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc cho đồng bào 20 dân tộc cùng sinh sông trên địa bàn… là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vinh dự cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Lai Châu. Để đội ngũ cán bộ, đảng viên Lai Châu có được bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước mọi tình huống, quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt sứ mệnh Nhân dân giao phó, đòi hỏi:

Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị

Cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, phải là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới, khát vọng phát triển để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về bản chất, sứ mệnh của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, có ý thức phục vụ Nhân dân thì đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị đó mới trong sạch, vững mạnh.

Mặt khác, phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền lên cấp trên hoặc sang cơ quan, đơn vị khác. Phân công, bố trí công việc hợp lý, khoa học; giao việc phải gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, định hướng giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu, cống hiến và khẳng định bản thân. Đồng thời, củng cố khối đại đoàn kết; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực tham gia phong trào yêu nước do Mặt trận Tổ quốc phát động. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; bảo đảm quốc phòng, an ninh,… đưa Lai Châu tiến kịp cả nước, nhanh chóng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Tăng cường chỉ đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với Nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao. Thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ, đảng viên, có thái độ khen, chê đúng mức.

Đối với cán bộ, đảng viên

Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, Nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; các quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, bảo mật thông tin, kỷ luật phát ngôn, sử dụng internet, mạng xã hội…

Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tăng cường giữ gìn, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; sâu sát cơ sở, tăng cường tiếp xúc với Nhân dân, thực hiện tốt phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; cầu thị, lắng nghe, xem xét giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Là tấm gương để Nhân dân noi theo.

Đặc biệt, không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả. Thường xuyên học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao với phương châm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và dám hành động vì lợi ích chung”. Sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; không đùn đẩy, né tránh công việc.  

Mãi thấm nhuần lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên của tỉnh Lai Châu, nguyện hứa tu dưỡng đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong trái tim luôn nồng cháy tình yêu quê hương, đất nước và lòng thương mến Nhân dân, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc. Luôn tự biết nuôi dưỡng, rèn luyện và hâm nóng tình yêu ấy suốt đời, để bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình cả nước. Mãi xứng đáng là “một người trong đại điểu của dân tộc”, “suốt đời làm đầy tớ trung thành của Nhân dân”.

T.B

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...